Giáo viên vùng cao “không ngại” dạy học tích hợp

(Dân trí) - Khái niệm dạy học tích hợp đang bị cường điệu hóa khiến cho nhiều người tưởng là khó. Từ xưa đến nay các kiến thức môn học vẫn lồng ghép, chỉ có điều chúng ta đưa như thế nào để cho nó tự nhiên và không khiên cưỡng mà thôi. Đó là chia sẻ của nhiều giáo viên vùng cao tỉnh Yên Bái khi trao đổi với đoàn công tác liên ngành vào ngày 2/12.

Đoàn công tác liên ngành gồm Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực; Vụ Giáo dục và Đào tạo, dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội; Vụ Khoa giáo – Văn xã thuộc Văn phòng Chính phủ) do TS Đặng Xuân Hoan – Tổng thư ký Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực làm trưởng đoàn.

Đoàn vừa thực hiện chuyến khảo sát nhằm nắm bắt thực tế triển khai Nghị quyết số 29 của T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; tình hình triển khai thực hiện những chủ trương chính sách của Quốc hội về GD-ĐT, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 tại Yên Bái vào ngày 2/12.

Đoàn khảo sát do TS Đặng Xuân Hoan dẫn đầu trao đổi với với cán bộ, giáo viên tỉnh Yên Bái trong việc thực hiện Nghị quyết 29
Đoàn khảo sát do TS Đặng Xuân Hoan dẫn đầu trao đổi với với cán bộ, giáo viên tỉnh Yên Bái trong việc thực hiện Nghị quyết 29

 

Trước câu hỏi của đoàn khảo sát về việc dạy học tích hợp có gây khó khăn cho giáo viên hay không, cô Đặng Thị Hương - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Huệ thẳng thắn bày tỏ: “Nếu đứng ở phía bên ngoài, khi nói dạy liên môn thì nhiều sẽ nói làm sao mà dạy được khi có sự gò ép và khiên cưỡng. Trước đây bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp đều cho rằng rất khó để thực hiện. Tuy nhiên khi được tập huấn thì quan điểm của chúng tôi đã thay đổi. Do chúng ta cứ cường điệu hóa lên chứ tích hợp chỉ là một từ để gọi còn từ xưa đến nay nó vẫn lồng ghép và chúng ta đưa như thế nào để cho tự nhiên, không khiên cưỡng”

Minh chứng cho điều này, cô Hương phân tích: Ví dụ môn Ngữ văn tích hợp với giáo dục môi trường (bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường xã hội). Khi dạy tác phẩm Chí Phèo, ở phần đọc hiểu thì rõ ràng vẫn có môi trường bối cảnh xã hội trước cách mạng tháng Tám năm 1945, môi trường cây cối, trăng, sao, trời, đất… Lâu nay chúng ta không nói đó là tích hợp còn bây giờ chúng ta đưa vào một cách cụ thể hơn, có ý thức giáo dục hơn thì điều đó cũng là chuyện bình thường, không có gì gọi là khiên cưỡng cả.

“Qua tập huấn, chúng tôi nhận thấy, dạy tích hợp không phải là cái gì đó gò ép quá nhưng chỉ có điều môn nào vẫn chú trọng nội dung trọng tâm của môn đó thì quá trình đưa vào sẽ tự nhiên hơn chứ mình không mang tính chất là gò ép, bắt buộc dẫn đến sự khiên cưỡng” – cô Hương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hòa - giáo viên dạy Sử Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Yên Bái chia sẻ thêm: Trước khi Bộ GD-ĐT có chủ trương dạy học tích hợp liên môn thì nhà trường đã chủ động thực hiện. Với bộ môn Lịch sử thì giáo viên cũng đã sử dụng tài liệu Văn học trong quá trình giảng dạy. Ví dụ dạy về cuộc kháng chiến chống Tống thời Lý thì giáo viên Lịch sử đã sử dụng bài thơ Nam Quốc Sơn Hà để có sự thu hút đối với các em; Giảng dạy về bài học cách mạng tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì giáo viên sử dụng tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Văn học; Dạy về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thì bộ môn Lịch sử đã sử dụng bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu…

Cô giáo Nguyễn Thị Hòa chia sẻ về việc dạy học tích hợp liên môn
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa chia sẻ về việc dạy học tích hợp liên môn

 

“Trong hoạt động chính khóa, giảng dạy lịch sử địa phương hay trong hoạt động ngoại khoa thì các giáo viên bộ môn khoa học xã hội của nhà trường đã có những nội dung dạy học tích hợp và bước đầu có hiệu quả trong việc thu hút học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy” – cô Hòa nói về những thành công khi “tiên phong” đi trước trong việc dạy học tích hợp.

Cũng theo cô Hòa, sau khi Bộ GD-ĐT có chủ trương dạy học tích hợp thì sau khi được tập huấn nhà trường đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng tất cả các giáo viên của bộ môn Khoa học xã hội (môn Văn, Sử, Địa và Giáo dục Công dân) cùng ngồi lại để rà soát toàn bộ chương trình của 4 bộ môn và tìm ra những nội dung chung để xây dựng kế hoạch dạy học. Trên cơ sở nội dung chung đã lựa chọn tổ xác định nội dung nào đó đó chủ yếu thuộc phân môn nào thì giao cho bộ phận phân môn đó chịu trách nhiệm thực hiện.

“Việc dạy học tích hợp liên môn không phải là cái gì mới với trường chúng tôi. Tuy nhiên việc thực hiện dạy học tích hợp của nhà trường hiện nay cũng có những mặt khó khăn khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh để hướng tới việc dự kì thi THPT quốc gia. Ở kì thi này vẫn chưa có bài thi đánh giá năng lực chung mà vẫn thi theo môn thi” – cô Hòa bày tỏ.

Cũng trao đổi với đoàn công tác với đoàn công tác, lãnh đạo Sở GD-ĐT Yên Bái bày tỏ: Việc dạy hợp tích hợp được địa phương đặc biệt quan tâm trong nhiều năm nay và bước đầu ghi nhận được sự phản hồi tích cực từ phía cơ sở cũng như học sinh, phụ huynh. Đây cũng là một trong những giải pháp tích cực phát triển GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020. Quan điểm của Yên Bái là thực hiện có hiệu quả nội dung giáo dục phổ thông theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên.

Trước những bước đi vững chắc của Yên Bái trong việc tổ chức dạy học tích hợp, TS Đặng Xuân Hoan khẳng định: Đây là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện quyết liệt Nghị quyết 29. Từ những kinh nghiệm chia sẽ của thầy cô cũng như đi khảo sát trực tiếp, đoàn công tác sẽ tổng hợp chi tiết để báo cáo Chính phủ để từ đó có lộ trình, bước đi đúng đắn trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)