Giáo viên vùng cao chia sẻ kinh nghiệm đánh giá học sinh tiểu học

(Dân trí) - Với sĩ số lớp cũng trên 40 học sinh nhưng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (thành phố Lào Cai) vẫn từng bước vững chắc thực hiện tốt đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Vậy kinh nghiệm của nhà trường trong việc thực hiện đánh giá là gì?

Nhân dịp đầu năm mới, cô Trần Thị Thùy Dung - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Ngọc Hân đã có bài viết gửi Dân trí chia sẻ về việc thực hiện Thông tư 30. Dân trí xin trân trọng giới thiệu bài viết này:

Với mục tiêu “Vì sự tiến bộ của học sinh”, Thông tư 30 (TT30) đã trở thành suy nghĩ và hành động thường nhật trong đội ngũ cán bộ giáo viên và cha mẹ học sinh Trường tiểu học Lê Ngọc Hân.

Tăng cường khả năng tự học của học sinh sẽ giúp giáo viên thực hiện Thông tư 30 dễ dàng hơn.
Tăng cường khả năng tự học của học sinh sẽ giúp giáo viên thực hiện Thông tư 30 dễ dàng hơn.

Thời gian gần đây, dư luận trong ngành Giáo dục và toàn xã hội đặc biệt quan tâm đến chủ trương đánh giá học sinh tiểu học theo TT30. Cũng như nhiều trường tiểu học trong cả nước, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (thành phố Lào Cai) đã đón nhận TT30 với rất nhiều niềm vui và không có thách thức, là bởi nhà trường là đơn vị được tham gia thực hiện mô hình trường tiểu học mới (VNEN), nên những kĩ thuật đánh giá học sinh theo TT30 không mới, vì đã được tiếp cận và sử dụng hàng ngày.

Giáo viên là yếu tố then chốt

Ngay khi Bộ GD-ĐT có dự thảo ban hành thông tư, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên nghiên cứu và đóng góp ý kiến và quan trọng là “ngấm" tư tưởng chỉ đao.

Khi Thông tư được ban hành, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho ba đối tượng cốt cán đó là: Giáo viên, phụ huynh và học sinh. Lực lượng cốt cán sau khi cùng tham gia tập huấn rút kinh nghiệm và tổ chức cho các đối tượng còn lại, theo cách vết dầu loang. Cũng nhờ tác động của mô hình VNEN tạo cơ hội cho cha mẹ học sinh có điều kiện được đến trường và mong muốn được đến trường nhiều hơn, cho nên khi tập huấn TT30, vận dụng cách học tập tích cực theo hướng trải nghiệm, chúng tôi đã truyền tải tới cha mẹ học sinh tư tưởng, quan điểm và cách thức đánh giá mới, hướng dẫn họ cách cập nhật thông tư, nghiên cứu suy ngẫm và vận dụng.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt, vai trò quyết định quá trình giáo dục học sinh phải là giáo viên. Họ phải hiểu được mục tiêu và bản chất của việc đánh giá học sinh hàng ngày, hàng kì như thế nào và ghi ghi chép làm sao cho phù hợp, dựa trên cơ sở đọc hiểu và cụ thể hóa các nội dung trong từng điều của TT30. Cụ thể như: Đánh giá học sinh là đánh giá cả quá trình của các em, giáo viên hiểu và nắm chắc từng đối tượng học sinh lớp mình, các em đang ở đâu so với yêu cầu, cần bổ sung cái gì, điều chỉnh và hỗ trợ như thế nào để giúp các em hình thành và phát triểng năng lực, phẩm chất... Do đó trong mỗi bài giảng, giáo viên phải lượng hóa được mục tiêu bài học theo các mức độ của tầng bậc tư duy, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và đối tượng, điều kiện học sinh trong lớp để có biện pháp theo dõi hỗ trợ, bổ sung kịp thời.

Khi đánh giá hết sức lưu ý: nội dung đánh giá và biện pháp hỗ trợ phải bám sát mục tiêu bài và đối tượng cụ thể.

Định hướng cho học sinh tự học để đánh giá

Khi đánh giá học sinh theo TT30, không phải chờ đợi kết thúc một lộ trình mới đánh giá, mà giáo viên phải luôn tập trung và quan sát mọi đối tượng học sinh để hỗ trợ các em. Ví dụ như ta vẫn nói: Phương pháp dạy hoc tích cực là phát huy tính tự học của học sinh, nhưng với học sinh tiểu học các em chỉ tự học tốt khi có sự chỉ dẫn và định hướng cũng như có biện pháp hỗ trợ kip thời của cô. Vì vậy, hướng dẫn học sinh tự học là lúc giáo viên đang đánh giá và hỗ trợ các em, nếu các em học tốt rồi thì động viên, khích lệ, nếu chưa tốt cô hướng dẫn và động viên các em…

Qua phản ánh trên báo chí, tình trạng giáo viên hiểu về đánh giá bằng nhận xét còn rất máy móc là cứ đánh giá là phải ghi chép vào sổ hoặc vào vở. Nhưng rất mừng là ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân chúng tôi, giáo viên đã vận dụng rất linh hoạt TT30, bởi họ hiểu rõ mục đích của hoạt động đánh giá và động cơ của việc nhận xét là “vì sự tiến bộ của học sinh”.

Giáo viên đã xác định được việc nhận xét thường xuyên là để lưu ý trực tiếp bằng lời nói hoặc ghi vào vở của học sinh, còn ghi vào sổ theo dõi chất lượng hàng tháng là những lưu ý, cách “nhắc việc” của cá nhân giáo viên, để tránh chồng chéo và mất thời gian.

Đối với giáo viên dạy các môn chuyên biệt, nhà trường đã thiết kế một cuốn sổ chung dành cho giáo viên chuyên biệt để tại lớp. Cũng giống như các thầy cô khác, giáo viên chuyên biệt chỉ ghi những lưu ý đặc biệt với học sinh đặc biệt, các thầy cô sử dụng biện pháp hỗ trợ trực tiếp nếu cần thiết phải phối hợp thì các thầy cô trao đổi với giáo viên chủ nhiệm.

Vớisự chuẩn bị kỹ lưỡng, việc thực hiện TT30, Trường tiểu học Lê Ngọc Hân đã được tập thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và các em học sinh vận dụng rất linh hoạt, đảm bảo đánh giá đủ, đúng, khách quan, công bằng và quan trọng hơnlà tạo cơ hội cho tất cả mọi người cùng tham gia vào công tác giáo dục, đặt học sinh vào trung tâm của quá trình giáo dục, không ngừng đổi mới và không ngừng sáng tạo.

Trần Thị Kim Dung
Giáo viên Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (thành phố Lào Cai)