Giáo viên trực Tết: Nỗi lòng không của riêng ai

(Dân trí) - Đọc bài viết “Nỗi lòng giáo viên trực Tết” của cô giáo Hiền Thu đăng trên báo Dân trí, tôi thực sự đồng cảm với tác giả. Có lẽ đây là nỗi lòng chung của rất nhiều giáo viên chúng tôi khi Tết đến, xuân về.

Năm nào cũng vậy, cứ gần ngày nghỉ Tết là Ban chấp hành công đoàn trường sẽ tổ chức bốc thăm để giáo viên (GV) trực Tết. Thông thường, các GV nữ được ưu tiên trực ban ngày. Riêng các thầy thì phải tình nguyện trực ban đêm vào những ngày cao điểm như tối 30, tối mùng 1, mùng 2 và mùng 3 Tết. Sau khi bốc thăm công bằng, thầy cô cứ thế mà thực hiện. Nếu GV nào kẹt công chuyện thì có thể đổi hoặc nhờ đồng nghiệp mình giúp đỡ cho. 

Ngày bốc thăm trực, GV nào cũng cầu mong đừng trúng ngày mùng 1 Tết. Ai cũng biết ngày đó các gia đình thường bận rộn việc cúng kiếng rồi tiếp khách họ hàng. Ngại nhất là những cô còn đang chung sống với mẹ chồng. Ngày Tết, nàng dâu vắng mặt ngày đó thật khó chấp nhận. Thành thử, trực Tết nhiều khi thành nỗi ám ảnh của nhiều GV nữ.

Tôi còn nhớ, cách đây mấy năm, trường tôi có một GV trẻ mới lập gia đình. Khi bốc thăm trực trúng ngày mùng một Tết thì cô chỉ biết khóc vì buồn. Hỏi mãi cô mới nói rằng mẹ chồng mình đã quy định rõ ràng, ba ngày tết, con dâu không được vắng mặt. Giờ cô không biết sao để mẹ chồng chấp thuận. Cuối cùng, một chị nhà gần trường đã tình nguyện trực giúp cho.

Bản thân tôi cũng từng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” chuyện trực Tết. Năm trước, lịch trực Tết của tôi là chiều mùng 2. Ông xã tôi thì đã về quê chúc Tết ba mẹ rồi. Thật không may, tối mùng 1, cậu con trai thứ hai của tôi bị sốt viêm họng. Sáng mùng 2, tôi cho cháu đi khám và lấy thuốc về uống. Vậy nhưng, tới giờ đi trực, con vẫn còn sốt và cần có người ở bên theo dõi. Ngày đầu năm, tôi chẳng dám gửi con cũng như nhờ đồng nghiệp giúp đỡ. Ngày Tết mà, ai chẳng bận rộn với chuyện gia đình. Cuối cùng, không còn cách nào khác, tôi đành chở con ra trường để trực cùng mẹ. Thằng bé mệt mỏi nên nằm dài trên bàn ngủ thiếp đi. Hơn một tiếng sau, bác bảo vệ biết chuyện đã mắng tôi rồi tình nguyện trực thay để tôi đưa bé về.

Thực tế, trực Tết cũng chẳng vất vả gì. Chúng tôi chỉ ngồi xem ti vi, dạo quanh trường một vòng rồi bao quát cột cờ xem có gì bất thường không. Đôi khi là Phòng Giáo dục điện về xem trường có trực nghiêm túc không. Cuối buổi trực, chúng tôi sẽ bàn giao cho người tiếp theo rồi mới được ra về. Thế nhưng việc trực Tết lại mất rất nhiều thời gian cho GV. Nhiều người ở xa trường, ngày Tết đã về quê rồi vẫn phải trở ngược lại trường để trực. Chưa kể, một số GV nam ngày Tết vui vẻ uống bia rượu rồi đến trường trực Tết rất nguy hiểm nữa.

Cô bạn gái của tôi dạy ở một trường vùng sâu tâm sự rằng: “Ước gì, ngày Tết, GV không phải trực nhỉ. Năm nào mình cũng sợ chuyện trực Tết lắm. Nhà mình thì cách xa trường những hơn 40 cây số. Trường mình lại nằm heo hút ngay một rừng tràm. Ngày Tết, có bảo vệ trực cùng nhưng mình vẫn phải rủ chồng đi cùng mới an tâm. Nhiều năm, ông xã mình cứ cằn nhằn mãi vì chuyện này.”

Một mùa xuân nữa lại sắp về. Ước gì GV chúng tôi không phải trực Tết. Ước gì chúng tôi được nghỉ trọn vẹn những ngày xuân bên gia đình, người thân.

Loát Trần

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!