Giáo viên trăn trở: Học sinh đang quá lệ thuộc vào văn mẫu

(Dân trí) - Tôi là một giáo viên dạy Văn cấp 2. Thực trạng học sinh cũng như phụ huynh xem nhẹ môn học luôn khiến tôi băn khoăn, trăn trở. Việc học sinh bây giờ không biết viết Văn không phải là chuyện lạ.

Nhiều em thường diễn đạt bằng những ý vay mượn, bằng những lời có sẵn mà không có ý tưởng của mình. Từ đó trở thành nô lệ của sách vở. Tình trạng này bây giờ là chuyện thường của học sinh thời @.

Nhớ ngày tôi mới ra trường đi dạy học, chất lượng môn Văn khi ấy của cả tổ chỉ đạt khoảng 72% là cùng. Còn bây giờ chất lượng môn Văn luôn cao ngất ngưởng. Cuối năm môn Văn thường đạt 95%. Riêng khối 9 phải đạt 100%.

Chất lượng thì cao vậy, nhưng những giáo viên trực tiếp đứng lớp đều cảm thấy buồn lòng. Khi chấm bài tôi thường bắt gặp những bài văn na ná giống nhau. Các em thường dựa vào văn mẫu hoặc dựa vào các ý trong đề cương hay dàn ý thầy cô cho sẵn mà viết lại nên cảm xúc thường hạn chế (còn gượng ép, không chân thật). Rất ít học sinh chịu tìm tòi khám phá ra các ý mới, ý riêng do chính các em cảm nhận. Bài làm thường sơ sài, chung chung, lan man, có khi xa đề, lạc đề.

Người ta thường nói môn Văn vốn là cái đẹp bên trong được thể hiện ra bên ngoài thông qua hình ảnh, ngôn từ và rồi cái đẹp ấy lại thấm đượm vào tâm hồn để góp phần hình thành nên những vẻ đẹp bên trong. Thế nhưng bây giờ mấy ai coi trọng bộ môn. Phụ huynh thì thích con học giỏi môn tự nhiên. Học sinh cũng cùng suy nghĩ ấy. Các em thường nghĩ môn văn chỉ cần đọc sách tham khảo là có thể viết được, thậm chí còn được điểm cao. Chính vì vậy mà học sinh bây giờ mới quá phụ thuộc vào văn mẫu. Gần thi các em học văn giống như học các môn thuộc lòng.

Cháu trai tôi đang học lớp 9 và chuẩn bị thi tuyển vào 10. Mặc dù năm nào cháu cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Thế nhưng môn cháu lo sợ cho kì chuyển cấp này nhất là môn Văn. Mẹ cháu có cho con trai luyện thi ở một trung tâm. Một tuần cháu học ba buổi. Vậy mà tối nào về cháu cũng lôi văn mẫu ra học thuộc để có ý viết văn nộp cho cô.

Hôm qua cháu có gọi điện mượn tôi vài cuốn sách văn tham khảo. Tưởng cháu đọc thêm nên tôi rất hào hứng, ai dè cháu bảo cháu cố gắng học thuộc để thi học kì 2 rồi thi tuyển 10. Khi được tôi góp ý về cách học này cháu lại bảo cả lớp cháu ai cũng thế cả. Cứ sắp kiểm tra một tiết là cô cho sẵn mấy đề về chuẩn bị, sau đó mới kiểm tra. Vì vậy mà điểm kiểm tra của các cháu mới cao.

Thực ra chuyện học sinh học thuộc văn mẫu vốn có từ khi học tiểu học. Cứ sắp đến ngày thi là cô giáo cho sẵn vài bài văn mẫu. Sau đó các em làm hoặc phụ huynh giúp đỡ làm rồi học thuộc các bài đó để vô thi (đề chắc chắn sẽ ra chọn 1 trong các bài đó). Từ thói quen này mà tới cấp 2 các cháu cũng vẫn học vậy. Các em không còn sự sáng tạo và cảm thụ văn. Có lẽ vì áp lực chất lượng nên giáo viên đành phải làm thế. Dẫu buồn nhưng chẳng biết làm sao?

Cách dạy và học như thế khiến các em dần dần không biết làm văn. Các em không có vốn từ để diễn đạt. Muốn viết văn tốt các em phải đọc nhiều. Mà học sinh bây giờ thì rất lười đọc sách. Ngay như tác phẩm văn học mà học sinh còn không chịu đọc thì làm sao làm được văn hay? Cả ngày các em đi học. hết học ở trường rồi lại đi học thêm. Thời gian rảnh thì lên phây tán gẫu. Trong khi đó phụ huynh thì thích con giỏi, thầy cô thì mong đủ chi tiêu đã giao. Cuối cùng thì cách học chỉ còn là hình thức đối phó.

Là một giáo viên trực tiếp dạy Văn, bản thân tôi luôn băn khoăn, trăn trở trước việc dạy và học Văn hiện nay. Làm sao người thầy dạy phải dạy đúng hướng, đúng cách. Học sinh phải suy nghĩ nhiều hơn, tích cực chủ động hơn trong hoạt động nhận thức, cảm thụ và vận dụng các kiến thức? Để làm được điều này, ngành giáo dục cần phải tiên phong cởi bỏ bệnh thành tích. Chỉ có như vậy thì chất lượng môn Văn mới đi lên được.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!