Giáo viên tất tả làm thêm ngày Tết

(Dân trí) - Đồng lương thấp, không có thưởng tết... cũng như bao người, nhiều giáo viên cũng tất tả chạy ngược chạy xuôi làm thêm vào những ngày cuối năm để có đồng ra vào sắm Tết.

Từ hôm được nghỉ Tết, cô giáo H.T.T.P. liên tục chở từng chậu lúa cảnh từ Củ Chi đi bán, đi giao ở khắp nơi trong thành phố.

Cô P. lấy lúa cảnh từ người em trai rao bán. Mỗi chậu 30 nghìn đồng, rất nhiều người quen thích thú đặt mua chưng trong nhà để con trẻ biết cây lúa, mùi nếp như thế nào. Có điều, đường xá đi lại xa xôi, mỗi lần cô chỉ chở được 10 -15 chậu mà đi giao cách 30 - 40 cây số.

Có người biết tình cảnh vất vả của cô P. đã giới thiệu địa điểm ở gần trung tâm thành phố để cô tiện bề bán hàng. Mấy ngày qua, cô P. chở hàng từ nhà lên thành phố vào giữa đêm, co ro nằm ngủ giữa sân chờ đến sáng sớm giao cho khách.

Chậu lúa nhỏ nhắn dễ bị dập, thuê người giao cô P. không an tâm. Chưa kể, người mua ủng hộ còn vì giá trẻ, nếu thêm tiền giao hàng sẽ đội lên rất nhiều nên đích thân cô tự mình chở từng chậu cây cẩn thận mang đến tận nơi cho khách, xem như lấy công tính lãi. Nhìn cô, nếu không phải người quen, không ai nghĩ cô là một giáo viên đang dạy tiểu học ở Củ Chi.

Trong nhà cô có mẹ già, chồng mất sức lao động, con trai nhỏ mới hơn 2 tuổi... , từ lâu cô P. đã là trụ cột gia đình. Hàng tháng, tiền lương đã không đủ chi tiêu, tết nhất cần nhiều thứ nên cô tất tả kiếm thêm sắm sửa ít gạo thịt, bánh trái cũng như để thực hiện những ấm ủ của mình. Sáng 30 Tết, cô vẫn gửi con để đi giao hàng...

Nhiều năm nay, được nghỉ Tết là cô Nguyễn Ngọc Ân, giáo viên dạy Sử ở Tân Phú (TPHCM) lại nhận công việc phục vụ cho nhà hàng gần nhà. Bưng bê, quét dọn, rửa chén bát... cô không từ việc gì. Cô khá thuần thục với công việc này vì những ngày cuối tuần trong năm cô Ân vẫn xin vào đây làm với mức lương 70 - 80.000 đồng cho hai giờ làm việc.

Riêng ngày Tết, tiền công được trả cao hơn. Tuần lễ trước Tết cô kiếm được trên dưới 2 triệu đồng sắm sanh thêm trong nhà. Cô tính ra mùng Ba lại quay lại làm...

“Vợ chồng tôi quê ở Quảng Bình nhưng ít khi về quê dịp Tết. Ngày Tết đi lại đắt đỏ, về lần nào là sạch tiền bạc còn phải vay mượn thêm. Ở lại thành phố dịp này được trả công cao nên phải tranh thủ”, cô ngại ngần cho hay.

Chồng cô Ân những ngày qua cũng chạy xe đi giao hàng hóa, cây cảnh, mỗi ngày cũng kiếm thêm được chút đỉnh để lo Tết trong nhà tươm tất hơn. Anh cũng là một giáo viên, dạy tiểu học ở thành phố. Từ lâu, họ mong mỏi có thể đưa con về quê dịp Tết mà không phải không phải tính trước tính sau.

Cô Hoàng Thị Mai, dạy ở Bình Thạnh những ngày này còn nhận việc lau dọn, giúp việc nhà. Cô chỉ nghỉ mỗi ngày 30 và mùng Một, còn “chạy sô” từ nhà này qua nhà khác dọn dẹp trong dịp Tết.

Không ít giáo viên ở TPHCM đi phục vụ nhà hàng, giúp việc nhà trong dịp Tết để kiểm thêm thu nhập
Không ít giáo viên ở TPHCM đi phục vụ nhà hàng, giúp việc nhà trong dịp Tết để kiểm thêm thu nhập

Cô Mai chia sẻ, nếu chờ đồng lương nhà giáo, không có lương tháng 13, không có thưởng Tết mà gia đình không có nguồn thu nhập khác thì cuộc sống tằn tiện hàng ngày còn không đủ, làm sao lo nổi những bao nhiêu khoản cần chi tiêu trong dịp Tết.

Ban đầu cô cũng ngại ngần, có phần mủi lòng, tủi thân khi nhà giáo mà lại đi giúp việc nhà. Dần rồi cô cũng quen, giáo viên cũng như bao nhiêu người, đi làm để mưu sinh với hy vọng cuộc sống no đủ hơn. Người thuê cũng không biết và cũng không quan tâm cô làm nghề gì miễn là phải đáp ứng tốt công việc.

Dịp cuối năm, khi Công đoàn ngành giáo dục, các cấp, các đơn vị ở TPHCM tổ chức chăm lo cho đời sống nhà giáo... đã ghi nhận rất nhiều giáo viên gia cảnh khó khăn. Có giáo viên mang bệnh hiểm nghèo hay lương không đủ sống người phải bươn chải đủ mọi việc như phục vụ nhà hàng, chạy xe ôm, bán hàng rong...

Lương không đủ sống, giáo viên phải làm thêm nhiều nghề tay trái ngoài chuyên môn để sống phải nói là sự thiệt thòi đối với giáo dục khi người thầy không thể dốc hết thời gian, tâm sức cho con trẻ. Đối với nhà giáo, có lẽ họ cũng sẽ có những phút chạnh lòng khi phải làm những công việc phổ thông, tay chân vì miếng cơm manh áo.

Đâu phải ai cũng nghĩ như cô Mai, nhiều người ngại nhần khi biết cô đi giúp việc nhà nhưng cô thấy đây là việc bình thường. Cũng như bao nhiêu người, bao nhiêu ngành nghề khác, lương thấp, thiếu tốn có nhu cầu nâng cao đời sống thì phải làm thêm. Khi cô đi giúp việc nhà hay phục vụ nhà hàng thì cô là một nhân viên như tất cả mọi người chứ không phải là một nhà giáo... Có điều, việc tay trái sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn hẳn là điều khó tránh khỏi.

*Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu

Hoài Nam