Giáo viên “sợ” tiêu chuẩn để thăng hạng chức danh nghề nghiệp

(Dân trí) - Yêu cầu về ngoại ngữ trong việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp làm rất nhiều giáo viên ngán ngại. Nhất là với đội ngũ giáo viên lớn tuổi dù chuyên môn tốt nhưng việc “nâng cấp” ngoại ngữ còn nhiều trở ngại.

Đó là nỗi lòng của nhiều nhà giáo được được chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp thông tư quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cùng Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.

Ông Trần Duy Tự, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết: Thông tư mới quy định điều kiện, tiêu chuẩn, nội dung, hình thức thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập sẽ tác động khoảng 1,13 triệu giáo viên các trường công lập. Việc thăng hạng này không chỉ tạo điều kiện cho giáo viên nâng bậc lương mà còn là để khẳng định vị thế, thương hiệu của giáo viên, của nhà trường.


Điều kiện, tiêu chuẩn để giáo viên thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên... mang tính đánh đố? (ảnh minh họa)

Điều kiện, tiêu chuẩn để giáo viên thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên... mang tính đánh đố? (ảnh minh họa)

Thế nhưng, các giáo viên, các nhà quản lý đã chỉ ra các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, về nhiệm vụ như tham gia biên soạn chương trình, giám khảo các cuộc thi cấp huyện trở lên, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… không thực tế, mang tính “đánh đố” với nhà giáo.

Về yêu cầu ngoại ngữ, một thầy giáo dạy Toán lớn tuổi bộc bạch thầy có năng lực chuyên môn rất tốt nhưng ngoại ngữ... rất dở và việc thay đổi trình độ ngoại ngữ cũng rất phức tạp nên phấn đấu để nâng hạng rất khó.

Ông đề nghị Bộ GD-ĐT cần xem lại yêu cầu một cách phù hợp hơn vì nếu đưa ra tiêu chuẩn mà giáo viên thấy quá khó có khả năng để thực hiện được thì động lực phấn đấu sẽ chùng xuống. Tiêu chuẩn cần gần hơn để giáo viên cố gắng.

Ngoài độ tuổi, giáo này cũng nói thêm về cản trở về mặt tài chính của đội ngũ thầy cô giáo trong việc nâng cao ngoại ngữ. Như giáo viên mới ra trường, hưởng tập sự 85%, 3 năm sau được nâng lên 1 bậc thì số tiền hưởng thêm cũng không đáng là bao. Dù nhà trường có tạo điều kiện cho giáo viên thì họ cũng khó khăn về tiền bạc, về lo toan đời sống gia đình để tập trung, đầu tư cho ngoại ngữ.

Bên cạnh ngoại ngữ, nhiều giáo viên và quản lý các trường mầm non, phổ thông lập đều phản ứng, cho rằng các tiêu chuẩn, nhiệm vụ như tham gia biên soạn chương trình, giám khảo các cuộc thi cấp huyện trở lên, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở… để được xét thăng hạng mà dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT đưa ra “thách đố” đối với giáo viên.

Cô Võ Thị Minh Tâm, giáo viên Trường mầm non Thủy Tiên 2, huyện Bình Chánh nêu lên suy nghĩ, với giáo viên mầm non, các tiêu chuẩn, nhiệm vụ để được xét từ hạng III lên hạng II quá cao. Cô đưa ra ví dụ cụ thể, phần nhiệm vụ (chiếm 5 điểm) yêu cầu giáo viên mầm non tham gia biên tập hoặc biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng giáo viên từ cấp huyện trở lên hay làm ban giám khảo các hội thi mầm non cấp huyện trở lên thực tế chỉ có những thành viên cốt cán trong ban giám hiệu như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mới được xét tham gia.

Đại diện một trường tiểu học cũng chỉ ra tiêu chuẩn muốn được xét thăng từ hạng III lên hạng II phải thực hiện một trong những nhiệm vụ trên như tham gia biên soạn chương trình, đối với một giáo viên dạy học thông thường thì cơ hội tham gia còn rất khó, nếu không muốn nói là không có.

Hơn nữa, việc tham gia ban giám khảo hội đồng thi giáo viên dạy giỏi hay là giáo viên chủ nhiệm hoặc tổng phụ trách Đội giỏi cấp huyện trở lên không đến lượt thầy cô. Những hội đồng thi này chủ yếu mời hiệu trưởng hoặc chuyên viên tham gia. Về phần tiêu chuẩn năng lực chuyên môn nghiệp vụ, mỗi năm trường chỉ được xét 5-7 người là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (15%), thì ban giám hiệu đã chiếm phần lớn, có mấy “suất” rơi vào giáo viên.

Điều kiện tham gia của giáo viên đã không có, lấy đâu đáp ứng được các tiêu chuẩn? Nhiều giáo viên đề nghị Bộ cần xem xét lại các tiêu chuẩn để thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên yêu cầu cao hay thấp, xa hay gần thì trước hết cũng cần phải thực tế, khả thi hơn. Còn không giáo viên sẽ nhìn việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp như... chùm nho mãi xanh.

Hoài Nam