Bạn đọc viết:

Giáo viên phạt học sinh, rất cần sự cảm thông từ phụ huynh

(Dân trí) - Phụ huynh đừng vì những chuyện nhỏ nhặt mà làm giảm đi tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, yêu nghề của giáo viên. Thay vào đó, phụ huynh cần thường xuyên trao đổi với giáo viên để tìm ra phương án tối ưu nhất trong việc giáo dục con em của mình.

Hôm trước tôi đi họp phụ huynh cho con. Sau khi nghe cô giáo chủ nhiệm trình bày kết quả học tập của tất cả học sinh lớp 3A7 và thông tin một số vấn đề khác có liên quan đến học sinh. Sau đó, cô giáo phàn nàn về việc hôm trước cô giáo đánh nhẹ vào tay một em học sinh vì em ấy nói chuyện trong lớp. Thế là em ấy về mách với bố mẹ.

Bố mẹ em ấy lên gặp hiệu trưởng nhà trường để phản ánh tình trạng con mình bị cô giáo bạo hành, rồi chê bai cô giáo đủ thứ như cô giáo không có kiến thức sư phạm, đề nghị đổi giáo viên chủ nhiệm hoặc chuyển học sinh sang học lớp khác… Nhà trường buộc cô giáo chủ nhiệm phải làm bản tường trình vụ việc, viết bản kiểm điểm, bị phê bình trước tập thể giáo viên nhà trường và hạ bậc thi đua trong năm. Cô giáo rất buồn khi kể câu chuyện và xin lỗi phụ huynh đó về sự việc đáng tiếc này.

Tất cả phụ huynh nghe xong ai nấy cũng im lặng, cảm thông với sự việc của cô. Sau đó một phụ huynh có ý kiến: “Thưa cô, nếu con của em mà học hành không ngoan, cô cứ trừng trị cháu bằng cách cho cháu "ăn" roi để cho cháu chừa. Chứ trẻ nhỏ mà không roi vọt là nó không sợ đâu” . Ý kiến đó làm cho tất cả phụ huynh dự họp đều tán thành. Riêng cô giáo thì lại im lặng và chuyển sang nội dung khác.

Với tình huống trên, có thể thấy phụ huynh của em học sinh nêu trên hơi quá đáng khi bênh vực con mình một cách thái quá, làm ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của cô giáo chủ nhiệm. Họ không biết rằng, khi quản lý, giáo dục các em học sinh, giáo viên phải dùng đủ biện pháp để giáo dục các cháu như: cũng là hành vi nói chuyện trong lớp, khi cô giáo nhắc nhở thì có cháu nghe lời, có cháu không. Nếu cháu nào không nghe cô giáo dùng biện pháp khác, có thể phạt các em đứng trước lớp, phạt roi các cháu, mời phụ huynh học sinh để phản ánh, hay phạt cháu viết bài…

Có thể nói, tùy vào tính cách mà giáo viên có thể ứng xử một cách linh hoạt để tìm giải pháp ngăn chặn việc nói chuyện riêng của các em trong giờ học. Do vậy, phụ huynh cần có sự cảm thông đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy tiểu học, khi mà ý thức của học sinh chưa cao, còn vô tư tìm hiểu, khám phá và thể hiện mình. Dù phạt đối với học sinh chưa ngoan ngoãn bằng hình thức nào đi chăng nữa nhưng vẫn nằm ở chuẩn mực cho phép thì phụ huynh học sinh cần phải chia sẻ với giáo viên, vì mục đích của giáo viên là giáo dục cho con em của chúng ta nên người.

Phụ huynh đừng vì những chuyện nhỏ nhặt mà làm giảm đi tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, yêu nghề của giáo viên. Thay vào đó, phụ huynh cần thường xuyên trao đổi với giáo viên để tìm ra phương án tối ưu nhất trong việc giáo dục con em của mình. Các phụ huynh đừng chủ quan và nghĩ rằng, bảo vệ, giáo dục con cái theo cách riêng của mình là luôn luôn đúng.

Đỗ Văn Nhân

(Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!