Bạn đọc viết:

Giáo viên “ôm cục tức” khi phụ đạo học sinh yếu kém trong hè

(Dân trí) - Sáng qua, trường tôi tập trung học sinh yếu kém để phụ đạo cho các em trong hè. Vậy nhưng chờ hết cả buổi sáng mà không có em nào đến trường! Các giáo viên chúng tôi “ôm một cục tức” to đùng mà không biết phải làm sao.

Theo như kế hoạch của nhà trường thì giáo viên (GV) sẽ phụ đạo các em khoảng 2 buổi/tuần. Thầy cô sẽ củng cố lại toàn bộ những kiến thức cơ bản để giúp các em thi lại cho tốt. Chúng tôi ai cũng mong, sau đợt phụ đạo hè này, 100% các em sẽ đủ điều kiện để lên lớp.

Để chuẩn bị cho đợt phụ đạo, GV đã làm sẵn tất cả đề cương cho các em. Chỉ mong sao các em đi học thật đầy đủ. Vậy mà suốt cả buổi chờ đợi vẫn không có em nào tới trường. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau mà thở dài buồn bã.

Chứng kiến cảnh này, GV chúng tôi thật ngán ngẩm cho học trò bây giờ. Dường như các em không hề có ý thức trong học tập. Đối với các em, việc học tập là việc của thầy cô. Các em không hề quan tâm gì đến chuyện học hành. Với các em, việc lên lớp hay ở lại cũng không quan trọng. Đấy là việc của thầy cô giáo.

Thực ra, bản thân tôi cũng chẳng muốn rước khổ vào mình làm gì. Tôi đã từng đắn đo rất nhiều khi tổng kết điểm cho các em. Tôi cũng đã từng tạo rất nhiều cơ hội để các em cố gắng. Nhiều khi bài kiểm tra định kì tôi vẫn cho các em về nhà làm lại. Khổ nỗi, các em có chịu cố gắng đâu. Các em chỉ làm vài dòng qua loa, đối phó cho xong. Nếu tôi cứ đẩy các em lên lớp đâu có được. Làm sao các em có thể theo kịp chương trình. Cuối cùng, cực chẳng đã, tôi mới để các em phải thi lại trong hè.

Tôi vẫn còn nhớ, trước ngày tổng kết, một GV chủ nhiệm đã nhắc nhở tôi thế này: "Em xem có vớt được trường hợp nào thì vớt luôn đi, chứ để các em thi lại cũng chẳng có tác dụng gì đâu. Các em này học suốt năm rồi, khi kiểm tra có cả những bạn khá, giỏi còn không làm được thì ôn lại phỏng có tác dụng gì. Em căng quá, cuối cùng khổ em, khổ cả chị nữa".

Vẫn biết để các em thi lại trong hè là GV đang tự làm khổ chính mình. Những ngày hè, GV phải đến trường để bồi dưỡng cho các em. Chưa kể, có em còn không thèm đi học. Ngày thi, GV còn phải tới tận nhà để kiếm các em nữa. Bực mình lắm nhưng chúng tôi cũng chẳng biết làm sao.

Bây giờ GV làm gì có quyền cho học sinh ở lại lớp. Ban giám hiệu thì lúc nào cũng nhắc nhở, thầy cô làm sao để chúng ta đạt chỉ tiêu thi đua nhé. Nhất định là phải đạt chỉ tiêu thi đua đã đăng kí. Cuối cùng, GV đành "mắt nhắm, mắt mở" mà chấm bài. Tình trạng này cứ tái diễn và lặp lại nên các em đâu có sợ. Nhiều em còn biết mình chẳng cần học vẫn được lên lớp. Mình mà không ra thi là thầy cô phải đi kiếm. Vậy thì cần gì phải học cho vất vả. Tất cả rồi cuối cùng cũng được lên lớp thôi.

Một cô giáo, cũng là người bạn thân của tôi, từng tâm sự: "Cuối năm học, mình nâng điểm hết cho các em học sinh yếu kém. Chứ để các em ôn thi lại trong hè cũng chẳng có tác dụng gì. Buồn và bực thật nhưng vẫn phải làm như thế thôi. Thôi thì vớt ngay từ đầu để an tâm mà nghỉ hè".

Chao ôi, cảnh này còn lặp mãi nếu Giáo dục không thay đổi. Còn bệnh thành tích, GV chúng tôi còn khổ dài.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!