Vụ giáo viên hợp đồng không được tuyển dụng:

Giáo viên nêu ý kiến về cách trả lời của Sở

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải ý kiến của lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Nam về việc giáo viên hợp đồng không được tuyển dụng và đứng trước nguy cơ thất nghiệp, các giáo viên đã liên hệ với PV Dân trí và tiếp tục có ý kiến về vấn đề này.

Điều đáng nói, hầu hết các giáo viên đều không muốn nêu đích danh vì sợ “cấp trên” gọi điện nhắc nhở hay thậm chí bị “trù dập”. Để có một tấm hình các giáo viên ngồi làm việc với PV thì cũng phải “chụp không rõ mặt”, nếu không sẽ gặp phiền phức.

Các giáo viên tập trung phản ảnh ý kiến của mình với PV Dân trí ngày 18/5
Các giáo viên tập trung phản ảnh ý kiến của mình với PV Dân trí ngày 18/5

Các giáo viên cho biết, trên cơ sở những trả lời của lãnh đạo Sở trên Báo Dân trí ngày 17/5/2017, đã có một số bất cập: Thứ nhất, theo lãnh đạo Sở “từ năm học 2009-2010, giáo viên hợp đồng (GVHĐ) chỉ dạy 1 vài tiết, có giáo viên chỉ dạy 4-5 tiết…’’ là sai. Vì trên bảng lương thống kê qua các năm học thì có nhiều GV dạy đến 27 tiết/tuần (chưa tính tiết tăng). Như vậy lời phát biểu của lãnh đạo Sở là mang tính chủ quan, không có cơ sở. Thực tế, GVHĐ đã dạy vượt chuẩn là 17 tiết/tuần theo qui định hiện hành ở trường THPT.

Thứ hai, “thời gian dạy của GVHĐ không liên tục, có năm được thỉnh giảng, có năm không được” điều này cũng không đúng. Bởi GVHĐ thuộc diện hợp đồng trên 36 tháng đã được Sở rà soát kỹ lưỡng theo tinh thần công văn 02/TCCB-SGDDT phải là những GV đã và đang dạy hợp đồng liên tục tại các trường THPT tính đến thời điểm tháng 11/2015.

Thứ ba, “việc ký kết hợp đồng là việc giữa nhà trường và GV được thỉnh giảng”. Nếu đúng như lời phát ngôn của lãnh đạo Sở thì việc ký kết này lãnh đạo Sở không hề hay biết. Vậy tại sao trong những năm học 2009-2010, 2010-2011, chúng tôi vẫn được xét danh hiệu Lao động tiên tiến và người ký quyết định khen thưởng là Giám đốc Sở đương nhiệm thời bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Thắng. Như vậy cho thấy sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý của lãnh đạo Sở.

Thứ tư, “khi ban hành đề xuất xét 110 GVHĐ có thời gian hợp đồng từ 36 tháng trở lên được hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế và có đóng BHXH cho họ, tuy nhiên vừa ban hành kế hoạch thì có nhiều ý kiến cho là không công bằng…”.

Cũng theo lãnh đạo Sở, đa số sinh viên mới ra trường cho rằng số GVHĐ lâu năm là do quen biết, có mối quan hệ nào đó nên được các trường nhận vào dạy… Ý kiến này có điểm hạn chế như sau: Lãnh đạo Sở là những người có tầm nhìn chiến lược, nếu chỉ vì những dư luận không có cơ sở mà tự ý ban hành hay hủy bỏ một quyết định liên quan đến công việc và tương lai của rất nhiều người thì nên xem lại. Xem những dư luận không có cơ sở trở thành nguyên nhân chính để dừng kế hoạch xét tuyển đặc cách cho GVHĐ là ý kiến quy chụp, thiếu tính khách quan, mà nói đúng hơn là vu khống, bịa đặt.

Thứ năm, lãnh đạo Sở nói: “Từ năm 2009 đến nay Sở đã tổ chức 3 đợt xét tuyển (năm 2009, 2011, 2017) nhưng GV có thâm niên hợp đồng vẫn không đủ khả năng cạnh tranh lành mạnh, công bằng để vào biên chế”.

“Trong phát ngôn của lãnh đạo Sở, thường xuyên nhắc đến các cụm từ “không đủ khả năng”, “không đủ năng lực”… đối với chúng tôi, những người có thâm niên đứng lớp là một sự xúc phạm quá lớn. Hơn nữa, lãnh đạo Sở cũng phát ngôn trước sau bất nhất. Trong lần trả lời với báo Dân trí ngày 7/8/2015, ông Hà Thanh Quốc đã nói: “Đến nay, 110 GVHĐ có thời gian trên 36 tháng nhưng không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đây là những GV có năng lực, nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy có khả năng đáp ứng được yêu cầu công tác hiện nay”. Chính lãnh đạo Sở đã công nhận chúng tôi danh hiệu Lao động tiên tiến nghĩa là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, có đủ năng lực, trình độ, có phẩm chất đạo đức của một giáo viên. Còn về việc GVHĐ không đậu trong 3 đợt xét tuyển cũng bắt nguồn từ một số nguyên nhân”, giáo viên bức xúc.

Theo các giáo viên, đợt xét tuyển 2011, giáo viên tự chọn trường, bất cập ở chỗ có những trường có 1 chỉ tiêu trong khi có quá nhiều hồ sơ nộp vào, kết quả chỉ một người được chọn, những người còn lại trượt dù điểm rất cao. Ngược lại có những trường có nhiều chỉ tiêu nhưng số hồ sơ nộp vào vừa đủ hoặc ít hơn, nghiễm nhiên họ sẽ đậu dù điểm thấp. Tính may rủi của kỳ thi là vậy. Những người xét trượt không phải vì họ không có năng lực.

Kế tiếp vào tháng 11/2011 có đợt xét tuyển cho GVHĐ có đóng BHXH vào biên chế được phiên ngang bảng lương và thuyên chuyển lên miền núi. GVHĐ không được đóng BHXH nên mất cơ hội. Bởi trên thực tế năm 2008-2009 trong phụ lục hợp đồng kèm theo, các hiệu trưởng cam kết sau thử việc 9 tháng bắt đầu năm học 2009-2010 chúng tôi sẽ được hợp đồng dài hạn có đóng BHXH và hưởng mọi chế độ. Nhưng hiệu trưởng đã không thực hiện cam kết trong hợp đồng. Vậy cấp trên làm sai hay chúng tôi không có năng lực?

Thứ sáu, đợt xét tuyển 2017, theo lời lãnh đạo Sở việc tính điểm xét tuyển thực hiện theo điều 12, nghị định 29/2012/NĐCP, Sở không tự đặt ra cách tính điểm này. Căn cứ vào đậy, Sở cũng đã sai phạm trong qui chế xét tuyển.

Theo điều 12, Nghị định 29/2012/NĐCP, sinh viên đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì điểm tốt nghiệp đồng thời là điểm trung bình học tập nhưng trong cuộc xét tuyển viên chức vừa qua những sinh viên được đào tạo theo hệ thống tín chỉ được tính riêng điểm luận văn thành một cột. Như vậy là sai qui chế xét tuyển. Hơn nữa, GVHĐ nhiều người thi phỏng vấn điểm cao 99/100 điểm vẫn không đậu. Nếu không có thực tài thì họ có đạt kết quả như vậy không?

“Từ những phân tích trên chúng tôi khẳng định, thi trượt không phải vì chúng tôi không có năng lực. Và qua đây chúng tôi mong lãnh đạo Sở cẩn trọng hơn trong phát ngôn của mình. Đừng vì những suy nghĩ chủ quan mà gây nên những tổn thương với chúng tôi, những GVHĐ đã chịu quá nhiều đắng cay, tủi nhục trên hành trình bám víu lấy nghề”, các giáo viên bức xúc cho biết.

Công Bính