Giáo viên lên tiếng: Còn lớp chọn, còn bất công!

(Dân trí) - Không ít lần giáo viên trường tôi ý kiến về chuyện lập lớp chọn gây ra bất bình đẳng trong học sinh và khiến quá trình dạy học trở nên áp lực hơn hẳn.

Hôm vừa rồi, tôi tình cờ gặp một đồng nghiệp khác trường khi cùng đưa con đi học lớp năng khiếu. Chúng tôi lại kể cho nhau nghe về niềm vui năm học mới. Chen lẫn trong câu chuyện của bạn, tôi nhận ra nỗi phiền muộn trong công tác chủ nhiệm lớp mà bạn vừa đảm nhận.

Bạn được bố trí vào chủ nhiệm một lớp 8 và gặp nhiều khó khăn bởi không thể tìm được một vài học sinh nổi bật nhận nhiệm vụ ban cán sự lớp. Đem nỗi trăn trở của mình chia sẻ với các giáo viên đã từng giảng dạy ở lớp ấy trong hai năm trước, bạn mong nhận được lời khuyên đúng đắn khi lựa chọn lớp trưởng, lớp phó. Tiếc là bạn chỉ nhận lại được cái lắc đầu, chép miệng và lời khẳng định chắc nịch: “Đừng mò kim đáy bể! Lựa đại một học sinh nào đó cho rồi”.

Và bạn nháy mắt ra hiệu tôi giữ kín chuyện, tôi bật cười trấn an bạn bởi “đồng bệnh tương lân”, giáo viên trường tôi cũng đang “đau đầu” về chuyện lớp chọn. Đó là tình cảnh chung ở trường phổ thông hiện nay. Sau khi xem xét học bạ lớp đầu cấp hoặc là tổ chức khảo sát qua bài kiểm tra, những em học sinh điểm cao nhất, sáng láng nhất đều đã được gom vào một lớp - lớp chọn.

Không ít lần giáo viên trường tôi ý kiến về chuyện lập lớp chọn gây ra bất bình đẳng trong học sinh và khiến quá trình dạy học trở nên áp lực hơn hẳn. Câu trả lời của nhà trường vẫn là muốn tạo ra một tập thể “cứng”, mũi nhọn trong mỗi khối lớp để tập trung đầu tư dạy học làm đội ngũ tiên phong tham gia thi thố các cấp. Và quan trọng là xây dựng uy tín, thương hiệu cho nhà trường nhằm giữ chân học sinh giỏi trong địa phương.

Trong khi đó, công văn số 2449 ngày 27/5/2016 của Bộ GD&ĐT nêu rõ: “Nghiêm cấm việc tổ chức các trường chuyên, lớp chọn ở cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở dưới bất kỳ hình thức nào”. Vậy nhưng “cơn sóng ngầm” lớp chọn vẫn âm ỉ cuộn chảy, gây bao phiền lụy cho cả thầy lẫn trò. Còn lớp chọn, vẫn còn đó bao nhiêu là bất công.

Thứ nhất là sự bất công trong đội ngũ giáo viên

Mỗi khối chỉ có một lớp chọn nên những giáo viên được bố trí đứng lớp đều được ban giám hiệu “chọn mặt gửi vàng”. Đa phần là những thầy cô có thâm niên giảng dạy, chuyên môn vững vàng và thành tích đã được khẳng định.

Vậy nhưng không phải lúc nào người được đứng lớp giảng dạy và chủ nhiệm cũng là người giỏi, đôi khi đó lại là người “giỏi nịnh”, “giỏi xin”, “giỏi chạy”. Lời râm ran, cạnh khóe nhau về người này được chọn người kia bị loại vang lên bên lề khiến nội bộ xào xáo, gây mất đoàn kết tập thể là điều có thật.

Bởi chủ nhiệm và giảng dạy lớp toàn “hạt gạo trên sàng” lẽ tất nhiên nhẹ nhàng và ít áp lực hơn hẳn. Trong khi đó thực hiện nhiệm vụ đứng lớp và tổ chức hoạt động cho tập thể đa phần là những học sinh hạn chế về năng lực sẽ nhọc công vô cùng.

Hãy tưởng tượng và so sánh không khí học tập ở lớp chọn sôi nổi, năng động với không khí học tập có phần uể oải, trầm lắng ở lớp thường. Hãy nhìn những lớp chọn luôn đi đầu trong các phong trào và liên tiếp gặt hái thành tích với những lớp đại trà lẹt đẹt trong thi đua. Ai sẽ dũng cảm chọn “bụi rậm” để nhiệm vụ năm học có phần vất vả hơn?

Tôi biết không ít lần ban giám hiệu cũng phải đau đầu cân nhắc, lựa chọn đội ngũ để bố trí chuyên môn. Làm sao để tránh được sự so bì, tị nạnh, kèn cựa lẫn nhau trong đội ngũ? Rất khó! Vậy nên thời gian gần đây, một số tỉnh thành thực hiện việc giáo viên bốc thăm chọn lớp, nhưng giải pháp “chữa cháy” này chưa bao giờ là một phương án tối ưu bởi mọi thứ vẫn… may nhờ rủi chịu.

Thứ hai là sự bất công trong học sinh

Chúng ta đang nỗ lực đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục đào tạo theo hướng phát huy năng lực người học, tôn trọng cá tính người học và đặc biệt là xây dựng mô hình dạy học phân hóa, chú trọng “dạy người”. Vậy nhưng, chỉ chăm chăm nhìn vào học lực, điểm số, kết quả thi cử để “định giá” một học sinh và tách biệt trò giỏi ra khỏi tập thể ư?

Học sinh lớp chọn mặc nhiên cho rằng mình giỏi, học sinh lớp thường tự động xếp mình vào nhóm yếu thế về năng lực. Một bên tự tin đến mức tự cao, một bên tự ti đến mức mặc cảm. Vô hình trung sự mất đoàn kết đã nảy sinh ngay trong chính các em cùng khối lớp.

Gom tất cả học sinh giỏi nhất khối vào một lớp, lẽ tất nhiên các lớp khác thiếu vắng hẳn những gương mặt nổi trội làm “gương”, làm “lá cờ đầu” trong học tập và phong trào trường lớp. Thiếu hẳn động lực học tập, cơ hội để các em lớp thường ganh đua học tập, học hỏi lẫn nhau khan hiếm vô cùng.

Học sinh lớp chọn được chăm lo đầu tư và không ít trường vô tình bỏ rơi lớp thường. Chất lượng mũi nhọn quá chú trọng trong khi chất lượng đại trà bị bỏ ngỏ là một thiệt thòi của học sinh!

Giáo dục phải dựa trên sự công bằng. Nhà trường phải quan tâm đến mọi đối tượng học sinh. Nhưng nhìn vào cách lớp chọn vẫn âm thầm tồn tại trong nhà trường hiện nay thì e rằng sẽ còn sự phân biệt đối xử giữa thầy và giữa trò…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!