Giáo viên làm "xe ôm miễn phí" cho học sinh khuyết tật

(Dân trí) - Em Trương Thanh Nhành là con một gia đình nông dân Khmer nghèo ở ấp Phú Hòa (xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), em bị bệnh liệt cả hai chân. Các giáo viên Trường Tiểu học Phú Tâm B đã thay phiên nhau đưa đón em suốt từ năm em học lớp 1 cho đến hôm nay khi em vào học lớp 5.

Tại một buổi lễ trao học bổng vừa được Hội Khuyến học huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức, nhiều người có mặt rất ngạc nhiên và xúc động khi chứng kiến hình ảnh một thầy giáo bế một em học sinh bị liệt hai chân lên sân khấu nhận học bổng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết nam học sinh tên là Trương Thanh Nhành (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Phú Tâm B, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), còn thầy giáo là Phạm Văn Quán.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn khi đến Trường Tiểu học Phú Tâm B là được thầy Ngô Thanh Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ hồi đó đến nay, thầy cô trong trường đã tình nguyện thay nhau làm “tài xế xe ôm” miễn phí đưa đón học sinh Nhành đến trường hàng ngày.

Thầy giáo làm xe ôm miễn phí đưa đón em Trương Thanh Nhành đến trường hàng ngày.
Thầy giáo làm "xe ôm miễn phí" đưa đón em Trương Thanh Nhành đến trường hàng ngày.

Thầy hiệu trưởng Ngô Thanh Hùng chia sẻ: Em Trương Thanh Nhành sinh ra trong một gia đình nông dân Khmer nghèo ở ấp Phú Hòa (xã Phú Tâm). Khi sinh ra, em không may mắc phải căn bệnh bại liệt cả hai chân nên đi lại rất khó khăn. Tuy bị liệt cả hai chân nhưng em rất ham học, nằng nặc xin cha mẹ cho đến trường học tập như bao bạn bè khác.

Một cái khó với Nhành là từ nhà em đến trường khá xa, khoảng 5km. Vì vậy, để cho con được học, cha mẹ em phải một người nghỉ ở nhà đưa đón con đến trường. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình em đã khó khăn, chủ yếu làm thuê làm mướn kiếm sống hàng ngày nên một người nghỉ là cuộc sống gia đình lại khó khăn hơn.

Khi hiểu được khát khao đến trường của Nhành và khó khăn của gia đình, thầy cô trong Trường Tiểu học Phú Tâm B đã tình nguyện thay phiên nhau mỗi ngày 4 chuyến đưa đón Nhành từ nhà đến trường, từ trường về nhà, bất kể mưa hay nắng từ năm em học lớp 1 cho đến hôm nay, em đã bắt đầu vào học lớp 5.

Thầy Phạm Văn Quán (giáo viên đưa đón Nhành) nói: “Thấy hoàn cảnh gia đình em khó khăn, nhà nghèo, cha mẹ đi làm thuê kiếm sống nên việc đưa đón em đến trường là rất khó khăn. Vì vậy, chúng tôi thống nhất thay phiên nhau đưa đón em đến trường. Việc làm của chúng tôi không to tát gì nhưng chúng tôi thấy rất vui vì mình đã giúp em thực hiện được ước mơ đến trường học tập với các bạn cùng trang lứa. Chúng tôi cũng thống nhất là sẽ làm tài xế xe ôm chở em đi học suốt những năm em học ở địa phương”.

Thầy Phạm Văn Quán bế em Nhành lên nhận học bổng.
Thầy Phạm Văn Quán bế em Nhành lên nhận học bổng.

Trò chuyện với PV, Nhành vui vẻ nói: “Được thầy cô đưa đón đi học, em rất xúc động, biết ơn thầy cô nhiều lắm. Vì vậy, em hứa sẽ học tập thật tốt để đáp lại công ơn thầy cô đối với mình”.

Về học lực của em Trương Thanh Nhành, thầy hiệu trưởng Ngô Thanh Hùng tiết lộ: “Em Nhành dù không may mắn như nhiều em khác nhưng em lại có tinh thần ham học và rất cố gắng trong học tập. Kết quả các năm học vừa qua, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài việc đưa đón em đến trường mỗi ngày, nhà trường cũng luôn quan tâm, hỗ trợ em về vật chất để giúp cho em có điều kiện học tập tốt hơn”.


Em Trương Thanh Nhành (ngồi) nhận học bổng Vì em hiếu học.

Em Trương Thanh Nhành (ngồi) nhận học bổng "Vì em hiếu học".

Chứng kiến hình ảnh thầy giáo Phạm Văn Quán bế học sinh lên sân khấu nhận học bổng, ông Trần Quốc Thắng - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Châu Thành cho biết: “Tấm gương vượt khó học giỏi của học sinh Trương Thanh Nhành rất đáng biểu dương cho nhiều học sinh khác noi theo. Thành tích học tập của em có được một phần là sự nỗ lực của bản thân, một phần chính là từ sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của thầy cô trong nhà trường. Nghĩa cử của thầy cô Trường Tiểu học Phú Tâm B rất cao đẹp, thể hiện một cách sâu sắc, rõ nét tình yêu thương của thầy cô đối với học sinh. Tính yêu thương đó là động lực, là sức mạnh giúp các em vượt qua mọi khó khăn để vươn lên học tốt”.

Khi được hỏi ước mơ sau này của mình, Nhành cho biết: “Con biết mình không có đôi chân để làm được những công việc khó khăn khác nên con ước mơ sau này sẽ học nghề sửa điện tử, phù hợp với hoàn cảnh của mình, mong muốn có thu nhập lo được cho bản thân mình và có phần phụ giúp cha mẹ, đến đáp công ơn của thầy cô”.

Cao Xuân Lương