Hậu Giang:

Giáo viên không có bằng tốt nghiệp 12 vẫn đứng lớp

(Dân trí) - Qua công tác thanh tra ngành giáo dục huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cho thấy một số trường vẫn còn giáo viên thiếu chuẩn như không có bằng tốt nghiệp lớp 12 vẫn được phân công trực tiếp giảng dạy.

Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang vừa có kết luận thanh tra chuyên đề về trách nhiệm quản lý chuyên môn và công tác tổ chức cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Long Mỹ và 5 trường Mầm non, Mẫu giáo; 6 trường Tiểu học; 6 trường THCS tại huyện này.

Qua thanh tra công tác tổ chức cán bộ tại các trường học cho thấy các trường đều xây dựng được bộ máy phù hợp với tình hình trường như thành lập Hội đồng trường, thành lập các tổ khối, việc phân công đội ngũ hợp lý rõ ràng, cụ thể. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non, Tiểu học tỷ lệ đạt chuẩn, trên chuẩn cao và được phân công tương đối đồng đều giữa các trường trong huyện.

Tuy nhiên, qua đánh giá chung, năng lực quản lý của hiệu trưởng ở nhiều trường còn hạn chế; việc ban hành, xử lý, nghiên cứu văn bản còn nhiều sai sót; việc thực hiện quy trình thủ tục xây dựng bộ máy, bổ nhiệm cán bộ và công tác thiết lập, lưu trữ hồ sơ chưa đúng quy định. Một số trường vẫn còn giáo viên Tiểu học thiếu chuẩn như THSP 9+3, không có bằng tốt nghiệp lớp 12 vẫn được phân công trực tiếp giảng dạy. Một số trường việc phân công đội ngũ chưa thể hiện rõ ràng, cụ thể từng giáo viên, chưa quản lý tốt được việc dạy bù, dạy thay.

Trong khi đó, với công tác chỉ đạo hoạt động chuyên môn, qua kiểm tra cho thấy điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dạy và học ở một số xã còn khó khăn, tình trạng học sinh Tiểu học và học sinh Mẫu giáo học chung phòng, ngồi cùng loại bàn ghế vẫn còn. Qua thống kê, hiện toàn huyện còn 5 phòng học tạm, trong đó Mẫu giáo Long Trị 1 phòng; Tiểu học Tân phú 1 còn 1 phòng; Tiểu học Lương Nghĩa 1 còn 3 phòng.

Tại các trường học, sách báo trong các thư viện rất hạn chế, thiết bị, đồ dùng dạy học thiếu nhiều; do cấp nhiều năm hư hao, không được bổ sung, Phòng GD-ĐT không có kế hoạch bổ sung, không tổ chức phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học hàng năm. Đội ngũ giáo viên THCS tỷ lệ thiếu, thừa cục bộ cao, không cân đối giữa các vùng trong huyện (các xã vùng sâu thiếu giáo viên, các xã vùng ven, thị trấn thừa giáo viên) gây lãng phí lớn.

Ở bậc học mầm non, việc bồi dưỡng chuyên môn còn mang tính hình thức, chưa đảm bảo chất lượng giáo dục, nội dung sinh hoạt chuyên môn tổ khối chưa sâu, chưa thể hiện trọng tâm. Trong khi đó, ở bậc Tiểu học, việc sử dụng đồ dùng thiết bị dạy học còn hạn chế, chưa phát huy khai thác vai trò thiết bị đối với bài dạy.

Còn ở các trường THCS, nội dung sinh hoạt chuyên môn còn mang tính hành chính, thảo luận nâng cao chất lượng tổ hạn chế, hồ sơ kiểm tra giáo viên lưu trữ thiếu khoa học, chưa quan tâm thực hiện chất lượng chuyên đề. Ban giám hiệu chưa thể hiện các hoạt động trọng tâm theo chỉ đạo của ngành, chưa chỉ đạo tổ bộ môn tổ chức chuyên đề nâng cao chất lượng giáo dục, chưa thiết lập sổ bảo quản, sử dụng đồ dùng thiết bị.

Trước những thiếu sót trên, Sở GD-ĐT đề nghị Phòng GD-ĐT huyện Long Mỹ tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo uốn nắn khắc phục những hạn chế, yếu kém. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, công tác văn thư lưu trữ và thiết lập hồ sơ cán bộ, công chức, đánh giá, xếp loại cán bộ, giáo viên hàng năm theo quy định.

Phòng cần có kế hoạch sắp xếp, bố trí, luân chuyển cán bộ, giáo viên, công nhân viên giữa các trường trong huyện, giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn nhằm hạn chế tối đa việc thừa thiếu cục bộ gây lãng phí và ảnh hưởng hiệu quả đào tạo. Có kế hoạch bổ sung đầu sách, phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học và chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất ở các trường Tiểu học. 

G.H.Y
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!