Giáo viên hợp đồng “sống mòn” với lương

(Dân trí) - Nếu hợp đồng với trường, các giáo viên phải tự đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Giáo viên hợp đồng huyện thì may mắn hơn khi không phải tự đóng BHXH. Nhưng điểm chung của họ là chỉ được hưởng 85% mức lương cơ bản và không được tăng lương theo quy định. Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Nghệ An đang "sống mòn" với mức lương như vậy.

Theo tổng hợp của Sở GD-ĐT Nghệ An, đến đầu năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh đang còn 507 giáo viên (GV) hợp đồng huyện và 622 GV hợp đồng trường, tập trung nhiều nhất ở các huyện Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.

Công tác 14 năm nhưng là giáo viên hợp đồng với UBND huyện nên cô Nguyễn Thị Tĩnh hiện hưởng mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.
Công tác 14 năm nhưng là giáo viên hợp đồng với UBND huyện nên cô Nguyễn Thị Tĩnh hiện hưởng mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.

Phần lớn GV hợp đồng huyện được ký từ những năm 2010 trở về trước, do ngân sách huyện trực tiếp chi trả. Còn lương của GV hợp đồng trường do thỏa thuận giữa hai bên. Điểm chung là dù hợp đồng trường hay hợp đồng huyện thì họ chỉ được hưởng 85% mức lương cơ bản đối với bậc học của mình và không được tăng lương kể từ khi đặt bút ký vào hợp đồng lao động từ bấy đến nay.

Huyện Yên Thành (Nghệ An) có khoảng hơn 200 GV hợp đồng huyện, trong đó bậc tiểu học là 128 GV, bậc THCS 77 GV, bậc mầm non 5 GV. Người có thâm niên lâu nhất là gần 15 năm, còn người ít cũng hợp đồng từ 5 - 7 năm. Việc không tăng lương cho các GV này theo quy định được 1 lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện giải thích là trong hợp đồng chỉ ghi chi trả từ nguồn ngân sách huyện chứ không đề cập đến việc tăng lương. Trong khi đó, Phòng chỉ quản lý về mặt chuyên môn, biết GV rất thiệt thòi nhưng không biết làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Cô giáo Nguyễn Thị Tĩnh (Trường Tiểu học Hồ Tông Thốc, xã Thọ Thành, Yên Thành) đã có thâm niên 14 năm công tác tại đây. Hiện nay cô vẫn đang hưởng mức lương 85% của bậc lương 2,34 dành cho GV có trình độ đại học. 14 năm qua, dù năm nào cũng được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, là GV dạy giỏi cấp trường nhưng mức lương của cô vẫn không thay đổi vì… cô là GV hợp đồng huyện. Điều duy nhất khiến cô vẫn quyết bám trụ với nghề có lẽ là lòng yêu nghề, yêu trẻ.

Tại Trường Tiểu học Hồ Tông Thốc ngoài cô Tĩnh còn có 7 GV khác đang là GV hợp đồng (trong đó có 3 GV hợp đồng huyện, 5 GV hợp đồng trường). Tất cả GV này được hưởng lương dưới bậc lương. 3 GV hợp đồng huyện được huyện đóng BHXH, 5 GV hợp đồng trường, do nguồn chi trả phụ thuộc và kinh phí của trường nên các cô phải tự đóng BHXH cho mình. Như vậy, trừ đi khoản BHXH, mỗi tháng thu nhập của 5 GV hợp đồng trường chưa đến 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, số GV này cũng không có lương tháng hè mà chỉ được nhận lương thực dạy.

Ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) hiện cũng có gần 50 GV hợp đồng huyện và tất cả GV này đều không được tăng lương theo định kỳ dù đã công tác lâu năm. Đó thực sự là một thiệt thòi cho GV. Ngoài không được tăng lương, các GV cũng không được trả các khoản phụ cấp khác theo quy định, ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình giảng dạy. Không những thế còn gián tiếp ảnh hưởng đến học trò.

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, trách nhiệm trong việc này trước hết thuộc về UBND các huyện, cụ thể là những người đã trực tiếp ký hợp đồng với GV. Việc trả lương dưới mức lương cơ bản, không được tăng lương theo định kỳ rõ ràng là trái với quy định của Luật Lao động.

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An: Sở đã yêu cầu rà soát lại đội ngũ giáo viên hợp đồng để từng bước có hướng xử lý, đảm bảo các giáo viên được hưởng các chế độ tiền lương theo quy định.
Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An: Sở đã yêu cầu rà soát lại đội ngũ giáo viên hợp đồng để từng bước có hướng xử lý, đảm bảo các giáo viên được hưởng các chế độ tiền lương theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết: Trước đây, do quy mô trường lớp lớn, học sinh đông; hơn nữa đối với giáo dục tiểu học lại thực hiện dạy học 2 buổi/ngày và dạy học các môn học tự chọn nên các đơn vị đã ký thêm GV hợp đồng. Các GV này giảng dạy như các GV bình thường khác nhưng chế độ lại không được đảm bảo. Tuy nhiên, các GV vẫn nỗ lực hoàn thành công tác với hi vọng sẽ sớm được vào biên chế.

“Sở GD-ĐT đã yêu cầu tất cả các huyện rà soát lại đội ngũ GV và xem xét ưu tiên cho những GV đã công tác lâu nhưng chưa được vào biên chế để sang dạy mầm non do bậc học này đang thiếu GV. Số GV được chuyển sang bậc mầm non phải đáp ứng các điều kiện chuẩn bậc dạy theo quy định. Các huyện cũng đã rà soát lại toàn bộ danh sách GV dôi dư, GV tuyển dụng sai quy định để có phương án xử lý.

Đến thời điểm này, mặc dù chưa có tổng hợp cuối cùng nhưng đa phần các huyện đều đã từng bước có hướng xử lý. Đơn cử như ở huyện Yên Thành, đầu năm học 2016 - 2017 đã vận động chuyển 75 GV sang bậc mầm non, UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với 51 GV tuyển dụng trái quy định trong năm học 2015 - 2016”, ông Thái Huy Vinh cho hay.

Đối với số GV hợp đồng ở bậc tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An yêu cầu tất cả các trường phải sử dụng nguồn thu từ dạy thêm buổi thứ 2 để chủ động trả lương cho GV đúng theo Quyết định 1517/QĐ-UBND ngày 20/4/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch dạy 2 buổi/ngày, bán trú tại các trường tiểu học.

Vĩnh Khang