Giáo sư trẻ tuổi nhất năm 2015 nhận giải thưởng danh giá Tạ Quang Bửu

(Dân trí) - Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu (44 tuổi), giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2015, vừa giành giải thưởng danh giá Tạ Quang Bửu với công trình "Thiết kế chế tạo cấu nano rẽ nhánh SnO2/ZnO nhằm tăng cường tính chất nhạy khí với hơi cồn".

Nghiên cứu "Thiết kế chế tạo cấu nano rẽ nhánh SnO2/ZnO nhằm tăng cường tính chất nhạy khí với hơi cồn" của GS Nguyễn Văn Hiếu, Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã đưa ra phương pháp chế tạo nano thứ cấp đơn giản, dễ điều khiển, mở rộng được khả năng ứng dụng của các cấu trúc nano một chiều truyền thống, không chỉ ở lĩnh vực cảm biến khí mà còn có thể mở rộng sang lĩnh vực khác, như: linh kiện điện tử nano, pin năng lượng.

Công trình được đăng trên tạp chí Sensors and Actuators B - một trong những tạp chí uy tín nhất thuộc chuyên ngành hẹp là Thiết bị đo đạc (Instrumentation) năm 2012.


GS Nguyễn Văn Hiếu (cầm hoa) vừa giành giải thưởng Tạ Quang Bửu.

GS Nguyễn Văn Hiếu (cầm hoa) vừa giành giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Là người làm nghiên cứu thực nghiệm trong lĩnh vực vật lý - khoa học vật liệu; kinh nghiệm, GS Nguyễn Văn Hiếu nhận thấy: Người hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam rất khó để được tặng giải thưởng danh giá Tạ Quang Bửu vì việc công bố các kết quả nghiên cứu thực nghiệm hoàn toàn bằng nội lực ở Việt Nam trên các tạp chí quốc tế đỉnh cao là rất khó và để cộng đồng khoa học quốc tế trích dẫn các công trình này lại càng khó hơn.

Công trình mà GS Nguyễn Văn Hiếu lựa chọn tham gia giải thưởng lần này là một công trình tiêu biểu trong cụm công trình nghiên cứu “Phát triển cảm biến nano trên cơ sở các cấu trúc nano một chiều”, hướng nghiên cứu mà ông và nhóm nghiên cứu đá theo đuổi gần 10 năm nay.

“Trong hơn 15 năm nghiên cứu khoa học của tôi, đây là lần đầu tiên tôi được khen thưởng và tôi hết sức trân trọng giải thưởng này. Việc nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu không những là niềm vinh dự, động lực mới của bản thân tôi mà còn là nguồn cảm hứng và động lực mới cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ ở các Viện nghiên cứu, trường Đại học của Việt Nam đẩy mạnh việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế ISI, đưa hệ thống Viện nghiên cứu, Trường ĐH của Việt Nam tiến kịp các Trường ĐH uy tín trong khu cực và trên thế giới. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của tôi khi tham gia giải thưởng này.”- GS Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.

Cùng với GS Nguyễn Văn Hiếu, PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh (37 tuổi) - giảng viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) là một trong hai tác giả trẻ tuổi đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu chính năm nay.

Công trình “Nghiên cứu sự giải phóng kali đi kèm với quá trình hòa tan phytolith trong rơm rạ” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Minh cùng cộng sự và các chuyên gia nước ngoài đến từ Viện Khoa học đất Hannover (CHLB Đức) và Trường đại học Indiana (Hoa Kỳ) nghiên cứu được tiến hành trong thời gian từ năm 2011 - 2015.

Công trình được đăng tải trên tạp chí Chemosphere năm 2015. Đây là cơ sở khoa học cho các biện pháp quản lý và tận dụng tối đa lợi ích mang lại từ nguồn rơm rạ dồi dào ở Việt Nam. Nghiên cứu còn gợi ý về khả năng tách chiết kali từ rơm rạ để sản xuất phân bón.

Vừa trở về Việt Nam sau 9 tháng tham gia chương trình trao đổi học giả Fulbright tại Hoa Kỳ, PGS. TS Nguyễn Ngọc Minh nhận định, giải thưởng Tạ Quang Bửu không những có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với những người làm nghiên cứu, mà còn là động lực để các nhà khoa học nghĩ đến việc nâng cao chất lượng các công bố của mình và điều đó góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của nước nhà.

"Mục đích duy nhất của khoa học là giảm bớt vất vả cho nhân loại", đây cũng chính là trách nhiệm và nghĩa vụ mà các nhà khoa học như ông được giao phó”, ông Minh khẳng định.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao tặng khen thưởng đến GS.TS. Nguyễn Văn Hiếu và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao tặng khen thưởng đến GS.TS. Nguyễn Văn Hiếu và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh.

Nhà khoa học đoạt giải dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc năm nay là TS Phùng Văn Đồng (35 tuổi, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Công trình "Mô hình 3-3-1-1 của vật chất tối" của nhà khoa học trẻ Phùng Văn Đồng có ý nghĩa góp phần vào việc giải thích cấu tạo vật chất và năng lượng của vũ trụ.

Chủ nhân của các công trình được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay có tuổi đời còn rất trẻ; các công trình khoa học mà tác giả chính của chúng được trao Giải thưởng đều mang “đậm đà bản sắc Việt Nam”; công trình khoa học của hai giải thưởng chính đều thuộc lĩnh vực khoa học thực nghiệm. Đây chính là những nét đặc biệt của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 - GS.TSKH Đinh Dũng - Phó chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016 cho biết.

Được bắt đầu từ năm 2014, giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Các tiêu chí của giải thưởng hướng tới các công trình khoa học được thực hiện trong nước, trong thời gian gần đây, được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.

Nhữ Trang