Giáo sư Phan Huy Lê: Học sinh chán môn Sử là tất yếu!

“Tôi cho rằng với cách dạy, với chương trình và sách giáo khoa hiện nay thì học sinh chán sử là tất yếu. Chương trình nặng kiến thức, sách giáo khoa dày đặc sự kiện, vừa thừa vừa thiếu, phương pháp dạy truyền thụ một chiều, thiếu sinh động, đòi hỏi học thuộc” - ý kiến của GS Phan Huy Lê.

Việc học sinh không mặn mà với môn lịch sử đã diễn ra ngày càng phổ biến hơn trong những năm gần đây. Năm nay, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn này vào danh sách các môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh chọn sử ở hầu hết các trường là dưới 10%, thậm chí nhiều trường tỷ lệ này là 0%.

Bên lề Lễ tuyên dương các học sinh đoạt giải quốc gia môn lịch sử, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, về vấn đề này.

- Hội Khoa học Lịch sử từng đề xuất đưa lịch sử vào trong các môn thi bắt buộc, nhưng năm nay, khi đổi mới thi cử, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đưa sử vào danh sách các môn tự chọn. Quan điểm của ông về sự đổi mới này?

Giáo sư Phan Huy Lê: Cải cách thi cử là cần thiết, nhưng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa lịch sử vào môn tự chọn có lẽ Bộ chưa lường hết hệ quả của nó. Trong giáo dục phổ thông các môn xã hội có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực tư duy của con người. Việc tổ chức thi như của Bộ thực tế là loại trừ môn sử. 
 
Giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Giáo sư Phan Huy Lê. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Học sinh đăng ký chọn sử rất ít, có trường không học sinh nào chọn sử. Trước thực trạng này, dư luận có hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất là lo lắng vị thế môn xã hội thấp xuống và làm ảnh hưởng đến việc học sử. Xu hướng thứ hai cho rằng không nên quá lo lắng, học sinh phải tính toán liên quan đến thi đại học và đa số các em thi khối A, B, D nên không chọn sử là sự tính toán thông minh, tất yếu. 

Cá nhân tôi hoàn toàn không ngạc nhiên khi học sinh sẽ bỏ môn sử, địa và chọn các môn tự nhiên. Cái đó xét về tính toàn lợi ích của học sinh là hoàn toàn hợp lý. Nhưng ở phương diện khác, tôi nhấn mạnh, cách đổi mới thi của Bộ sẽ làm cho môn sử nói riêng và các môn xã hội nói chung bị hạ thấp, coi đó là những môn phụ. Học sinh xác định không thi môn sử sẽ không học môn này. Hiện chúng ta chưa thực hiện phân ban, cấp trung học phổ thông vẫn yêu cầu giáo dục toàn diện.

Chúng ta hình dung như thế nào nếu học sinh lớn lên trở thành công dân mà hiểu biết về sử, không “mù” sử nhưng mờ mịt, thiếu hệ thống và thiếu căn bản, từ đó không chỉ thiếu kiến thức mà còn liên quan đến vấn đề tính cách, ý thức công dân, dân tộc. Theo tôi vấn đề này hết sức cơ bản và cần có sự nghiên cứu có trách nhiệm. Tôi rất lo lắng. 

Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần và dư luận cũng bàn nhiều về việc đưa sử vào làm môn thi bắt buộc. Đây không phải vấn đề của riêng Việt Nam mà là bài học kinh nghiệm từ quốc tế, kể cả nước công nghiệp hàng đầu như Mỹ. Nhiều nước đưa môn sử vào môn học bắt buộc, bên cạnh toán, văn, coi đây là các môn cơ bản. Kỳ thi tốt nghiệp tôi nghĩ không nên vắng sử. 

-Nhưng dù có buộc học sinh thi sử thì có lẽ kiến thức học sinh lưu giữ được sau kỳ thi cũng không đáng là bao. Giáo sư nghĩ sao khi học sinh ngày càng không thích môn lịch sử?

Giáo sư Phan Huy Lê: Học sinh không thích môn sử là thực trạng phổ biến nhiều năm nay và có thể kéo dài trong cả thời gian tới. Đây là thực trạng rất đáng buồn, rất đáng lo ngại.

Không phải môn sử không đủ hấp dẫn. Tôi cho rằng với cách dạy, với chương trình và sách giáo khoa hiện nay thì học sinh chán sử là tất yếu. Chương trình nặng kiến thức, sách giáo khoa dày đặc sự kiện, vừa thừa vừa thiếu, phương pháp dạy truyền thụ một chiều, thiếu sinh động, đòi hỏi học thuộc. Tuổi trẻ đầy năng động, đầy sức sống, rõ ràng các em không chấp nhận được. Nếu tôi là học sinh, tôi cũng chán.

Trong một mức độ nào đó, thái độ không thích sử, bày tỏ sự không đồng tình với nội dung và phương pháp dạy hiện nay, theo tôi là tích cực. Nó cho thấy sự chủ động của tuổi trẻ và đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách dạy và học sử.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy được những bất cập này và hiện Bộ đang soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo ông, môn sử sẽ phải thay đổi thế nào? Cá nhân ông cũng như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã, đang và sẽ có những đóng góp gì để đổi mới việc dạy và học sử trong chương trình giáo dục phổ thông?

Giáo sư Phan Huy Lê: Muốn thay đổi môn sử phải thực hiện nó trong tổng thể, trong hệ thống, tức là trong đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông, không thể tách riêng.

Phải thay đổi từ nhận thức về môn sử như dạy sử nhằm mục đích gì, môn sử góp sức gì vào việc đào tạo con người ở lớp trẻ, từ đó mới xác định học cái gì, học như thế nào? Từ nhận thức sẽ cụ thể hóa trong xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa. Giáo viên cũng phải đào tạo lại đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cải cách. 

Đây là vấn đề hết sức quan trọng đang đặt ra trong đề án mà tôi đang rất chờ đợi.

Cá nhân tôi cũng như Hội sẵn sàng đóng góp ý kiến để xây dựng đề án mới, trong đó đặc biệt là xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa môn lịch sử.

Trước khi có sự thay đổi mang tính hệ thống đó, chúng tôi cũng nỗ lực để có những thay đổi phần nào đó trong giáo dục lịch sử. Hội đã tổ chức các hội thảo khoa học về thực trạng dạy môn lịch sử trong trường học, tổ chức trao thưởng cho học sinh và sinh viên giỏi sử để khích lệ tinh thần của các em...

Năm nay, Hội cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Em yêu lịch sử để thu hút hơn nữa học sinh đến với môn lịch sử.

Sắp tới đây chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo các chuyên gia về đóng góp ý kiến cho việc biên soạn chương trình sách giáo khoa, trong đó đặc biệt là môn lịch sử.
 
Theo Vietnam+
http://www.vietnamplus.vn/giao-su-phan-huy-le-hoc-sinh-chan-mon-su-la-tat-yeu/256082.vnp