Giáo sư Phạm Tất Dong: "Học tập suốt đời là lẽ sống của đảng viên"

(Dân trí) - “Không chăm lo học hành và tu dưỡng, không thể là một đảng viên tốt của Đảng - Học tập suốt đời là lẽ sống của đảng viên” – Đó là nhắn nhủ của GS.TS Phạm Tất Dong - nhà giáo, nhà khoa học và hoạt động xã hội xuất sắc vừa nhận Huy hiệu 60 tuổi đảng với các đảng viên trẻ nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam".

Ít có ai vừa là nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, lại tham gia bền bỉ và nhiệt thành các công tác xã hội, chính trị, được đánh giá cao như GS.TS Phạm Tất Dong.

GS. Dong từng là Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học kiêm nhiệm đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Phó Trưởng Ban Khoa Giáo Trung ương; Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương và Uỷ viên kiêm Trưởng tiểu ban giáo dục phổ thông của Hội đồng Quốc gia Giáo dục; Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Triều; ông được học trò tôn vinh là Giáo sư hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn …

Giáo sư Phạm Tất Dong: Học tập suốt đời là lẽ sống của đảng viên - 1

GS.TS Phạm Tất Dong

PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Phạm Tất Dong nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020).

60 năm qua tôi luôn dành mọi sức lực và thời gian cho sự nghiệp của Đảng

Phóng viên: Chúc mừng GS vừa nhận Huy hiệu 60 tuổi Đảng. GS có thể chia sẻ cảm xúc của mình về vinh dự này? ấn tượng sâu sắc nào với GS từ khi được kết nạp đảng tới nay?

GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi được kết nạp đảng vào năm 1959 sau khi tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc được 7 năm. Những đảng viên được kết nạp vào thời điểm đó được gọi là lớp đảng viên 3 tháng 2.

Do vậy, hàng năm, khi toàn đảng, toàn dân tổ chức kỷ niệm ngày thành lập Đảng thì với tôi đó là dịp để tôi tự nhìn lại bản thân mình đã được trưởng thành trong công tác Đảng như thế nào.

Trong lễ kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc, tôi tuyên thệ sẽ suốt đời gắn bó với Đoàn và sẽ phấn đấu để được vinh dự được đứng trong hàng ngũ những đảng viên của Đảng.

Lời thề đó tôi đã phấn đấu thực hiện trong 7 năm. Khi đứng trước cờ Đảng và chân dung Bác hồ vĩ đại, tôi đã thề sẽ suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng.

Do vậy, hôm đồng chí Bí thư Quận ủy Ba Đình (Hà Nội) gắn lên ngực tôi huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, tôi rất xúc động bởi được tổ chức Đảng công nhận những cố gắng của tôi trong 60 năm qua – 60 năm mà tôi luôn dành mọi sức lực và thời gian cho sự nghiệp của Đảng.

Hôm đó, tôi đã tự hứa với mình, nếu còn sống 5 năm nữa, tôi sẽ là đảng viên có 65 năm tuổi Đảng, và nếu còn sống 10 năm nữa, tôi sẽ có được vinh dự nhận 70 năm tuổi Đảng. Không hiểu sao, tôi tin tưởng một cách lạc quan về kết quả của lời tự hứa này.

Sự nghiệp khuyến học sẽ tạo cơ hội và điều kiện cho tôi thực hiện ý nguyện mà tôi mong đạt được.

Giáo sư Phạm Tất Dong: Học tập suốt đời là lẽ sống của đảng viên - 2

GS.TS Phạm Tất Dong được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi đảng nhân dịp Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020)

Phóng viên: Động lực nào giúp GS thực hiện tốt nhiều công việc trong công tác khoa học, giảng dạy, quản lý, hoạt động chính trị và xã hội như vậy?

GS.TS Phạm Tất Dong: Làm được nhiều việc đồng thời là nhờ mấy yếu tố.

Thứ nhất, muốn làm việc bền bỉ và dẻo dai, điều quan trọng là phải yêu thích công việc ấy. Maksim Gorky nói đúng: “Yêu thích công việc thì dù việc nhỏ cũng có tính sáng tạo trong đó”.

Tôi không chạy theo những việc vô bổ đối với phát triển bản thân và phù phiếm với xã hội. Trước những công việc được giao thì điều quan trọng là phải có trách nhiệm thực hiện, nắm chắc yêu cầu phải đạt và luôn giữ vững kỷ luật lao động.

Thứ hai, phải có sức khỏe (thể chất và tâm thần). Trời phú cho tôi một sức khỏe khá tốt, và tôi thấy mình có trách nhiệm giữ gìn và sử dụng thật tốt sức khỏe của mình. Thiếu sức khỏe thì không thể làm được bất cứ việc gì. Đây thuộc về lĩnh vực tố chất con người, không thể nói chắc được.

Tôi nghĩ, còn sức thì còn làm, mà đã làm thì phải làm cho tốt. Khi không còn sức thì nghỉ. Chỉ sợ mình còn khỏe mà mình lại là một lao động tồi.

Giáo sư Phạm Tất Dong: Học tập suốt đời là lẽ sống của đảng viên - 3

GS.TS Phạm Tất Dong: "Học tập suốt đời là lẽ sống của đảng viên"

Không học tập, đảng viên và tổ chức đảng sao đủ năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp hiện đại

Phóng viên: Có lần GS đã trả lời báo chí: “Khi nào không còn tham gia công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học thì sẽ trả lại chức danh giáo sư cho Nhà nước”, vì sao vậy?

GS.TS Phạm Tất Dong: Đây là quan niệm riêng của tôi. Khi không còn làm những công việc của một giáo sư thì có gì phải cố giữ cái danh ấy. Sẽ còn người khác làm thay mình và người ấy sẽ được phong giáo sư nếu họ thực sự có năng lực thực hiện chức danh mà mình từng giữ.

Có không ít người đi đâu cũng giới thiệu là giáo sư, phó giáo sư nhưng không lên lớp giảng bài, không đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho đất nước, không viết một bài báo nào để đóng góp cho kho tàng tri thức của đất nước, của thế giới. Theo tôi, thái độ của họ đáng xấu hổ.

Tôi tin khi không còn sức làm việc, tôi sẽ nghỉ tại nhà, viện dưỡng lão, những người quen biết, những học trò, những bạn bè sẽ vẫn trân trọng với những gì mà tôi đóng góp cho đời.

Lúc đó, nếu phỏng vấn tôi, các bạn phóng viên chẳng cần phải giới thiệu GS Phạm Tất Dong nguyên là GS của ngành giáo dục, mà có gì quan trọng khi mình không được gọi là nguyên giáo sư.

Phóng viên: Với thế hệ đảng viên trẻ hiện nay, GS có điều gì muốn chia sẻ?

GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi đang làm công tác khuyến học nên chỉ muốn nói với các đồng chí đảng viên trẻ một điều: Không chăm lo học hành và tu dưỡng, không thể là một đảng viên tốt của Đảng. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu mỗi con người đều phải trở thành một lao động tri thức, sống trong một xã hội tri thức.

Học tập suốt đời là lẽ sống của đảng viên. Ban Bí thư TƯ Đảng yêu cầu: Đảng viên phải trở thành công dân học tập, mỗi gia đình đảng viên phải trở thành gia đình học tập, chi bộ đảng phải là đơn vị học tập.

Từng đảng viên phải tâm niệm điều này, bởi không học tập, đảng viên và tổ chức đảng sao đủ năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp hiện đại, và như vậy thì Đảng làm sao có đủ năng lực đưa đất nước ta, dân tộc ta hội nhập với thế giới hiện đại.

Xin trân trọng cám ơn GS!

***

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa viết trong kỷ yếu 100 năm ĐH Quốc gia Hà Nội:Tôi là một trong số những người rất may mắn được GS.TS Phạm Tất Dong hướng dẫn luận án tiến sĩ. Trong thời gian làm việc dưới sự hướng dẫn của thầy, tôi đã tự tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Từ bản thảo đầu tiên và các phần viết sau này được ông đọc và sửa chữa, tôi vẫn giữ lại như một kỷ niệm đẹp trong đời làm trò và làm thầy của mình. Quả là, trong cuộc sống và trong công việc, không phải ai cũng dễ có được những người thầy như vậy.

Còn với GS.TS Phạm Tất Dong, tất cả những ai đã từng tiếp xúc, làm việc, công tác đều có chung sự khâm phục và kính trọng. Ông giải quyết các công việc đều bằng trí tuệ và tấm lòng nhân hậu, luôn động viên, khuyến khích chúng tôi học tập, nghiên cứu và sáng tạo.

Mặc dù luôn bận rộn với những công việc của Hội Khuyến học, những đề tài nghiên cứu khoa học, những luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, nhưng GS. Phạm Tất Dong vẫn khoẻ mạnh, thanh thản, yêu đời.

Tôi nghĩ rằng, để có được những điều đó, cái Tâm của ông luôn trong sáng. Ông thực sự là nhà giáo, nhà khoa học và hoạt động xã hội xuất sắc của chúng tôi”.

Giáo sư hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn

Trong công tác nghiên cứu khoa học, GS.TS. Phạm Tất Dong là cái tên sáng giá trong đội ngũ cán bộ khoa học xã hội - nhân văn đầu ngành của nước ta, đã chủ trì và hoàn thành xuất sắc nhiều công trình khoa học có giá trị với sự say mê và tinh thần khoa học nghiêm túc.

Năm 2006, GS. Phạm Tất Dong làm chủ nhiệm đề tài KX.09.11 về đặc điểm nhân cách người Thăng Long - Hà Nội. Đây là đề tài được đánh giá là khó, nhưng rất hay và có ý nghĩa quan trọng nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong 3 năm từ 2007 đến 2009, ông đã hoàn thành xuất sắc Đề tài độc lập cấp Nhà nước: Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam.

Năm 2013-2015, Giáo sư chủ trì Đề tài cấp Nhà nước Định hướng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội ở nước ta trong điều kiện mới với sự tham gia của các cán bộ Khoa Xã hội học, được nghiệm thu kết quả xuất sắc.

Đồng thời, GS. Phạm Tất Dong chỉ đạo tiến hành đánh giá thực trạng học tập của học sinh tiểu học và xây dựng danh mục nghề cho người khuyết tật.

Bên cạnh đó, ông còn chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và các chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước, là tác giả của 32 cuốn sách và đồng tác giả của 46 cuốn sách khác, 87 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế, 141 chuyên đề khoa học cho các hội nghị và hội thảo trong và ngoài nước.

Ông cũng đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh, 30 học viên cao học. Các học viên cao học, nghiên cứu sinh được ông hướng dẫn hay đọc nhận xét đều tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp quý báu và những ý tưởng khoa học, sáng tạo.

(Kỷ yếu 100 năm Đại học Quốc gia Hà Nội)

Hồng Hạnh (thực hiện)