Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng: “Không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT”

(Dân trí) - Dư luận cả nước và các diễn đàn giáo dục đang “nóng” về chủ đề “có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT”. Là người luôn quan tâm tới nền giáo dục nước nhà, Giáo sư tại Đại học Toulouse (Pháp) Nguyễn Tiến Dũng, chia sẻ với Dân trí quan điểm cá nhân của ông.

Không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

 

Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần là nên hay không nên thi tốt nghiệp THPT bởi nếu tổ chức thi thì phải như thế nào để có hiệu quả, còn không tổ chức thi thì giải pháp thay thế là gì?

 

“Ở các nước có nền giáo dục phát triển, từ trước đến nay theo truyền thống, họ vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vì đó là một cột mốc quan trọng sau 12 năm học tập. Khi bàn tới việc nên hay không nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì điều quan trọng là cần xác định kỳ thi đó phản ánh cái gì, bằng tốt nghiệp đó có ý nghĩa như thế nào? Các nền giáo dục phát triển vẫn coi trọng kỳ thi tốt nghiệp THPT thì không hà cớ gì Việt Nam lại tính bỏ kỳ thi này.

 

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng



Một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đúng nghĩa là kỳ thi nhằm phản ánh được năng lực của một người trưởng thành trong xã hội. Về nguyên tắc, thi tốt nghiệp phổ thông cần phải thi đủ các môn học trong trường phổ thông, để người tốt nghiệp phổ thông là con người toàn diện.

 

Tôi lấy ví dụ như ở Pháp, họ tổ chức thi nhiều môn, dùng chung một đề thi trên cả nước. Điều đáng chú ý là số lượng học sinh đỗ hàng năm thường chiếm khoảng 70-80%, chứng tỏ kỳ thi không hề dễ dàng, chứ không như thi tốt nghiệp THPT ở Việt Nam, những năm gần đây địa phương nào cũng báo cáo tỷ lệ đỗ suýt soát 100%.

 

Tỷ lệ đỗ cao như vậy hẳn nhiên sẽ dẫn tới những nghi ngại vốn được coi như “căn bệnh” của giáo dục Việt Nam lâu nay: Bệnh thành tích. Và không ít người bởi vậy, đặt dấu hỏi: Nếu thi mà hầu như ai cũng qua như thế thì cần gì phải tổ chức cho tốn kém, mất thời gian và gây áp lực cho xã hội?

 

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp “đèn sách” cũng như của một đời người. Hơn nữa, trong bất kỳ ngành nghề hay lĩnh vực nào, chuyện kiểm tra chất lượng là việc luôn phải làm, chứ không riêng gì trong giáo dục.

 

Thi tốt nghiệp THPT thực chất là một kỳ thi để kiểm tra chất lượng, đánh dấu một mốc trong sự trưởng thành về năng lực của con người. Do đó, nếu chỉ vì kỳ thi vẫn còn những tiêu cực này kia khiến cơ quan quản lý “bất lực” mà bỏ kỳ thi thì đó không phải là giải pháp phù hợp. Còn tất nhiên, việc thực hiện kiểm tra như thế nào lại là vấn đề khác.

 

Để hạn chế thi tiêu cực, học lệch

 

“Cần xác định, kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá tương đối chứ không phải tuyệt đối. Bên cạnh việc minh bạch, nghiêm túc trong các khâu tổ chức, giám sát... để hạn chế tiêu cực trong thi cử thì một cách lôgic là phải làm giảm nhu cầu gian lận. Do đó, điều quan trọng là cần thiết kế kỳ thi sao cho kỳ thi phản ánh đúng thực chất nhưng đồng thời cũng không để người trượt quá thiệt thòi”, GS Dũng góp ý.

 

Liên hệ tới Pháp, đất nước mà ông đang tham gia công tác giảng dạy, GS Dũng cho biết có những người 80 tuổi vẫn đi thi tốt nghiệp phổ thông. Các kỳ thi cho phép bảo lưu kết quả các môn đã đạt được sẽ khuyến khích người ta tiếp tục học tập và đi thi cho tới khi nào đỗ thì thôi.
 

GS Nguyễn Tiến Dũng

 

Từng giành HCV Toán Olympic năm 1985, khi chưa đầy 15 tuổi, là học sinh Việt Nam đoạt huy chương Vàng ít tuổi nhất.

 

Khi mới 32 tuổi, GS Nguyễn Tiến Dũng cùng GS Ngô Bảo Châu trở thành những người Việt Nam trẻ nhất được phong hàm giáo sư tại nước ngoài.

 

Hiện GS Nguyễn Tiến Dũng đang là Viện trưởng Viện Toán cơ bản thuộc Viện Toán Toulouse (Pháp)

 

Mạnh Hải (ghi)