Giáo dục trẻ tự kỉ: Đừng phó mặc cho trường học

(Dân trí) - Vụ việc trẻ tự kỉ tại một trung tâm nuôi dưỡng chưa đảm bảo tại Bắc Ninh mới đây khiến nhiều người lo ngại. Trẻ tự kỉ có khiếm khuyết chủ yếu về ngôn ngữ và giao tiếp, nếu không có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, những tiến bộ của trẻ rất hạn chế.

Cha mẹ là “đồng trị liệu”

Theo một số chuyên gia, tự kỷ là dạng rối loạn phát triển đang gây nhiều chú ý nhất tại thời điểm hiện nay do khoa học chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh cũng như hạn chế về phương pháp điều trị hữu hiệu. Trong khi đó, rối loạn này có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống cá nhân, và cộng đồng.

Những số liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ đang có xu hướng tăng lên và rất nhiều trẻ chưa được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.

Liên quan đến các biện pháp can thiệp, một số nghiên cứu cho thấy, những chương trình can thiệp hiệu quả đều có sự tham gia của cha mẹ và gia đình.

Giáo dục trẻ tự kỉ: Đừng phó mặc cho trường học - 1

Số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ đang có xu hướng tăng lên và rất nhiều trẻ chưa được phát hiện và chẩn đoán kịp thời (Ảnh: Minh hoạ). 

Họ được xem như những người “đồng trị liệu”, có vai trò quan trọng giúp thay đổi hành vi của trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ có khiếm khuyết chủ yếu về ngôn ngữ và giao tiếp nên nếu không có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường thì những tiến bộ của trẻ rất hạn chế.

Tại Việt Nam, có nhiều trung tâm đang cung cấp các dịch vụ can thiệp giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ. Họ có thể cung cấp các dịch vụ can thiệp tại trường hoặc tại nhà nhưng đều cố gắng tận dụng sự tham gia của các thành viên gia đình để tiếp tục hỗ trợ và nâng cao khả năng hòa nhập xã hội.

Vì vậy, tất cả những hình thức can thiệp như nuôi nhốt, tách biệt trẻ tự kỷ khỏi gia đình là đi ngược lại những bằng chứng khoa học và vi phạm đạo đức.

Đó là về hình thức, còn về nội dung, tất cả những chương trình can thiệp giáo dục tác động đến con người đều phải được chứng minh và thừa nhận về mặt lý thuyết cũng như hiệu quả của chương trình giáo dục trước khi được áp dụng.

Hiệu quả của chương trình phải được chứng minh qua con số thống kê khoa học về sự tiến bộ của trẻ tự kỷ, về giao tiếp như khả năng hiểu ngôn ngữ và diễn đạt ngôn ngữ, tốc độ đọc hiểu và viết.

Về sinh hoạt hàng ngày, trẻ phải được đánh giá thông qua các hoạt động như tự phục vụ các nhu cầu cá nhân, giúp được các công việc trong nhà, phát triển kỹ năng xã hội, diễn đạt được cảm xúc và biết chơi theo luật, vận động tinh tế khéo léo…

Giáo dục trẻ tự kỉ: Đừng phó mặc cho trường học - 2

Tách trẻ tự kỉ khỏi gia đình là đi ngược khoa học và vi phạm đạo đức. 

Can thiệp phải dựa trên khoa học

Chính vì sự đặc biệt này nên các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỉ đều phải được xây dựng dựa trên một lý thuyết cụ thể, giải thích về cơ sở nguyên nhân dẫn đến bệnh làm cơ sở hướng dẫn can thiệp giáo dục và sử dụng kỹ thuật nào để làm giảm nhẹ triệu chứng.

Những cơ sở lý thuyết này phải được cộng đồng khoa học thừa nhận qua các công bố trên các tạp chí khoa học.

Người thực hiện các chương trình can thiệp giáo dục cũng phải được xã hội thừa nhận. Nói thừa nhận ở đây là thừa nhận chính thức với những bằng chứng đã trải qua những khóa đào tạo chính thống mà xã hội chấp nhận, chứng minh được bản thân có cập nhật bổ sung kiến thức liên tục để ứng xử và chăm sóc một cách có hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về đạo đức.

Tuy nhiên, có thể nói vụ việc tại trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ trở thành kỷ lục gia mà báo chí đăng tải vừa qua, về hình thức giáo dục đã đi ngược lại các giá trị và triết lý giáo dục hòa nhập.

Nội dung chương trình hoàn toàn không dựa trên bằng chứng khoa học về sự cải thiện hành vi chức năng mà chỉ dựa trên biểu hiện của 1-2 trường hợp dưới bàn tay quảng cáo của tổ chức, những người thực hiện chương trình hoàn toàn không có đủ năng lực và không được xã hội thừa nhận.

Vì thế, những hành động của họ đã và đang xâm hại nghiêm trọng người học. Những đối tượng không đủ khả năng nhận thức đầy đủ về quyền trẻ em, quyền con người, không đủ năng lực ngôn ngữ để báo cáo với người thân hay năng lực hành vi để trốn chạy, ứng phó với bạo hành.

Chúng tôi cho rằng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, để kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng từ hình thức, nội dung chương trình và đội ngũ đào tạo.

Những người chịu trách nhiệm về việc xảy ra lạm dụng, bạo hành, bỏ mặc trẻ phải bị xem xét trách nhiệm thậm chí cân nhắc đến trách nhiệm hình sự.

PGS. TS Trần Thành Nam

(Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục- ĐHQG Hà Nội)