Giáo dục STEM: Khó cũng phải làm!

(Dân trí) - Giáo dục Việt Nam đang có nhiều hạn chế, thậm chí là cản trở đối Giáo dục STEM nhưng dù khó, dù nhiều điều kiện chưa có thì vẫn phải "liệu cơm gắp mắm" để thực hiện STEM. Nếu không, khoảng cách giáo dục nước nhà sẽ còn bị đẩy xa so với thế giới.

Vấn đề trên được các nhà giáo dục đặt ra tại hội thảo "Kiến tạo tương lai từ Giáo dục STEM" vừa diễn ra tại TPHCM.

Là một người nghiên cứu giáo dục, ông Lê Đình Hiếu - người được Forbes Việt Nam bình chọn vào danh sách 30 Under 30 nhờ những đóng góp cho cộng đồng thông qua giáo dục - cho hay Việt Nam vẫn đang quanh quẩn với câu hỏi việc đổi mới giáo dục theo STEM là cần thiết hay chưa. Ông Hiếu khẳng định STEM bây giờ cực kỳ cần thiết, nhất là với giáo dục Việt Nam đi sau thế giới 10 - 15 năm.

Các nhà giáo dục, quản lý tại TPHCM trao đổi về việc đưa giáo dục STEM vào trường học
Các nhà giáo dục, quản lý tại TPHCM trao đổi về việc đưa giáo dục STEM vào trường học

Thế nhưng ông Hiếu cũng chỉ ra, giáo dục Việt Nam đang có quá nhiều điểm yếu, mà nổi bật nhất là 3 hạn chế, thứ nhất là về cơ sở hạ tầng, thứ hai là về giáo trình và thứ ba là về chất lượng giáo viên.

Phương pháp giáo dục bằng các môn khoa học STEM là chữ viết tắt tiếng Anh của bốn từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Phương pháp này cho phép học sinh tham gia giải quyết các vấn đề thực tế thông qua áp dụng kiến thức, hiểu biết và kỹ năng về 4 môn khoa học ứng dụng kể trên một cách tích hợp. STEM đề cao phong cách học hỏi sáng tạo - yếu tố kích thích niềm đam mê học tập của trẻ.

Không phủ nhận những khó khăn này nhưng theo Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) nhấn mạnh, ngành giáo dục đưa giáo dục STEM vào là một yêu cầu khách quan, xuất phát từ nhu cầu đời sống, xã hội.

Bây giờ, chúng ta nói con trẻ sau này làm bác sĩ, kỹ sư hay tài xế... Nhưng gần đây, cuộc khảo sát có tên là Tới năm 2050 thì chúng ta sẽ làm gì thì chỉ ra có tới 50% công việc của năm 2050 hiện giờ chúng ta không biết là công việc gì và 50% công việc hiện tại sẽ biến mất.

"Hồi trước, chúng ta đi học và có kiến thức khi ra trường sẽ giúp chúng ta thành công, chúng ta sử dụng những kiến thức đó khá nhiều. Nhưng bây giờ, xã hội đang phát triển, không phải nhanh mà là quá nhanh, và những điều chúng ta học trong nhà trường chỉ sau 5 - 10 năm đã lạc hậu. Do đó, không quan trọng chúng ta học cái gì mà quan trọng là chúng ta học như thế nào", ông Phạm Ngọc Tiến nói và cho rằng, lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ chiếm vị trí thống lĩnh trong học tập, xã hội và mọi mặt của cuộc sống. Từ đó, bắt buộc phải đưa STEM vào trong giáo dục nếu chúng ta không muốn lạc hậu trong tương lai.

Về phía ngành giáo dục, ông Phạm Ngọc Tiến cho biết, TPHCM muốn đào tạo các nguồn nhân lực cung cấp cho thế giới. Dù rằng, nguồn nhân lực mình còn thiếu, công nghệ chưa có, giáo viên vẫn còn yếu, nhưng chúng ta vẫn phải "liệu cơm gắp mắm" để làm.

TPHCM sẽ xây dựng giáo trình cho bộ môn Tự chọn Robot tự động hóa
TPHCM sẽ xây dựng giáo trình cho bộ môn Tự chọn Robot tự động hóa

Cụ thể, Sở GD-ĐT TPHCM đi theo từng bước. Thứ nhất là đào tạo kỹ năng, thay đổi cách dạy và học trong nhà trường, gắn với thực tế, gắn với thực tiễn, gắn với nhu cầu của xã hội.

Tiếp đó là xây dựng những hoạt động dạy học theo dự án của khoa học công nghệ, và phát triển những hoạt động đó rộng hơn. Nhất là trong tự động hóa, phải cho học sinh sinh viên tiếp cận càng sớm càng tốt, hoạt động nghiên cứu về robot hiện được nhiều trường ở TPHCM rất được quan tâm và đầu tư.

Ông Phạm Ngọc Tiến cung cấp: "TPHCM cũng triển khai những bộ môn tự động hóa ứng dụng vào trong nhà trường, tham gia tổ chức các cuộc thi và sắp tới sẽ chuẩn bị xây dựng giáo trình để đưa môn Tự chọn robot tự động hóa vào trong nhà trường".

Ở góc độ trường học, bà Lê Trần Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TPHCM) cho biết trước đây trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có CLB robotic. Tuy nhiên những năm gần đây, định hướng của Bộ GD là đưa STEM vào dạy học thì lãnh đạo nhà trường phải nhìn lại và có chiến lược để phát triển, đưa STEM vào trường một các thích hợp.

Theo bà Thúy, đều này để học sinh của mình có những trải nghiệm, cọ xát thực tế. Vì điều có thể dễ dàng nhận thấy là việc giải quyết vấn đề của trong việc tiếp cận khoa học, giải quyết tình huống ở học sinh còn rất hạn chế. Hiện nay ở trường đang đi theo cách thành lập các CLB khoa học và ứng dụng STEM vào các CLB này.

Ông Lê Đình Hiếu đưa ra 3 kỹ năng rất nhiều nơi trên thế giới cho là cần thiết mà học sinh cần có:

Kỹ năng Tri thức kỹ thuật số: Dạy học sinh kỹ năng tiếp cận thông tin trên Internet, trên mạng xã hội an toàn và hiệu quả. Cao hơn nữa là các em tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, phân tích thông tin, xử lý thông tin như thế nào để sau này xây dựng kiến thức của mình và chia sẻ kiến thức đó cho mọi người một cách có hiệu quả.

Cảm xúc và sự thích nghi: Với sự phát triển của công nghệ, con người dịch lại nhau rất gần. Chỉ hơn 4 lần kết bạn, mọi người trên thế giới đã gặp nhau. Nhưng khác biệt về văn hóa, tôn giáo, lối sống, suy nghĩ sẽ luôn tồn tại. Chúng ta phải học được cách kiềm chế cảm xúc, học được cách thích nghi, hiểu, thông cảm, thấu cảm cho nhau.

Sự bền bỉ và kiên trì: Cho dù khoa học công nghệ thay đổi như thế nào, cốt lõi cũng nằm ở con người. Giáo dục cần xây dựng được cho các em tố chất bền bì và kiên trì.

Hoài Nam