Giáo dục Quảng Trị sau 30 năm: Mở rộng mạng lưới trường lớp, đẩy lùi nạn mù chữ

(Dân trí) - Sau 30 năm tỉnh Quảng Trị được lập lại sau khi chia tách, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh này đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, quy mô mạng lưới trường lớp mở rộng, công tác phổ cập giáo dục được chú trọng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao…

Nhiều lần đặt chân đến những vùng xa xôi nhất của Quảng Trị, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi trong hoạt động dạy và học nơi đây. Ngoài những khu vực trung tâm được xây dựng trường khang trang, tại các điểm hẻo lánh, điều kiện đi lại khó khăn cũng có điểm trường. Các giáo viên không quản ngại khó khăn về tận nơi “cắm bản” để dạy chữ cho học sinh. Nhờ đó, trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng lên.

Giáo dục Quảng Trị sau 30 năm: Mở rộng mạng lưới trường lớp, đẩy lùi nạn mù chữ - 1

Học sinh Quảng Trị tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Dẫu nhiều nơi, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trường lớp còn tạm bợ, nhưng khoảng cách giữa giáo dục miền núi với miền xuôi đã trở nên gần hơn. Đó cũng là những tín hiệu đáng mừng cho thấy, sự nghiệp giáo dục tại địa phương đã có bước đổi mới và phát triển.

Cơ sở vật chất thiếu, tỷ lệ mù chữ cao

Ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại sau khi chia tách tỉnh Bình Trị Thiên. Bước ra từ khó khăn, ngành Giáo dục cũng đối diện với muôn vàn thách thức. Sự nghiệp giáo dục ban đầu quy mô nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ học sinh huy động đến trường còn ít; đội ngũ giáo viên thiếu và không đồng bộ; chất lượng giáo dục còn thấp...

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã đề ra và thực hiện nhiều nhiệm vụ, nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp và phổ cập giáo dục, đẩy lùi nạn mù chữ.

Ngày đầu lập tỉnh chỉ có 3 ngôi trường kiên cố, cao tầng, đến nay quy mô mạng lưới trường lớp học phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh. Tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng của các cấp học đạt trên 72,5%. Đến nay toàn tỉnh có 280 trường đạt chuẩn quốc gia.

Giáo dục Quảng Trị sau 30 năm: Mở rộng mạng lưới trường lớp, đẩy lùi nạn mù chữ - 2

Trường học ở huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị được xây dựng khang trang.

Sau 30 năm, quy mô mạng lưới trường, lớp tiếp tục được mở rộng, sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và từng bước đa dạng hóa về loại hình trường lớp.

Năm học đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh, toàn tỉnh có 349 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, 2 trường trung cấp với hơn 82.000 học sinh. Đến năm học 2018-2019, toàn ngành có 423 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm với hơn 160.000 học sinh, sinh viên…

Những năm đầu sau ngày lập lại, tỉnh Quảng Trị đối mặt với thách thức lớn là tỷ lệ người mù chữ cao. Năm 1990 toàn tỉnh có hơn 14.000 người mù chữ trong độ tuổi từ 15-35; tỷ lệ huy động học sinh vào các trường đạt thấp, tỉ lệ bỏ học chung các cấp là 7,5%. Ngành GD-ĐT đã tổ chức nhiều “chiến dịch” bằng sức mạnh của cả tỉnh thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đi học đến trường ngày càng tăng.

Đến nay, ngành GD-ĐT đã duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học (mức độ 3), phổ cập giáo dục THCS (mức độ 1) và xóa mù chữ (mức độ 1); triển khai phổ cập bậc trung học có 84 xã đạt chuẩn. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành cũng được tăng cường về số lượng, chuẩn hóa về trình độ.

Để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, ngành giáo dục Quảng Trị đã ưu tiên các nguồn lực cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhất là triển khai đề án xóa phòng học tạm, phòng học mượn. Nghị quyết số 34/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đặt ra mục tiêu phấn đấu từ năm 2019 đến 2021, xóa toàn bộ phòng học tạm, phòng học mượn trên phạm vi toàn tỉnh.

Ngành Giáo dục “chuyển mình”, chất lượng giáo dục nâng cao

Nhiều năm qua, ngành Giáo dục Quảng Trị tập trung toàn lực cho việc đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục - đào tạo.

Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên vững chắc, đã tạo được nền tảng căn bản cho giáo dục mũi nhọn và giáo dục chất lượng cao. Giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục trí dục và kỹ năng sống cho học sinh được quan tâm.

Giáo dục miền núi Quảng Trị đã từng bước chuyển mình, xóa được “bản trắng” giáo dục, nâng cao dân trí, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bằng.

Giáo dục Quảng Trị sau 30 năm: Mở rộng mạng lưới trường lớp, đẩy lùi nạn mù chữ - 3

Học sinh Quảng Trị giành giải Nhất tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2015.

TS. Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, sau 30 xây dựng và phát triển, ngành GD-ĐT được xem là điểm sáng, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nói riêng và cho cả nước.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh hợp lý, phù hợp với từng vùng, địa phương. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị của ngành. 

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo, chuyển từ dạy học chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà; đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt chất lượng giáo dục, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học. Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học. Tăng cường các hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo.

Sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển và thị trường lao động. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, học tập suốt đời của các tầng lớp nhân dân.

Đăng Đức