Giáo dục phải chuyển sang đường ray khác

Chúng ta tiến từ nền giáo dục nặng về truyền bá kiến thức, chạy theo thi cử sang nền giáo dục phải hình thành được năng lực cụ thể: Khả năng làm việc, khả năng sống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các em. Đây là triết lý quan trọng của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về giáo dục đào tạo.

Muốn làm được như vậy cần mạnh dạn sửa chữa những thiếu sót, chấn chỉnh những sai lệch trong nhận thức. Có như vậy Nghị quyết mới đi vào thực tiễn. 
 
GS Phạm Minh Hạc (ảnh dưới) trao đổi với PV báo Tin Tức về những vấn đề xung quanh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi ban hành một nghị quyết về giáo dục đào tạo.
 
Giáo dục phải chuyển sang đường ray khác
 
Thưa GS, xin ông cho biết suy nghĩ của mình về việc Đảng và Nhà nước ra một nghị quyết về giáo dục đào tạo trong bối cảnh hiện nay?

Như chúng ta đều biết, trong lịch sử Đảng hơn 80 năm qua, đã ra nhiều Nghị quyết được ban hành. Mỗi Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đều có ý nghĩa lịch sử. Giáo dục và đào tạo trước cách mạng, cũng như sau Cách mạng tháng 8/1945, đã có những thay đổi cực kỳ to lớn là nhờ Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh dẫn đường. Riêng trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã ra Nghị quyết riêng về giáo dục đó là Nghị quyết 2 khóa VIII (năm 1996). Và đến nay, sau 17 năm, Đảng ra riêng Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Như các nghị quyết trước đây, nghị quyết lần này cũng căn cứ vào yêu cầu là đưa sự phát triển giáo dục đào tạo sang một giai đoạn mới để đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội.

Do hoàn cảnh lịch sử, từ khi thành lập nước, từ đời Hùng Vương cho đến gần đây nước ta là một nước nông nghiệp. Từ văn minh nông nghiệp chuyển sang văn minh công nghiệp là cả một cuộc cách mạng to lớn, đòi hỏi nhiều điều kiện. Một trong những điều kiện quan trọng bậc nhất là phát triển giáo dục đào tạo, tức là phát triển con người theo yêu cầu thời đại mới. Những con người đó phải là đội ngũ nhân lực có chất lượng đào tạo, trong đó một bộ phận được đào tạo cao, như Đại hội XI năm 2011 đã đề ra.

Trong nghị quyết đã đánh giá lại mấy chục năm phát triển giáo dục ở nước nhà. Nền kinh tế phát triển còn kém, đặc biệt nước ta trải qua mấy thập kỷ chiến tranh. Sau đổi mới cũng gặp nhiều khó khăn. Kinh tế mấy năm gần đây đã đạt được tiêu chuẩn nước phát triển trung bình: Thu nhập bình quân đầu người hơn 1000 USD/năm. Có thể nói là một nước nghèo, chiến tranh để lại bao hệ luỵ, khó khăn. Trong bối cảnh ấy, nước nhà đến bây giờ có một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, từ cháu mầm non mẫu giáo, đến tiểu học, trung học, trung học dạy nghề, cao đẳng, đại học, kể cả sau tiến sĩ với 23 triệu người đi học... là thành tựu to lớn của cách mạng. Đó là ánh sáng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nền giáo dục nước nhà. Chúng tôi đều cảm thấy tự hào và có trách nhiệm bảo vệ và phát triển nền giáo dục này.
 
Theo GS, đâu là triết lý xuyên suốt của Nghị quyết lần này? Triết lý này có vai trò ra sao?

Trong Nghị quyết đã xác định rõ thế nào là đổi mới căn bản toàn diện. Không phải mọi thứ đều làm lại từ đầu, mà chúng ta phải đổi mới những cái cốt lõi và những điểm thiết yếu. Đồng thời nói rõ phải đổi mới tất cả chương trình nội dung, phương pháp, dạy học cho đến quản lý. Chúng ta tiến từ nền giáo dục nặng về truyền bá kiến thức, chạy theo thi cử sang nền giáo dục phải hình thành được năng lực cụ thể: Khả năng làm việc, khả năng sống, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các em, chứ không phải học mấy chữ để đi thi.
 
Trước đây, nhiều nơi chỉ làm được việc truyền đạt kiến thức, thì bây giờ phải hình thành được năng lực mỗi cá nhân. Phải thay đổi toàn bộ nội dung chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, tâm lý xã hội phải chuyển sang đường ray khác. Cả xã hội phải thấm nhuần, nhà trường là trụ cột... Truyền thông là làm cho cả xã hội phải thay đổi triết lý này. Đừng mong mỏi học chỉ để đi thi mà các em thành người và có nghề, có đạo đức, có năng lực sống cho bản thân. Cần đẩy mạnh tuyên truyền trong ngành giáo dục ra xã hội cũng như từ xã hội vào trong ngành. Vai trò của truyền thông hết sức to lớn.

Muốn phát triển ngành giáo dục như Đảng và Nhà nước đề ra, phải nhận thức được những yếu kém. Yếu kém chính là ở đầu ra cuối cùng, ở các trường nghề, trường đại học, trường cao đẳng. Hiện nay đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực. Đây là khâu yếu nhất. Tại các hội chợ lao động, có các doanh nghiệp nước ngoài vào tuyển 1.000 lao động, nhưng chỉ 30 - 40 người đáp ứng được. Có trường đại học tốt nghiệp 100 sinh viên, thì chỉ có 1 sinh viên đáp ứng được nghề nghiệp. Trong năm 2013, báo chí nêu rất nhiều, các cử nhân đều phải đi học nghề để kiếm sống.
 
Thêm nữa, văn hóa trường học, đạo đức trong nhà trường cũng có nhiều sa sút. Có những hiện tượng như bạo lực trong nhà trường, gia đình. Cũng có nhiều học sinh ra nước ngoài học, xếp loại khá nhưng các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành còn kém. Tóm lại, đạo đức xã hội cũng có phần bị sa sút trong đó có vai trò của nhà trường.

Nguyên nhân nữa được chỉ ra là tâm lý khoa cử ở nước ta trong xã hội rất nặng nề. Nhà trường theo vết cũ, không tách ra được quỹ đạo của ngàn năm nền giáo dục phong kiến để lại. Đây là điều nặng nề nhất mà nền giáo dục phải vượt qua.

Chúng ta cần có một thế hệ trẻ đưa nước nhà từ một văn minh nông nghiệp sang công nghiệp. Nếu làm đúng Nghị quyết là phải phát huy sức mạnh, sửa chữa những thiếu sót. Có như vậy Nghị quyết 8 mới thực hiện được vai trò là đánh dấu mới trong lịch sử phát triển nền giáo dục nước nhà.

Nghị quyết này chính là thiết kế, là hình họa kiến trúc đã mô hình hóa đầy đủ mà chúng ta phải đi theo con đường này tiến tới các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, qua đó xây dựng được xã hội văn minh, giàu mạnh, cuộc sống phồn vinh.
 
Đâu được xem là khâu đột phá của Nghị quyết và quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục này, thưa GS?

Trong giới giáo dục những người dạy học về hưu, các nhà khoa học, các thầy cô giáo đều cho rằng, đột phá chính là khâu đội ngũ thầy cô giáo và quản lý giáo dục. Những cử nhân sư phạm chính là những chiến sĩ tiên phong trong công cuộc đổi mới. Nhưng đồng thời phải đào tạo lại đội ngũ đang làm công tác quản lý, giảng dạy. Bởi giáo viên dạy thế nào thì học trò học theo cái đó. Vì vậy, những giáo viên này có theo triết lý mới không hay chỉ vẫn theo cách dạy cũ, đây là điều cần làm rõ.

Tôi rất mừng là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phụ trách đề án về đổi mới ngành sư phạm. Tôi mong phải có tốc độ nhanh hơn. Theo tôi đánh giá, năng lực của các trường sư phạm hiện nay có thể mau chóng đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Tiếp đó là đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở phổ thông.

Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Lê Vân
Baotintuc.vn