Giáo dục đại học Việt Nam 10 năm tới: Chỉ nên để tối đa 150 đại học

(Dân trí) - “Tỷ lệ sinh đã giảm gần 1 nửa trong 20 năm qua và người trẻ ra nước ngoài lập nghiệp ngày càng nhiều. Việc sáp nhập các trường đại học là lời giải tốt nhất mà các nhà quản lý phải tính để có một hệ thống đại học mạnh trong vòng 10 năm tới. Chỉ nên để tối đa 150 đại học trên toàn quốc”.

Đó là nhận định của GS.TS. Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng về Giáo dục đại học Việt Nam trong 10 năm tới.

Số lượng học sinh thay đổi bất thường

GS.TS. Lê Vinh Danh cho biết, tỷ lệ sinh ở Việt Nam giảm mạnh trong giai đoạn 10 năm qua 1992-2001 là lý do chính khiến số lượng học sinh học hết phổ thông trung học nhập học vào các trường đại học giai đoạn 18 năm sau (2010-2017) thay đổi bất thường và giảm liên tục.

Cụ thể, nếu năm 1992, tỷ lệ là 3,26, năm 1992, tỷ lệ là 3,09…  năm 2000, tỷ lệ giảm còn 2,01, năm 2001 xuống thấp nhất là 1,95.  Từ năm 2001 đến năm 2011, tỷ lệ sinh dao động liên tục từ 1,89 đến 1,95. Tình hình tương tự sẽ xảy ra trong 10 năm tới (2020-2029).

Đối với số lượng sinh viên ĐH, CĐ năm 2010 là 2162.1 nghìn người đến năm 2014 số lượng tăng lên  2363.9, năm 2015 là  2118.5, đặc biệt đến năm 2016 giảm xuống còn 1767.9, thậm chí đến năm 2017, tỷ lệ sinh viên chỉ còn 1695.9 nghìn người (năm 2018, 2019 chưa thống kê).

Giáo dục đại học Việt Nam 10 năm tới: Chỉ nên để tối đa 150 đại học - 1

Biểu đồ tỷ lệ sinh giai đoạn từ năm 1992-2011 (Nguồn dữ liệu: Ngân hàng thế giới, cập nhật cuối ngày 06 - 07 -2018).

 GS Danh cho rằng, có một số yếu tố khác quyết định số lượng người được sinh ra nhập học vào đại học vào 18 năm sau. Nhưng theo dõi sự biến động của số người nhập học đại học vào 18 năm sau với tỷ lệ sinh của năm tương ứng, 2 yếu tố này liên kết với nhau lớn nhất. Do đó,  chúng tôi chỉ dẫn chứng số liệu về tỷ lệ sinh.

Bên cạnh đó, số lượng cơ sở giáo dục đại học (không tính cao đẳng) tăng 1,7 lần trong vòng 11 năm nhưng tổng số giảng viên, viên chức chỉ tăng 1,5 lần.

Theo GS Danh, tính đến năm 2017 -2018, cả nước có 235 trường đại học với 84,071 viên chức, giảng viên; số lượng sinh viên chính qui là 437,156. 

Số lượng công bố quốc tế (trên ISI) năm qua là 6,873… Đặc biệt, số lượng bằng sáng chế quốc tế thì từ năm 2007 đến 2017, toàn bộ các trường đại học chỉ có 7 bằng sáng chế của USPTO.

Trường đại học đối mặt với nguy cơ không tuyển sinh đủ người học

Từ các số liệu trên, GS Danh cho biết, với tình hình tỷ lệ sinh thấp, lượng người nhập học vào các đại học Việt Nam 5 năm tới (2020-2024) sẽ tiếp tục giảm mạnh bởi ngoài việc tỷ lệ sinh các năm tương ứng của 18 năm về trước thấp còn có nhiều lý do khác như: việc giới trẻ chậm lập gia đình, chậm có con và không muốn có nhiều con, do giới trẻ di cư ra nước ngoài tìm việc làm, do gia đình khá giả hơn và trẻ con được cha mẹ gửi đi học nước ngoài chứ không chọn học trong nước... Những khuynh hướng này khó thay đổi ngay cả khi chúng ta dỡ bỏ trần “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con”.

Người học giảm nhanh, số trường học lại không giảm, nhiều trường học sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng không tuyển sinh đủ để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và trang bị đã đầu tư.

Trong khi đó, với số lượng đại học tăng 1,7 lần nhưng giảng viên-viên chức chỉ tăng 1,5 lần cho thấy nhân lực của hệ thống đã và đang bị dàn mỏng và điều này sẽ ngày càng trầm trọng hơn bởi tình trạng xuất ngành như về hưu, chuyển công tác, đi nước ngoài...trong thập niên tới.

 “Những vấn đề trên đặt ra một yêu cầu, phải sáp nhập sớm các đại học nhỏ, đại học đơn ngành vào để thành đại học lớn và đa ngành nhằm tối ưu hóa nguồn lực xã hội đã đầu tư và nhất là xóa được tình trạng manh mún, phân tán và yếu kém nhân lực có trình độ quốc tế như hiện nay ở nhiều đại học. Tăng cường tính hợp tác liên ngành để tăng trưởng chất lượng giáo dục và khoa học, công nghệ”. GS Danh chia sẻ.

Giáo dục đại học Việt Nam 10 năm tới: Chỉ nên để tối đa 150 đại học - 2

Cần phải giảm số lượng trường đại học Việt Nam hiện nay.

Nên có biện pháp giảm tổng số đại học hiện nay xuống còn khoảng 120 – 150 đại học

Nhận định về việc đặt tên các trường đại học, GS Lê Vinh Danh cho hay, đại học tiếng Anh là University. Chữ University có gốc từ sự kết hợp của 2 từ Uni và Versity. Versity là sự đa dạng, Uni là liên kết. University có nghĩa là “sự liên kết những đa dạng, những bất đồng” khác với Diversity (đa dạng và bất đồng).

Do đó, đại học (university) là một cộng đồng, xã hội thu nhỏ, liên kết những đa dạng, khác biệt và bất đồng và đương nhiên phải là đại học đa ngành, đa lĩnh vực (mới có thể xem là xã hội thu nhỏ).

Dưới universitycollege là đại học của nhóm ngành (Georgetown College, Dartmouth College đều có hơn 10 ngành đào tạo từ đại học đến tiến sĩ) và school là đại học đơn ngành.

Việc thành lập school phổ biến hơn college vì college là gần như là đại học đa ngành hẹp và một school muốn phát triển lên thành college phải sáp nhập, hoặc tự phát triển thêm rất nhiều ngành liên quan gần.

Việc này mất rất nhiều năm do chuyện đào tạo nhân sự, phát triển hoạt động nghiên cứu liên ngành theo chuẩn quốc tế là hoàn toàn không dễ dàng. Còn từ college phát triển thành university lại càng gian nan hơn nữa.

Do đó, có những college như Georgetown mặc dù đã tồn tại hơn 300 năm và rất nổi tiếng, vẫn tiếp tục là college chứ không phát triển thành university cho đến năm 2001.

Trừ các đại học như 2 Đại học quốc gia, Đại học Thái Nguyên, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đại học Tôn Đức Thắng và một vài đại học nữa, tất cả các university còn lại hiện nay tại Việt Nam hầu hết đều là college hoặc school.

"Những trường này muốn tự phát triển thành university đúng chuẩn, phải cần 30 năm đến 100 năm nữa ngoại trừ trường hợp tự nguyện sáp nhập với nhau để thành đại học đa ngành" - GS Danh nói.

Giáo dục đại học Việt Nam 10 năm tới: Chỉ nên để tối đa 150 đại học - 3

GS.TS Lê Vinh Danh

GS Danh cho rằng, không có nguyên tắc là phải university mới được đào tạo sau đại học. College và school đều có thể đào tạo từ đại học đến sau đại học miễn là đủ điều kiện, được kiểm định công khai để có thể tuyển sinh.

Chính vì thế giới người ta đã tổ chức như vậy từ rất lâu, cho nên người ta mới không lạm dụng từ university cũng như không có chuyện thành lập university tràn lan. Quá trình sáp nhập đại học sẽ trở nên ít tác dụng phụ hơn nếu chúng ta chủ động trong việc này.

“Một kế hoạch tổ hợp để 235 đại học (không kể cao đẳng) hiện nay rút xuống còn 150 hoặc 120 đại học, bao gồm cả dự kiến về tiếp nhận người học, công nhận văn bằng, sắp xếp việc tiếp quản tài sản, tài chính và công nợ của trường được sáp nhập... chắc chắn sẽ làm cho quá trình này không gây ra những lo lắng cho xã hội. Khi mà tỷ lệ sinh đã giảm gần 1 nửa trong 20 năm qua và người trẻ ra nước ngoài lập nghiệp ngày càng nhiều.

Việc sáp nhập sẽ là lời giải tốt nhất mà các nhà quản lý phải tính để có một hệ thống đại học mạnh trong vòng 10 năm tới”. GS Danh đề xuất.

Nhật Hồng