Giảng viên đi muộn 5 phút phải bồi thường: Người thầy cần chuẩn mực!

(Dân trí) - “Tôn sư trọng đạo là truyền thống của dân tộc. Nhưng người thầy phải chuẩn mực mới là người thầy đáng được tôn trọng. Không thể “tôn” người thầy không coi trọng học trò, luôn coi mình là đúng và áp đặt trò. Cả thầy và trò phải lắng nghe nhau và trọng lẽ phải”.

Trên đây là quan điểm của Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) về quy định mới mà nhà trường đề ra, có hiệu lực từ học kỳ 2 năm học 2014-2015. Theo đó, sau 5 phút, nếu thấy giảng viên không đến lớp, sinh viên có quyền ra về. Giảng viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tinh thần và vật vất (bao gồm bồi thường cho sinh viên về việc sinh viên mất thời gian học lại nếu sinh viên có yêu cầu hợp lý).

Giảng viên đi muộn 5 phút phải bồi thường cho SV: Người thầy phải chuẩn mực!
ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) quy định giảng viên đi trễ 5 phút phải chịu trách nhiệm cả về tinh thần và vật chất với sinh viên.

Trao quyền bình đẳng giữa sinh viên với giảng viên

Theo quy định mới áp dụng ở ĐH Phan Châu Trinh, giảng viên (GV) có thể đến lớp chậm tối đa 5 phút hoặc ra sớm 5 phút cuối buổi dạy học. Mỗi học phần, GV chỉ được vào lớp chậm hoặc ra sớm 5 phút 3 lần.

Sau 5 phút, nếu thấy GV không đến lớp, sinh viên (SV) có quyền ra về. GV phải dạy bù buổi học đó. Mọi phí tổn và các vấn đề phát sinh cho việc tổ chức dạy lại, GV phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tinh thần và vật chất (bao gồm bồi thường cho SV về việc SV mất thời gian học lại nếu SV có yêu cầu hợp lý). Tất cả phí tổn này của GV sẽ trích trực tiếp từ lương của GV ngay trong tháng xảy ra sự việc

“Chẳn hạn, khi đi học bù, SV phải nghỉ buổi làm thêm, thì có thể yêu cầu GV bồi thường khoản thu nhập từ công việc làm thêm nếu SV có yêu cầu hợp lý” - ông Đỗ Thế, Phó Hiệu trưởng ĐH Phan Châu Trinh giải thích cụ thể một trường hợp GV phải bồi thường cho SV.


Clip: Ông Đỗ Thế - Phó Hiệu trưởng ĐH Phan Châu Trinh nói về quy định GV đi trễ 5 phút phải bồi thường cho SV

Ngoài quy định về giờ giấc, nhà trường còn có quy định thể hiện bằng văn bản hành chính yêu cầu GV, SV lựa chọn trang phục đến lớp đảm bảo tính nghiêm túc, phù hợp thuần phong mỹ tục. Nhà trường khuyến khích GV gọi SV là anh/chị xưng tôi, SV xưng tôi với GV và các bạn. SV có quyền tranh luận, phản biện các ý kiến của GV. GV khuyến khích SV biểu đạt ý kiến riêng, và chấp nhận sự đa dạng, sự khác biệt trong nhận thức của SV.

“Nhiều người cho rằng đây đơn thuần là quy định về giờ giấc, ứng xử học đường. Nhưng mục đích của nhà trường bên cạnh việc tạo tác phong dạy học chuyên nghiệp là trao quyền tự chủ cho GV, quyền bình đẳng giữa GV và SV trong học đường. Tại sao SV khi đi học muộn thì bị phạt, còn GV thì không? Lâu nay vẫn có trường hợp GV, và ngay cả trong nhận thức của GV cho rằng người thầy có “quyền sinh quyền sát”, và luôn luôn đúng. Như vậy không phải” - ông Đỗ Thế nói

Giảng viên đồng tình, sinh viên chưa dám

Khi họp Hội đồng đưa ra quy định trên, Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, nhà trường đưa ra quy định GV không thể đến lớp chậm 10 - 15 phút, nhưng chính các GV là người đề xuất rút ngắn thời gian xê dịch còn 5 phút, vì mỗi tiết học trung bình 45 phút, nếu trễ 10-15 phút là quá nhiều.

Trao đổi với Dân trí, cô Võ Thị Ni - GV Trường ĐH Phan Châu Trinh cho rằng việc nhà trường đưa ra quy định như vậy có thể mới lạ nhưng hợp lý. GV phải đảm bảo thời lượng tiết học thì mới đảm bảo chất lượng buổi dạy học. SV có quyền thấy được sự tôn trọng của GV khi đến lớp đúng giờ, cũng như SV cũng phải đến lớp đúng giờ để đảm bảo chất lượng buổi học”.


GV Võ Thị Ni - ĐH Phan Châu Trinh bày tỏ quan  điểm đồng tình với quy định của nhà trường

Trong khi đó, dù quy định đã áp dụng nhưng nhiều SV vẫn bày tỏ e ngại. “Nhà trường quy định như vậy, chúng tôi một phần cảm thầy mình được tôn trọng, thấy được sự bình đẳng giữa GV và SV. Nhưng nói vậy thôi, GV đến trễ một chút mà SV đã bỏ về thì chắc tụi em không dám. Từ khi tụi em bắt đầu đi học đã vậy rồi” - SV Thùy Trang nói.

Theo ông Đỗ Thế, đây là do nhận thức của SV từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, rằng thầy cô giáo làm gì cũng đúng, chỉ có thầy cô giáo trách phạt khi học sinh sai phạm, còn học sinh thì không. Về lâu dài, nhà trường sẽ có những buổi nói chuyện, cũng như thực hiện quy định nghiêm túc để thay đổi nhận thức trong SV về nề nếp trong học đường.

“Cũng có dư luận nói nhà trường ra quy định như vậy, để SV buộc GV chịu trách nhiệm, thậm chí đòi thường GV là không tôn sư trọng đạo. Tôi không nghĩ như vậy. Tôn sư trọng đạo là truyền thống của dân tộc. Nhưng người thầy phải chuẩn mực mới là người thầy đáng được tôn trọng. Không thể “tôn” người thầy không coi trọng học trò, luôn coi mình là đúng và áp đặt trò. Cả thầy và trò phải lắng nghe nhau, và trọng lẽ phải. Trọng lẽ phải là trọng đạo” - Phó Hiệu trưởng nhà trường nêu quan điểm.

Khánh Hiền
 

 

Thông tin, bài viết đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!