Quảng Nam:

Gian nan học sinh miền núi băng rừng, lội suối đến trường

(Dân trí) - Để đến được điểm trường nằm rải rác ở các thôn, nóc trên núi cao, từ nhà mình, các em học sinh phải trèo đèo lội suối đi bộ vài tiếng đồng hồ. Cuộc tìm kiếm con chữ của học sinh vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) rất khó khăn.

Ở huyện vùng cao Nam Trà My bạt ngàn đồi núi, tại trung tâm mỗi xã có một điểm trường chính tổ chức bán trú cho học sinh từ tiểu học đến trung học cơ sở với tên gọi chung thống nhất là Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (hay Trung học cơ sở).

Học sinh miền núi băng rừng, lội suối đi kiếm con chữ

Điểm trường Man Dí thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Nam, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Từ điểm trường này, nhiều em học sinh phải đi bộ vài tiếng đồng hồ mới về đến nhà.

Cơ sở chính này dành cho con em ở trung tâm xã. Vì là huyện miền núi cao nên dân cư không tập trung, do đó học sinh cũng phân tán. Để tổ chức dạy và học cho số học sinh này, nhiều điểm trường ở thôn, nóc được mở ra để đưa con chữ cho con em đồng bào. Mà có những xã có cả chục điểm trường xa xôi, cách trở nên việc dạy và học cũng rất gian nan.

Học sinh miền núi băng rừng, lội suối đi kiếm con chữ

Cô trò, bố mẹ cùng con băng rừng đến trường

Điểm trường chính của Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập chỉ cách trung tâm huyện 5-7km nên giao thông đi lại dễ dàng, ô tô xe máy có thể đến tận nơi; tuy nhiên rất nhiều điểm trường của trường này nằm cách xa cả chục cây số. Từ điểm trường chính đi bộ đến các điểm trường mất vài tiếng đồng hồ trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Còn mưa bão thì đi lại rất khó khăn, có khi bị nước lũ cắt đường, không thể đi được.

Tại các điểm trường này, học sinh muốn đi học (học sinh bán trú, ở lại cả tuần) cũng vất vả không kém. Bình thường, từ chiều Chủ nhật hay sáng thứ 2 là các cháu khăn gói đến điểm trường. Tại đây, các cháu được nuôi ăn học cả tuần, đến chiều thứ 6 các cháu lại khăn gói về nhà. Cháu nào có bố mẹ đến đón thì vui, còn không cứ thế mà đi bộ về nhà, kể cả các cháu đang học lớp 1, 2.

Học sinh miền núi băng rừng, lội suối đi kiếm con chữ

Đường đến trường của thầy trò vùng cao Nam Trà My thật vất vả, đường núi đá dốc cheo leo

Thông thường, các cháu hay đi nhóm cùng nhau về nhà, gần thì vài chục phút, xa thì vài tiếng đồng hồ. Đường rừng núi phải trèo đèo lội suối, có khi té ngã lăn quay nhưng các cháu vẫn vô tư cười nói đi, về.

Thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ - cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết, các cháu đi từ nhà đến điểm trường vài tiếng là chuyện bình thường. Tại điểm trường ông Vanh (thôn 5, xã Trà Dơn, Nam Trà My), các cháu học sinh hoặc thầy cô muốn đến trường chính thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (hay THCS) Trà Dơn phải đi bộ mất 8 tiếng.

Học sinh miền núi băng rừng, lội suối đi kiếm con chữ

Một bên là núi cao, một bên là ruộng bậc thang của đồng bào. Trong ảnh là các cháu học sinh điểm trường Tắk Pổ, thuộc Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, Nam Trà My đi học

Đó là đường sá thuận lợi, trời không mưa gió. Có khi phải đi bộ 2 ngày trời và phải xin ngủ nhà dân vì mưa bão, tắt đường…

Tại điểm trường Man Dí (ở thôn 1, xã Trà Nam, Nam Trà My), khi được hỏi, các cô đều cho biết, các cháu cũng đi bộ vài tiếng mới đến trường. Em nào nhà ở gần thì đi bộ vài chục phút.

Tại điểm trường này, ngó qua bên kia đồi thấy những ngôi nhà của đồng bào lúp xúp giữa núi rừng nhưng khi hỏi từ trường các cháu phải đi bao lâu mới về nhà hay ngược lại, các cô cho biết phải đi vài ba tiếng là chuyện bình thường.

Các em học sinh Nam Trà My băng rừng, lội suối đến trường

Các cô cho biết, thật ra khoảng cách từ điểm trường thôn, nóc cách nhà của các cháu chỉ từ 5-7 cây số thôi nhưng ở miền núi không có đường sá để đi xe nên hầu hết các cháu phải đi bộ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng Phòng GD&ĐT Nam Trà My cho biết, theo chủ trương chung để chuẩn bị thay đổi chương trình phổ thông, những học sinh từ lớp 3 phải về trường xã học nội trú, bán trú. Còn ở dưới thôn, nóc thì không thể mở các lớp 3, 4, 5 được vì tại các điểm trường thôn này các em không thể học các môn Ngoại ngữ, Tin học.

Do đó, bắt đầu từ năm học 2019-2020, huyện huy động hết các em học sinh từ lớp 3 về trung tâm trường xã học nên bắt buộc các em này 1 tuần phải đi về ít nhất 2 lần. Chiều thứ 6 các em về nhà và chiều Chủ nhật hoặc sáng thứ 2 các em lại đến trường.

“Những điểm có đường bê tông đến tận thôn, nóc thì các em được bố mẹ chở bằng xe máy đỡ vất vả hơn, còn những điểm chưa có đường bê tông thì buộc các em phải đi bộ chứ không còn cách nào khác; do vậy nhiều em chắc chắn sẽ vất vả hơn”, thầy Võ Đăng Thuận cho biết.

Cũng theo thầy Thuận, nếu không huy động các em từ lớp 3 ra trường chính ở xã thì phải tổ chức học lớp ghép ở thôn, nóc vì sĩ số học sinh mỗi lớp chỉ có vài ba em; tuy nhiên không thể 1 giáo viên mà dạy vài ba em ở các điểm trường xa được. Hơn nữa ở các điểm trường thôn, nóc thì các em không thể học Ngoại ngữ, Tin học được.

“Do đó, hiện nay phải huy động các em về điểm trường xã để lo tổ chức ăn uống, bán trú cho tốt hơn, chất lượng học tập cao hơn, chính vì thế bắt buộc các em phải đi từ dưới thôn, nóc lên điểm trường xã học”, thầy Thuận nói.

Công Bính