Gian nan hành trình tìm chữ của dân bản “bốn không”

(Dân trí) - Là một bản nghèo nằm giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi chưa có điện, đường giao thông, trường học và cả nước sinh hoạt, người dân bản Ka Oóc đang gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, hành trình tìm con chữ của con em học sinh nơi đây cũng đầy gian nan, vất vả.

Là một trong những bản xa xôi, hẻo lánh nhất của tỉnh Quảng Bình, Ka Oóc là nơi sinh sống của người Khùa, thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều, toàn bản hiện có 47 hộ dân với 226 người sinh sống. Ka Oóc được mệnh danh là bản "bốn không" giữa đại ngàn Trường Sơn. Không điện, không đường, không trường kiên cố, không trạm y tế, và thậm chí nước sạch sinh hoạt cũng rất khan hiếm.

Bản Ka Oóc là nơi sinh sống của đồng bào Khùa, thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều, ở đây chưa có điện, đường đi lại khó khăn và khan hiếm cả nước sinh hoạt
Bản Ka Oóc là nơi sinh sống của đồng bào Khùa, thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều, ở đây chưa có điện, đường đi lại khó khăn và khan hiếm cả nước sinh hoạt

Để có được con chữ, từ nhiều năm nay, các em học sinh dân tộc ở bản Ka Oóc từng ngày phải vượt qua cung đường nhiều cây số, băng khe suối, vượt rừng đầy nguy hiểm để đến trường. Cũng vì đường đi xa xôi và khó khăn nên các em thường phải thức dậy từ rất sớm để đến lớp đúng giờ, vào những ngày mưa gió, đường đi lại trơn trượt, nhiều em đành phải nghỉ học.

Em Hồ Mộc, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa kể: “Chúng em đi học xa, đường lại khó đi, đi xuống thì bị trơn trượt rồi ngã, còn đi lên thì đường dốc nên mệt lắm. Em đi chậm nên lúc nào cũng phải đi từ sáng sớm, những ngày mưa to càng khổ hơn, đường nhiều bùn đất, có nơi bị đất chắn cả lối đi không đi được, qua suối cũng sợ nữa”.

Hành trình tìm con chữ của các em học sinh nơi đây cũng vì thế mà gian truân, vất vả
Hành trình tìm con chữ của các em học sinh nơi đây cũng vì thế mà gian truân, vất vả

Đến với Ka Oóc, được nghe người dân và các em học sinh nơi đây tâm sự, chúng tôi mới mới cảm nhận hết được những khó khăn, gian nan mà các em đang phải đối mặt trên hành trình tìm cái chữ. Thế nhưng, với tinh thần ham học hỏi đã thôi thúc các em đến trường, vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống để tìm niềm hy vọng, hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Trò chuyện với các em học sinh bản Ka Oóc khi các em vừa từ trường trở về, được hỏi về ước mơ của mình, các em dường như quên đi mọi sự mệt mỏi. “Em đi học được cô giáo nói về nhiều việc làm, em thích được như các thầy, cô giáo của em, sau này em muốn làm thầy giáo để dạy các em nhỏ”, em Hồ Văn Phương tươi cười nói.

Những nụ cười của học sinh dân tộc khi nói về ước mơ của mình
Những nụ cười của học sinh dân tộc khi nói về ước mơ của mình

Ông Hồ Liên, Trưởng bản Ka Oóc cho biết, bản hiện nay có hơn 20 em học sinh đang theo học tại các trường tiểu học và trung học, hơn 10 cháu là học sinh mầm non. Hiện tại bản Ka Oóc chỉ có duy nhất điểm Trường Mầm non thuộc Trường Mầm non xã Trọng Hóa và chưa có điểm trường cho các cháu tiểu học và trung học.

“Các cháu trong bản để có được cái chữ Bác Hồ phải chịu khó, chịu khổ về các trường dưới núi để các thầy cô dạy học, bản này điện, đường, trường, trạm cái chi cũng thiếu, nước sạch cũng rất hiếm. Chỉ mong một ngày không xa, điện được kéo về, có cái đường bê tông mà đi cho thuận lợi, để người dân bản đỡ khổ, các cháu học sinh được đến trường được an toàn hơn”, Trưởng bản Liên bày tỏ.

Cái chữ là niềm hy vọng của các em học sinh cũng như phụ huynh để thay đổi bản nghèo trong tương lai
Cái chữ là niềm hy vọng của các em học sinh cũng như phụ huynh để thay đổi bản nghèo trong tương lai

Những buổi sáng dầm sương, lội bùn, đội mưa trên con đường đến trường nhiều khi lại trở thành nỗi ám ảnh đối với các em học sinh nơi đây. Mặc dù vậy, ngày qua ngày, các em vẫn miệt mài đến lớp, mang theo ước mơ và hy vọng rồi sẽ có ngày làm thay đổi được bản nghèo của mình. "Các con tui đi học vất vả lắm, phải đi sớm về muộn, biết là mệt nhưng được các thầy cô giáo luôn động viên nên vợ chồng tui cũng để con đi học. Nhiều khi mưa to cũng lo cho chúng nó lắm. Ước chi bản có trường, thầy cô lên đây dạy cho các con không phải đi quãng đường xa xôi, nguy hiểm nữa”, anh Hồ Ma (SN 1978) chia sẻ.

Chia tay bản nghèo Ka Oóc khi hoàng hôn đang dần buông xuống, khói bếp bắt đầu tỏa lên trên các mái nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc. Dẫu biết rằng hành trình tìm con chữ còn nhiều chông gai, trắc trở nhưng chúng tôi tin vào một ngày không xa, bản làng này sẽ sớm đổi thay bởi sự kiên trì, chịu khó học chữ Bác Hồ của các em học sinh nơi đây...

Bài, ảnh: Đặng Tài