Gian nan hành trình gieo chữ nơi ngôi trường đặc biệt ở Hà Tĩnh

(Dân trí) - Giáo viên phải trèo đèo, lội suốt, đi bộ nhiều cây số để vận động các em đến trường. Vận động được các em đi học đã khó, giữ chân các em ở lại theo học còn khó gấp bội. Không ít lần những giáo viên ở trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh phải “đứng tim” vì học sinh “biến mất”.

Nửa đêm thắp đuốc đi tìm học sinh

Thầy Đặng Quốc Hoàn (giáo viên dạy THCS, thuộc trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh) là một trong những giáo viên gắn bó từ rất lâu với ngôi trường này.

“Khó khăn, vất vả nhất là giai đoạn từ năm 1996 đến 2010, bởi lúc này có thêm bậc tiểu học. Các em đang rất nhỏ dại, ngây thơ và “hoang dã” nên việc dạy cũng như thích nghi với cuộc sống mới là rất khó khăn”, thầy Hoàn cho biết.


Thầy Đặng Quốc Hoàn bên những học sinh trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh.

Thầy Đặng Quốc Hoàn bên những học sinh trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh.

Đến nay đã 22 năm xây dựng và phát triển nhưng có lẽ trong ký ức của những thế hệ người cầm phấn ở ngôi trường này cũng như bản thân thầy Hoàn sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm “nhớ đời” về các em học sinh nơi đây.

Đó là những ngày đi bộ gần 10 cây số, đi qua những con đường đèo ngoằn ngoèo hiểm trở để vào vận động các em đồng bào dân tộc Chứt đi học.

“Trong những năm đầu thành lập trường, chúng tôi phải vào tận bản Rào Tre để tuyên truyền vận động các bậc phụ huynh cũng như các em để đưa các em đến trường để học chữ. Do người Chứt vừa mới được phát hiện nên họ sống còn rất bản năng. Để thuyết phục các em đến trường đôi lúc phải “cắm bản” cả tuần”, thầy Hoàn cho biết.

Vận động được đi học đã khó, giữ chân các em ở lại theo học còn khó gấp bội.

Và đã không ít lần những giáo viên nơi đây đã “đứng tim” khi bỗng chốc không thấy học sinh của mình ở đâu.

“Năm học 2003 - 2004 khi vừa đón các em đến nhập học. Tối hôm đó sau khi ăn cơm xong, rồi tổ chức trò chơi, sau đó về phòng ngủ. Đến khoảng 9h đêm, lúc đi kiểm tra thì phát hiện có 5 em học sinh đã biến mất. Chúng tôi phải thắp đuốc để đi tìm cả đêm”, thầy Hoàn vẫn “sởn” da gà khi nhớ lại.

Cũng theo thầy Hoàn thì việc học sinh bỏ trường quay trở về bản là chuyện xảy ra gần như thường xuyên. Đặc biệt là các em mới nhập học còn rất nhớ nhà.

Quả ngọt…

Trải qua 22 năm với biết bao thăng trầm nhưng bằng tình thương và trách nhiệm của người giáo viên thì quá trình “trồng người” cũng đã bắt đầu cho quả ngọt.

Từ những đứa trẻ chỉ biết nói tiếng bản địa, sau nhiều năm rèn luyện, các em đều đã đọc thông viết thạo.

Thầy Mai Văn Hải, Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài thời gian học kiến thức trên lớp thì nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, các hoạt động để các em tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, tuyên truyền về vấn đề hôn nhân cận huyết…. Nhờ vậy mà các em đã dần dần hòa hợp và khoảng cách giữa các em đã thu hẹp lại”.

Thầy Mai Văn Hải, Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh
Thầy Mai Văn Hải, Phó Hiệu trưởng trường THCS và THPT Dân tộc Nội trú Hà Tĩnh

Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp và vào các trường đại học tăng dần theo từng năm. Nhiều em được kết nạp vào Đảng ngay tại trường.

“Trong 2 năm học vừa qua (2016 -2017 và 2017-2018) các em đều đậu tốt nghiệp 100%, có nhiều em đậu vào các trường đại học thuộc nhóm tốp đầu cả nước như trường Quân sự… Và đặc biệt trong năm học vừa qua có 2 em học sinh được kết nạp vào Đảng”, thầy Hải vui mừng cho biết.

Bao lớp thế hệ học sinh đã trưởng thành
Bao lớp thế hệ học sinh đã trưởng thành

Điều quan trọng là các em đã được trau dồi những kiến thức, những kỹ năng sống. Và giờ đây các em đã có đủ sự nhận thức, chín chắn để bước vào một cuộc sống mới, trở thành những công dân có ích cho đất nước.

Xuân Sinh