Thanh Hóa:

Giám đốc Sở GD&ĐT nói về kế hoạch kiểm tra năng lực 1.180 giáo viên tiếng Anh

(Dân trí) - Liên quan đến việc triển khai kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh trên địa bàn Thanh Hóa đến năm 2025, trước những băn khoăn, lo lắng của không ít giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã lên tiếng giải thích về kế hoạch này.

Chất lượng dạy học Ngoại ngữ trong tốp cuối của cả nước

Mới đây, Sở GD&ĐT Thanh Hóa có kế hoạch triệu tập 1.180 giáo viên (GV) tiếng Anh để triển khai đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ (đề án). Trước thông báo trên, không ít GV tiếng Anh đã có những băn khoăn, lo lắng.

boi duong tieng anh
Nhiều giáo viên lo lắng, băn khoăn khi nhận được thông báo về kế hoạch khảo sát năng lực của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Để hiểu rõ hơn về kế hoạch trên, phóng viên Dân trí đã có những trao đổi với bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Theo bà Hằng, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Mục đích là nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh của tỉnh Thanh Hóa. Chất lượng dạy học ở đây là liên quan đến GV, GV có dạy tốt thì mới tác động đến kết quả học tập của học sinh.

Thực tế, qua đánh giá những năm gần đây, Thanh Hóa là một trong những địa phương có chất lượng dạy học Ngoại ngữ trong tốp cuối của cả nước. Điều đó thể hiện qua điểm thi trung bình chung môn tiếng Anh tại kỳ thi THPT quốc gia.

“Chưa có điều kiện để khảo sát từ các cấp học dưới, nhưng lấy điểm trung bình môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT quốc gia của Thanh Hóa những năm trước đây đều nằm trong tốp cuối của cả nước. Chính vì chất lượng môn tiếng Anh yếu như vậy cho nên lãnh đạo tỉnh, ngành rất băn khoăn và quyết tâm để nâng được chất lượng dạy học môn tiếng Anh của tỉnh lên”, bà Hằng chia sẻ.

Từ đó, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở GD&ĐT xây dựng đề án. Trong đó, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ là phải nâng cao được chất lượng của đội ngũ GV tiếng Anh.

Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, muốn nâng cao được chất lượng của GV phụ thuộc vào nhiều yếu tố, một trong số đó là phải nâng cao được chất lượng đội ngũ GV. Trong khi đó, thực trạng đội ngũ GV tiếng Anh của Thanh Hóa có trên 50% là đào tạo tại chức.

Trong đề án lần này và yêu cầu của UBND tỉnh Thanh Hóa trước hết là phải khảo sát toàn bộ đội ngũ GV tiếng Anh để nắm được chất lượng thực của GV đang ở đâu. Từ việc đánh giá được thực trạng chất lượng thực của đội ngũ GV để có kế hoạch phân loại, đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.

so giao duc thanh hoa
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, từ việc đánh giá được thực trạng chất lượng thực của đội ngũ GV để có kế hoạch phân loại, đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.

Hiện nay, GV tiếng Anh có nhiều bậc theo khung năng lực. Cụ thể, đối với GV tiếng Anh bậc Tiểu học phải đạt chuẩn B1, THCS là B2 và THPT là C1.

Theo yêu cầu chung của đề án, trong đợt này, kể cả số GV trước đây đã đào tạo, bồi dưỡng, đã thi và cấp chứng chỉ (B1, B2 và C1), đều phải khảo sát, đánh giá. Sở GD&ĐT sẽ mời Đại học Ngoại ngữ Quốc gia (Hà Nội) về khảo sát.

Kế hoạch trên cũng được thực hiện theo lộ trình. Năm 2019, những GV thi nhưng chưa đủ, chưa đạt trình độ trên là những GV nằm trong đối tượng phải khảo sát, đánh giá trước. Đồng thời, GV có thi, được cấp chứng chỉ, nhưng thời gian cấp đã lâu cũng khảo sát trước.

“Để triển khai đề án có hiệu quả, Sở đã ban hành rất nhiều công văn, hướng dẫn các nhà trường. Đặc biệt, các hiệu trưởng phải nói rõ mục đích khảo sát, đánh giá không ngoài việc giúp cho GV tự nhận biết được trình độ chuyên môn của mình đang ở đâu, để sau đó có kế hoạch bồi dưỡng tiếp”, bà Hằng giải thích.

Tuy nhiên, qua nắm bắt của Sở GD&ĐT, hiện nay, một số GV có đơn, phản ánh băn khoăn, lo lắng. Nhiều GV cho rằng, họ đã bồi dưỡng rồi, đã thi cấp chứng chỉ rồi, nhưng tại sao lần này lại vẫn phải khảo sát, đánh giá.

Theo bà Hằng, việc học tập, đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ, trách nhiệm của bất kỳ một GV nào, không năm nào không tổ chức tập huấn, bồi dưỡng. Học tập, bồi dưỡng là nhiệm vụ thường xuyên và trách nhiệm của GV để tự trau dồi, nâng cao trình độ của mình. Đối với GV tiếng Anh cũng vậy, Bộ GD&ĐT cũng đào tạo, bồi dưỡng, khảo sát và có đánh giá thường xuyên.

“Đề án này thể hiện sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa hơn rất nhiều đối với GV tiếng Anh. Bởi vì, tỉnh bỏ tiền ra để tổ chức khảo sát, đánh giá cho GV. Trách nhiệm và sự quan tâm của tỉnh là rất lớn đối với đội ngũ GV. Khảo sát để xem thời gian qua việc GV học, bồi dưỡng như thế thì lần khảo sát này xem mình có đạt được theo yêu cầu không. Nếu không đạt thì được học tập, bồi dưỡng tiếp”, bà Hằng giải thích.

Khảo sát để có cơ hội sửa chữa yếu kém

Một trong những điều GV quan tâm là sau khi khảo sát xong, nếu không đạt sẽ như thế nào. Vấn đề này, theo Giám đốc Sở GD&ĐT: “Khảo sát lần đầu nếu không đạt còn có cơ hội để sửa yếu kém, có kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng. Sau khi được học tập, bồi dưỡng xong, tổ chức, đánh giá lần nữa mà vẫn không đạt yêu cầu thì lúc đấy Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ sẽ báo cáo UBND tỉnh có hướng sắp xếp, bố trí GV cho phù hợp. Không phải sau đó người ta không đạt là coi như loại người ta ra khỏi bộ máy. Đa số GV hiểu chưa đầy đủ việc này”.

Theo thống kê, hiện số GV tiếng Anh biên chế của Thanh Hóa khoảng gần 3.000. Trong đợt này sẽ khảo sát  1.180 GV. Sở GD&ĐT đã có công văn gửi về cho các đơn vị lập danh sách.

“Số GV nào thấy rằng có thể khảo sát thì lập danh sách lên Sở, chứ không phải khảo sát hết 100%. Có lộ trình là để ưu tiên cho những GV chưa bao giờ được thi và cấp chứng chỉ; thứ hai là có thi và cấp chứng chỉ nhưng lâu năm rồi. Đối tượng nữa là số GV đi học ở các nơi, các trung tâm cấp chứng chỉ chứ không phải do trường Đại học Ngoại ngữ cấp”, bà Hằng thông tin.

Đánh giá về nguyên nhân của việc phải khảo sát, bà Hằng cho rằng: Nhìn chung GV tiếng Anh hiện nay còn hạn chế, trước hết là nguyên nhân tự đào tạo chuyên môn của GV chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, trong đánh giá, xếp loại GV hàng năm nhiều khi chưa thực chất, chưa đạt yêu cầu, còn theo hình thức, chưa sát với chất lượng thực của GV. Từ đó, không có kế hoạch yêu cầu số GV yếu kém phấn đấu vươn lên.

Thứ ba về công tác quản lý cũng có những vấn đề phải xem xét lại. Cụ thể như trong việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hàng năm, nhiều khi còn chạy theo hình thức; năm nào cũng tập huấn, bồi dưỡng nhưng để đạt được yêu cầu chưa thì chưa có câu trả lời. Kế hoạch lần này sẽ khảo sát một cách bài bản, toàn diện.

Ngoài ra, một vấn đề được cho là ảnh hưởng đến chất lượng GV là không có môi trường để giao tiếp, hoạt động tiếng Anh còn hạn chế. Bà Hằng cho rằng, một trong những tâm lý băn khoăn của GV cũng dễ hiểu: “Thời điểm đó họ vừa mới học xong, thi có thể đạt được chứng chỉ đó, nhưng vài năm trôi qua bắt đầu mai một dần, đến giờ thi thì có tâm lý sợ. GV cũng cần phải xem xét lại, nếu anh có chất lượng thực, không hạn chế về năng lực chuyên môn thì không có gì phải ngại”.

Duy Tuyên