Giảm bạo lực học đường và vai trò của giáo viên

(Dân trí) - Sau khi đọc hàng loạt thông tin về các vụ bạo lực học đường, tôi có suy nghĩ rằng nếu như ở các trường phổ thông mà giáo viên nào cũng vừa là người thầy cô, người bạn, người anh, người chị thì sẽ giải quyết được những khó khăn vướng mắc, nhất là bạo lực học đường.

Chỉ tiếc rằng hiện nay còn không ít giáo viên không làm tròn trách nhiệm của mình. Có giáo viên nói rằng: Tôi là chủ nhiệm lớp chỉ quản lý về mặt sĩ số, học hành còn đạo đức, lối sống thuộc về giáo viên dạy Giáo dục Công dân và cha mẹ học sinh. Hay có giáo viên lại có quan điểm họ đảm nhiệm việc truyền đạt nội dung kiến thức cho học sinh là chính, việc nắm tư tưởng, giáo dục tình cảm của học sinh thuộc về giáo viên chủ nhiệp lớp. Đó là sự biện bộ thiếu trách nhiệm.

Tại điều 5 Luật Giáo dục 2005 quy định các chủ thể giáo dục phải đảm bảo các yêu cầu sau: Nội dung giáo dục phải bảo đảm tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại và có hệ thống; coi trọng giáo dục tư tưởng và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi của người học”.

Như vậy, Luật Giáo dục quy định đối với tất cả các giáo viên, người làm công tác quản lý giáo dục. Đối với giáo viên bộ môn, trách nhiệm của họ không chỉ truyền đạt những kiến thức chuyên môn mà còn phải giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành và phát triển phẩm chất nhân cách của người học, dạy chữ phải đi đôi với dạy người. Còn đối với chủ nhiệm lớp, họ phải nắm được chất lượng toàn diện trên tất cả các mặt, không chỉ học mà còn là sự tu dưỡng, rèn luyện của các em học sinh.

Trên thực tế, các vụ bạo lực học đường xảy ra có không ít nguyên nhân bắt nguồn từ giáo viên. Hiện tượng giáo viên thiếu mẫu mực, không tôn trọng nhân cách người học, dùng từ “chợ búa” với học sinh, chấm điểm “thiếu khách quan”, tạo ra khoảng cách, áp đặt,… vô hình trung làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống học trò và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực học đường. Vì vậy, mỗi nhà giáo cần phải thực sự như là một “bà đỡ”, một người cố vấn, trọng tài trong dạy học; một người anh, người chị, người bạn chân thành trong cuộc sống; nhà giáo dục, nhà tâm lý để cùng các em giải quyết mọi vấn đề trong môi trường học đường. Họ phải thực sự có lòng yêu người thì mới yêu nghề, càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu.

Không có việc gì không thể tháo gỡ. Chỉ có những giáo viên biết lắng nghe, biết gỡ rối thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết, nhất định sẽ giảm bớt được “vết đen” ở môi trường học đường hiện nay.

Lê Phạm Phương Lan

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!