Bạn đọc viết:

Giải quyết tận gốc “vấn nạn” bạo hành trẻ mầm non

(Dân trí) - Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ mầm non bị đưa ra ánh sáng trong thời gian gần đây khiến dư luận sững sờ. Cái kết cho những sự việc đau lòng ấy là những hình thức kỷ luật thích đáng dành cho giáo viên, bảo mẫu bạo hành trẻ. Nhưng một điều nguy hại là niềm tin của xã hội vào lương tâm, đạo đức nhà giáo bị xói mòn phần nào.

Dù “gương nhãn tiền” nhan nhản như thế đó nhưng sao lắm người vẫn đi vào “vết xe đổ” của nạn bạo hành trẻ mầm non? Phải chăng chúng ta chưa chạm được vào “gốc rễ” của vấn đề để giải quyết triệt để?

Giáo dục mầm non có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc chăm sóc, tưới tắm những mầm non tương lai của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một thực tế là việc đầu tư và đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên mầm non chưa tương xứng với áp lực khổng lồ của công việc chăm trẻ và dạy trẻ.

Hệ thống trường mầm non công lập đang quá tải về cơ sở vật chất cùng nguồn nhân lực khiến mỗi lớp học trung bình hơn 30 cháu thường chỉ có hai giáo viên đứng lớp. Các cơ sở mầm non tư thục mở ào ạt, thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng cơ sở không phép vẫn hoạt động, giáo viên đứng lớp lại không có bằng chuyên môn nghiệp vụ. Từ đây, những hành vi tiêu cực, phản cảm có cơ hội “nảy mầm”.

Đối tượng giáo dục đặc biệt ở đây là con trẻ với những đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi riêng đòi hỏi nhiều hơn sự thấu hiểu, quan tâm, chăm sóc và yêu thương. Nhưng chỉ hai giáo viên phải “quay” giữa mấy chục cháu như thế thì chất lượng giáo dục chắc chắn có phần hạn chế và áp lực tâm lý nảy sinh là tất nhiên. Dù vậy, dư luận xã hội lắm lúc chưa có cái nhìn đồng cảm, chia sẻ với áp lực công việc của các cô dẫn đến chỉ trích, kiện tụng đáng tiếc.

Thay vì lên lớp theo định biên số tiết như các cấp học khác, giáo viên mầm non lại phải gánh một khối lượng công việc quá lớn. Từ lúc đón trẻ vào 7h đến trả trẻ vào 5h chiều, các cô phải nhận trách nhiệm chăm cháu ăn, dạy cháu học, trông chừng cháu chơi… Đảm bảo cho cháu phát triển thể chất và trí tuệ, tổ chức các hoạt động giáo dục và cả bảo vệ trẻ tránh các va chạm, xích mích do nghịch ngợm, hiếu động… là nhiệm vụ mỗi ngày của các cô.

Nghịch lý là mức lương cho giáo viên mầm non quá thấp. Vì vậy, không hiếm trường hợp giáo viên mầm non phải bỏ việc, nhảy việc vì áp lực công việc và lương thấp.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo và tuyển dụng giáo viên mầm non đang có nhiều lỗ hổng cần thay đổi. Các trường sư phạm tuyển sinh thông qua kiến thức phổ thông và năng khiếu âm nhạc, hội họa… mà bỏ quên mất một tiêu chí quan trọng: ý chí chọn ngành cũng như những phẩm chất cần thiết của một người giáo viên - bảo mẫu. Bên cạnh trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần thiết, người giáo viên mầm non cần có lòng yêu nghề mến trẻ, sự khoan dung, độ lượng và cả đức hy sinh lớn.

Nhưng thực tế thì số người đến với nghề bằng lòng yêu trẻ chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong số sinh viên tốt nghiệp mỗi năm? Hay đó là một ngã rẽ bắt buộc phải chọn vì miếng cơm manh áo? Dẫu biết rằng những “ác mẫu” xuất hiện thời gian qua chỉ là thiểu số nhưng đó là tiếng chuông báo động mạnh mẽ cho ngành giáo dục cần có những đổi thay tích cực hơn.

Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cũng như chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề giáo cho đội ngũ giáo viên mầm non là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay. Siết chặt công tác tuyển sinh sư phạm và tăng cường sự giám sát, quản lý đối với cấp học mầm non từ cơ quan chức năng sẽ là những động thái tích cực được dư luận ủng hộ.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ ngành giáo dục cần tạo môi trường sư phạm tốt, giảm áp lực công việc để giáo viên mầm non yên tâm công tác. Tăng cường các chế độ đãi ngộ nhằm thu hút người tài đến với giáo dục cũng như tăng mức lương, mức thưởng cho giáo viên tương xứng với khối lượng công việc sẽ là giải pháp hữu hiệu đặt những “viên gạch” nền móng vững chắc cho chất lượng giáo dục mầm non.

Ngoài ra, cần mạnh tay xử lý, sàng lọc những giáo viên không đủ năng lực, phẩm chất để làm trong sạch đội ngũ nhà giáo và củng cố niềm tin của xã hội vào giáo dục.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!