Ý kiến bạn đọc:

Giải pháp khắc phục tình trạng “ngồi nhầm lớp” ở một trường làng

(Dân trí) - Sợ thành tích nhà trường bị ảnh hưởng, ngại bị dư luận đánh giá chất lượng giáo dục, giảng dạy của nhà trường “có vấn đề” nên mới có nhiều học sinh phải thi lại, lưu ban..

Giải pháp khắc phục tình trạng “ngồi nhầm lớp” ở một trường làng - 1

Nếu để việc “ngồi nhầm lớp” ngày hôm nay có thể sẽ là tiền đề dẫn tới tình trạng “ngồi nhầm chỗ” trong tương lai (ảnh minh họa)

“sợ” học sinh lưu ban nhiều

Chúng ta ai cũng biết, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” có thể gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực cả về trước mắt lẫn lâu dài.

Việc học sinh (HS) “ngồi nhầm lớp” mà vẫn được đẩy lên lớp trên thì học sinh đó càng không tiếp thu được gì, còn làm ảnh hưởng xấu đến các bạn trong lớp, làm triệt tiêu dần ý chí phấn đấu, nỗ lực cố gắng chung của lớp, gây ra tình trạng khó xử đối với giáo viên. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn này. Ngoài nguyên nhân chủ quan là do năng lực tiếp thu kiến thức bị hạn chế của bản thân học sinh, còn có những nguyên nhân quan trọng khác từ phía nhà trường và gia đình.

Về phía nhà trường, có thể nhận thấy chính căn bệnh thành tích đã khiến cho tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp không những không được khắc phục, chấm dứt triệt để mà còn có chiều hướng gia tăng, lan rộng.

 Các thông tư đánh giá xếp loại học sinh đều nêu rõ những học sinh không đạt yêu cầu về hạnh kiểm và học lực thì rèn luyện thêm trong hè để thi lại.

Nhưng trên thực tế, không ít trường học hiện nay còn “sợ” học sinh lưu ban nhiều vì nhiều lý do: lo số học sinh lưu ban sẽ bỏ học, lo HS lưu ban thì phải dạy lại là gánh nặng đối với GV, ngại với phụ huynh HS.

Nhiều nơi đã đề ra tiêu chí phổ cập giáo dục như là một điều kiện “cứng” để xếp loại và lấy thành tích báo cáo lên cấp trên. Không ít hiệu trưởng “bật đèn xanh” cho giáo viên làm đẹp bài thi cho những học sinh có học lực dưới mức trung bình để không có học sinh phải lưu ban, thi lại để nâng cao chất lượng phổ cập.

Trong các nguyên nhân trên còn nguyên nhân chưa nói đến đó là sợ thành tích nhà trường bị ảnh hưởng, ngại bị dư luận đánh giá chất lượng giáo dục, giảng dạy của nhà trường “có vấn đề” nên mới có nhiều học sinh phải thi lại, lưu ban… Có thể nói cho dù viện bất cứ lý do nào, thì rõ ràng để tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” là không thể chấp nhận được.

Bằng lương tâm nghề nghiệp hãy đánh giá chính xác học sinh

Năm học 2017-2018, tôi được điều động về giữ chức vụ hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng thuộc Thị trấn Yên Ninh, Huyện yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Trong những năm gần đây tỉ lệ lên lớp luôn đạt 100%.

Với cương vị hiệu trưởng, ngoài việc phân tích tác hại của việc HS ngồi nhầm lớp tôi cũng khẳng định trước hội đồng không vì một lý do gì áp lực, không sợ thi đua của nhà trường… bằng lương tâm nghề nghiệp chúng ta hãy đánh giá HS một cách chính xác.

 Bằng các ví dụ cụ thể như hiện tượng HS ngồi nhầm lớp ở trường tiểu học Lịch Hội Thượng A tỉnh Sóc Trăng và một số trường trên toàn quốc tôi dẫn chứng nhiều lần để GV “ngấm”, coi đây là việc phải làm.

Ngay đầu năm học nhà trường kiểm tra khảo sát phân loại học lực của học sinh trung thực, chính xác. Để khắc phục tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp nếu chỉ từ phía thầy cô, nhà trường thực hiện thì chưa đủ. Cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Hội phụ huynh học sinh cần tích cực vào cuộc và đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tận gốc tình trạng này. Vì vậy, sau khi đã đánh giá thực chất và có được danh sách học sinh yếu kém, nhà trường đã  tổ chức cuộc họp, trao đổi, bàn bạc giữa ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh những học sinh có học lực yếu kém để có biện pháp phối hợp, theo dõi, đôn đốc, giúp học sinh tiến bộ. Động viên họ đưa số học sinh này vào các lớp học phụ đạo nhằm bù đắp lại lượng kiến thức mà học sinh bị hổng.

“hổng đâu bù đấy”

Với phương châm “hổng đâu bù đấy”, sau một học kỳ nhiều HS đã tiến bộ trả về đúng vị trí các em đang học. Có nhiều phụ huynh rất phấn khởi coi như nhà trường đã tháo gỡ cho họ một vướng mắc mà bấy lâu nay họ không biết làm thế nào vì có những phụ huynh muốn con em mình lưu ban cũng vần “bị lên lớp”, một số phụ huynh đã đến cảm ơn thầy hiệu trưởng.

Đối với giáo viên, tôi yêu cầu cần tăng cường đi sâu, đi sát từng đối tượng học sinh học lực yếu kém, tìm ra nguyên nhân để có giải pháp cải thiện tình hình đối với từng đối tượng cụ thể.

Bởi trong số những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh có học lực yếu kém có không ít nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố khách quan tác động: hoàn cảnh gia đình, môi trường sống…

Cuối mỗi học kỳ nhà trường kiểm định 100% số học sinh, coi và chấm chéo nghiêm túc, hiệu trưởng thường xuyên trao đổi và nắm tình hình, sự tiến bộ của từng HS yếu.

Những HS phải thi lại và rèn luyện trong hè, nhà trường động viên họ tích cực cùng GV bồi dưỡng đồng thời cũng phân tích tác hại của việc ngồi nhầm lớp ảnh hưởng như thế nào với HS trong tương lai nên họ nhiệt tình ủng hộ.

Cũng có phụ huynh ngại cho HS lưu ban vì họ ngại với mọi người và tốn kém tiền bạc nhưng trước những phân tích tác hại như vậy họ vui vẻ thậm chí có những phụ huynh xin cho con ở lại lớp.

Cuối hè sau khi thi lại toàn trường có 7 HS lưu ban. Việc 7 HS lưu ban này như một luồng gió mới thổi vào sự nhận thức GV đó là không có bệnh thành tích trong đánh giá HS và phụ huynh phải xác định rằng nếu học sinh không đạt chuẩn thì phải ở lại lớp là đương nhiên. Và cách làm như vây tiếp tục được duy trì, đến cuối năm học 2018-2019 có 5 HS lưu ban.

Năm học 2019-2020 sắp kết thúc, năm học này do dịch bệnh học sinh phải nghỉ nhiều, nội dung chương trình đã được giảm tải. Khi học sinh đi học trở lại nhà trường đã tích cực ôn tập và phụ đạo cho học sinh để các em không bị hổng kiến thức.

Song phải đánh giá đúng trình độ và năng lực của từng học sinh để cho lên lớp một cách chính xác đó là quan điểm của trương. Với tình hình học sinh thực tế chắc chắn rằng sẽ có môt số HS lưu ban.

Hiện tượng học sinh không đạt chuẩn lên lớp đã xuất hiện từ lâu, mặc dầu vậy, đây là một hiện tượng cần phải chấm dứt càng sớm càng tốt.

Chỉ khi bệnh thành tích được ngăn chặn cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của ngành giáo dục, sự quyết tâm đồng lòng tất cả vì học sinh của từng cơ sở giáo dục, từng thầy giáo, cô giáo, sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” mới có hi vọng bị đẩy lùi.

Nếu để việc “ngồi nhầm lớp” ngày hôm nay có thể sẽ là tiền đề dẫn tới tình trạng “ngồi nhầm chỗ” trong tương lai.

 Nguyễn Hồng Cẩm, Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng - Yên Khánh- Ninh Bình