Gặp lại “người thầy da cam” với tình yêu cổ tích

(Dân trí) - Không chỉ là tấm gương về nghị lực vươn lên vượt qua số phận của một người nhiễm chất độc da cam, thầy giáo Đào Thanh Hương còn là một nhân cách sống cao đẹp được nhiều thế hệ học trò mến yêu.

Sau 3 năm báo Dân trí đăng bài viết “Cảm động tình yêu cổ tích của người thầy da cam”, chúng tôi mới có dịp gặp lại “thầy giáo da cam” Đào Thanh Hương - giáo viên trường THCS xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Năm tháng trôi đi, thầy Hương ngày nào không thay đổi nhiều so với lần gặp trước. Những bước chân tập tễnh của anh vẫn ngày ngày đi trên con đường làng đến trường dạy chữ cho các em học sinh vùng biển nghèo.

Thầy giáo Đào Thanh Hương cùng vợ và hai người con trai trong tổ ấm của gia đình
Thầy giáo Đào Thanh Hương cùng vợ và hai người con trai trong tổ ấm của gia đình

Gặp lại cùng trò chuyện, ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ trong đời của người thầy da cam, chúng tôi càng hiểu ra rằng hạnh phúc nhất đối với anh giờ đây không chỉ đã “chèo đò” chở biết bao thế hệ học trò trên con đường chinh phục tri thức. Mà với anh, cuộc sống hiện tại làm anh yêu đời yêu nghề hơn gấp nhiều lần khi có một gia đình hạnh phúc, nhiều người phải mong ước.

Giờ đây, ngoài niềm vui đến lớp dạy chữ cho học sinh mỗi ngày thì hạnh phúc, tình yêu trong gia đình đã làm cho thầy Hương ngày càng trẻ lại và thêm yêu cuộc sống. Trong căn nhà nhỏ của anh luôn đầy ắp những tiếng cười vui. Anh tự hào vì có một người vợ đảm đang, tháo vát, thương yêu chồng con, hai cậu con trai kháu khỉnh, thông minh, chăm ngoan, học giỏi làm anh quên đi "nỗi đau da cam" mà số phận dành đã cho mình.

Rót ly trà mời khách, thầy Hương cùng tôi nhớ lại những tháng ngày “tuổi thơ dữ dội” của mình với muôn vàn khó khăn chiến đấu với nỗi đau quái ác mang tên da cam. “Bị nhiễm da cam không phải là định mệnh hay nỗi đau mà là số phận bắt mình phải thế. Ai cũng muốn mình sinh ra được bình thường nhưng mỗi người lại có riêng một số phận. Tôi có số phận đặc biệt không giống với mọi người. Nhưng tôi luôn tự hào vì mình có người cha đã hy sinh máu thịt cho tổ quốc. Nhiễm chất độc da cam là trở ngại nhưng cũng từ đó mà mình vươn lên trong cuộc sống” - thầy Hương chia sẻ.

Người vợ đảm đang cùng tên Hương là chỗ dựa vững chắc để thầy Hương vượt qua những khó khăn trong cuộc sống
Người vợ đảm đang cùng tên Hương là chỗ dựa vững chắc để thầy Hương vượt qua những khó khăn trong cuộc sống

Bố của thầy Hương đã có những năm tháng chiến đấu kiên cường ở chiến trường Quảng Trị năm xưa. Ông không may bị nhiễm phải chất độc quái ác của quân đội Mỹ. Khi lập gia đình với cô giáo làng, sau 5 năm chờ đợi hai người mới có tin mừng về đứa con trai đầu lòng. Trớ trêu thay, người con đó khi sinh ra không có đôi bàn chân, cánh tay trái thì không có bàn. Cậu bé “khác người” Đào Thanh Hương đã bị mọi người kỳ thị và xa lánh vì chẳng giống ai.

Thấy con như vậy, mẹ Hương như đứt từng khúc ruột, chồng ở chiến trường nên bà càng trở nên cô độc hơn khi chẳng biết tỏ lòng cùng ai. Nhiều người thấy cậu bé Hương như vậy đến khuyên bà bỏ đứa con “người không ra người” ấy đi. Nhưng bà nhất quyết giữ con lại để nuôi cho khôn lớn nên người.

“Mẹ kể, ngày bố được nghỉ phép về quê thăm con, mới xuống xe ở thị trấn cách nhà gần 20km ông nghe được tin con trai mình sinh ra bị dị tật do nhiễm chất độc da cam. Ông đau buồn lê những bước chân nặng trĩu, đi từ chiều đến khuya mới tới nhà. Về đến nhà lúc giữa đêm, bố không dám vào nhìn mặt đứa con trai đầu lòng. Ông ngồi ngoài hè suy nghĩ, khổ đau tâm can đến sáng hôm sau thì tóc trên đầu bạc trắng” - thầy Hương kể.

Thầy Hương luôn nỗ lực để có những kiến thức mới truyền đạt cho các em học sinh
Thầy Hương luôn nỗ lực để có những kiến thức mới truyền đạt cho các em học sinh

Người ngoài kỳ thị con bao nhiêu thì bố mẹ Hương lại thương con nhiều bấy nhiêu. Hương lớn lên trong tình thương của gia đình nhỏ gần chân sóng. Nhớ lại “tuổi thơ dữ dội” của mình, Hương nhớ nhất là lúc chập chững bước đi, rồi khi bắt đầu cắp sách đến trường. Đôi chân không có bàn chân đã khiến anh như chết đi sống lại nhiều lần. Để đứng được trên đôi chân tật nguyền đó, anh phải mất nhiều ngày đau buốt cho dù có mẹ dìu dắt. Những ngày đến trường, nhiều hôm đôi chân anh loang lổ máu vì sỏi đá trên con đường làng găm vào, nhưng điều đó đã không ngăn được sự ham học và lòng quyết tâm của anh.

Ngày vào trường cấp 3, Hương phải vượt qua quãng đường gần 10km, nếu không đi được xe đạp đồng nghĩa với việc việc học của anh sẽ phải chấm dứt vì không có ai đưa đến trường. Không bỏ cuộc, ngày ngày Hương gắng tập xe đạp, dù nhiều lần ngã đau anh vẫn không nản trí để đến khi đi được trên chiếc xe đạp anh mừng khôn siết. Ba năm học cấp 3, Hương luôn là học sinh giỏi của trường, được thầy cô và bạn bè quý mến. Sau đó anh đã thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (nay là Trường ĐH Hồng Đức) với số khá điểm cao.

Ngày nhập học cao đẳng, niềm vui đến ngôi trường mới để thực hiện ước mơ trở thành một thầy giáo chưa tày gang, Hương phải nhận một tin sốc, môi trường sư phạm bấy giờ không nhận những người khiếm khuyết. Hương tuyệt vọng lang thang khắp phố chẳng biết mình sẽ đi đâu về đâu. Bầu trời trước anh như đổ sập toàn một màu đen tối. Cuộc đời đã quá bất công với anh, thêm một lần nữa không muốn anh tồn tại trên cõi đời.

Sau những giờ lên lớp, thầy Hương dành thời gian để dạy dỗ bảo ban con trai lớn học tập
Sau những giờ lên lớp, thầy Hương dành thời gian để dạy dỗ bảo ban con trai lớn học tập

Nghĩ rồi, Hương nhất quyết không chịu bỏ cuộc, ngay đêm hôm đó anh đã ngồi viết bức tâm thư gửi lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng như Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Hương mong muốn xin được vào học để thỏa mãn ước mơ ngồi trên ghế giảng đường dù chỉ là một nửa quá trình học. Ngờ đâu, bức tâm thư của anh đã làm lay động những người quản lý giáo dục có tâm huyết. Sau đó, anh chính thức trở thành sinh viên của ngôi trường sư phạm.

Hai năm đầu theo học, Hương nỗ lực vươn lên và luôn đứng đầu lớp để giành những học bổng có giá trị. Kết thúc học kỳ lý thuyết anh tiếp tục được đồng ý cho theo học hết khóa rồi tốt nghiệp sư phạm với tấm bằng loại ưu. Anh được giữ lại trường, bên cạnh đó Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng tiếp nhận anh để phục vụ công tác dạy học. Anh đã chọn về trường THCS quê mình dạy học để được gần mẹ và gia đình, đồng thời cũng mong được cống hiến những gì đã được học để truyền đạt lại cho trẻ em quê hương.

Tưởng rằng từ đó đau khổ không còn theo chàng trai da cam cố “số khổ” Đào Thanh Hương nữa nhưng ngờ đâu, khi anh về dạy học tại quê nhà chưa được bao lâu thì mẹ anh - người truyền cảm hứng cho anh theo nghề giáo đã đột ngột qua đời. Mơ ước được nhận tháng lương đầu tiên về mua quà tặng mẹ của anh bị tan biến bằng nỗi đau nghiệt ngã. Mất người mẹ yêu quý, Hương chỉ viết vùi đầu vào công việc để quên đi nỗi đau. Những năm đầu dạy học anh luôn đạt những thành tích cao và là một trong những giáo viên giỏi của nhà trường, của huyện, của tỉnh.

Ngoài là một thầy giáo giỏi, thầy Hương còn là người chồng đảm đang giúp đỡ vợ con trong những công việc nhà
Ngoài là một thầy giáo giỏi, thầy Hương còn là người chồng đảm đang giúp đỡ vợ con trong những công việc nhà

Cũng chính từ những ngày tập tễnh từng bước chân đến trường dạy học, thầy giáo Hương da cam đã có được tình yêu mới với một cô sinh viện thực tập cùng tên, sau này về dạy cùng trường. Hai người đã có tình cảm với nhau, vượt qua sự ngăn cấm của gia đình, sự kỳ thị của mọi người và cả những khó khăn trong cuộc sống để đến với nhau, họ trở thành một gia đình. Hạnh phúc của họ đã đâm hoa kết trái khi hai cậu con trai ngoan hiền lần lượt ra đời.

Gần 20 năm theo nghiệp trồng người, giờ đây niềm vui mỗi ngày của "thầy giáo da cam" Đào Thanh Hương là được đến trường truyền cho học sinh quê hương những bài học trân trọng, quý giá nhất. Sau mỗi giờ lên lớp, anh lại trở về tổ ấm yêu thương của mình nơi có người vợ yêu quý và hai người con trai ngoan hiền là niềm hạnh phúc đơn sơ và niềm vui bất tận.

Bùi Thái Bá