Gập ghềnh đường đến trường của tân sinh viên thiếu cha, mẹ tàn tật

(Dân trí) - Sinh ra không biết cha mình là ai, Nguyễn Công Anh lớn lên trong tình yêu thương, bao bọc của ông bà ngoại và người mẹ tàn tật. Vượt qua nghịch cảnh, Công Anh giành được nhiều thành tích trong học tập và vừa trở thành sinh viên đại học. Dù đã hoàn tất thủ tục nhập học nhưng trong lòng cậu học trò này trăm mối tơ vò bởi gia cảnh quá nghèo khó...

Gập ghềnh đường đến trường của tân sinh viên Nguyễn Công Anh

Ngôi nhà của mẹ con chị Nguyễn Thị Hoài Thanh (SN 1966, trú xóm 2A, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cũ kỹ, nằm lọt thỏm giữa xóm. Mấy hôm nay Nguyễn Công Anh lo hoàn tất thủ tục nhập học vào Trường ĐH Vinh, chị Thanh tranh thủ đi bế con cho một gia đình trong xóm.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Nguyễn Công Anh (SN 2000, cựu học sinh Trường THPT Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đạt 22,65 điểm khối D1 (Văn 9,25 điểm, tiếng Anh 7 điểm, Toán 6,4 điểm).

Với số điểm này, em đủ để đậu vào khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Kinh tế Quốc dân - ngôi trường mà em từng mơ ước. Nhưng cuối cùng, sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, Công Anh quyết định nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vào khoa CNTT Trường ĐH Vinh.

Vượt qua nghịch cảnh, Nguyễn Công Anh trở thành tân sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Vinh
Vượt qua nghịch cảnh, Nguyễn Công Anh trở thành tân sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Vinh

“Với hoàn cảnh gia đình em hiện tại, đi học xa nhà là cả một vấn đề. Học phí hay chi phí ăn ở, sinh hoạt em có thể đi làm thêm để xoay sở nhưng mẹ bệnh tật, ở nhà một mình em không yên tâm. Em ở xa, nhỡ mẹ có trắc trở gì mà không về kịp thì ân hận cả đời. Em chỉ có một mình mẹ…”, chàng trai trẻ nghẹn lại.

Sinh ra Công Anh không biết bố mình là ai, em cũng không dám hỏi mẹ. Mẹ em, người phụ nữ lỡ thì, lại có vấn đề về thần kinh, tay bị tật, không có khả năng lao động. Trước đây hai mẹ con nương nhờ ông bà ngoại. Ông bà lần lượt qua đời, hai mẹ con bấu víu vào nhau để sống.

Di chứng của một vụ tai nạn hồi nhỏ không được chữa trị đúng cách đã khiến cho cánh tay trái của Công Anh bị lệch khớp, không thể làm được việc nặng. Vậy nhưng em vẫn cáng đáng hai sào rưỡi ruộng lúa - nguồn sống của hai mẹ con.

“Mẹ đi bế em cho nhà chú trong xóm. Sức khỏe mẹ như thế nên cũng chỉ phụ giúp gia đình chú thôi, đổi lại chú trả tiền điện hay thỉnh thoảng mua đồ ăn cho hai mẹ con. Trước nay, hai mẹ con em chủ yếu sống bằng tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người tàn tật của mẹ, sự bao bọc giúp đỡ của bà con lối xóm, thầy cô giáo và bạn bè”, Công Anh cho biết.

Chị Thanh - mẹ của Công Anh không có khả năng lao động. Đến chiếc giường hai mẹ con nằm ngủ cũng phải vá víu, có thể đổ sập bất cứ lúc nào nhưng cũng không có điều kiện để thay
Chị Thanh - mẹ của Công Anh không có khả năng lao động. Đến chiếc giường hai mẹ con nằm ngủ cũng phải vá víu, có thể đổ sập bất cứ lúc nào nhưng cũng không có điều kiện để thay

Vượt lên nghịch cảnh, Công Anh quyết chí học tập, 12 năm liền là học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 9 em đoạt giải Ba hai môn Toán và Vật lí kỳ thi Học sinh giỏi huyện và góp mặt trong đội tuyển ôn luyện học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý của huyện. Năm lớp 11, Công Anh đoạt giải Nhì Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lí. Không chỉ học giỏi, em còn năng nổ trong các hoạt động phong trào của trường, lớp và được kết nạp Đảng khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Em Nguyễn Công Anh - xóm 2A, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Số điện thoại: 0121 91 66 861

Với 22,65 điểm khối D1, Công Anh có thể xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).

Nhưng rồi đắn đo suy nghĩ, em quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Vinh. Học gần nhà, chi phí sinh hoạt cũng giảm đi đáng kể. Đặc biệt là em có thời gian để chăm sóc người mẹ tàn tật của mình.

Thông báo của trường gửi về em cần đóng 8 triệu đồng nhập học. 8 triệu đồng là con số quá lớn đối với gia đình lo ăn từng bữa như hai mẹ con em. Chị Thanh - mẹ Công nói: “Biết tin cháu đỗ đại học, tôi vừa mừng, vừa lo. Công Anh là đứa sớm biết suy nghĩ, nó sợ tôi vất vả nhưng tôi động viên con cứ nhập học, thiếu thốn đến đâu mẹ con ta vay mượn đến đó, cần thiết thì cắm bìa đất cho con đi học sau này kiếm được cái nghề, trả nợ sau cũng được”.

Với cánh tay trái bị lệch khớp, không thể làm được việc nặng cộng với gia cảnh nghèo khó, đường đến giảng đường của cậu tân sinh viên hết sức gập ghềnh, khó khăn
Với cánh tay trái bị lệch khớp, không thể làm được việc nặng cộng với gia cảnh nghèo khó, đường đến giảng đường của cậu tân sinh viên hết sức gập ghềnh, khó khăn

Thương cậu học trò nghèo, Ban giám hiệu Trường THPT Thái Lão, cô giáo chủ nhiệm… đã đến nhà động viên, vận động kêu gọi hỗ trợ cho em. Một cán bộ xã cho em mượn xe máy để rút ngắn quãng đường hơn 10 cây số từ nhà đến trường. Được mọi người tiếp sức, Công Anh vừa lo hoàn thiện hồ sơ thủ tục, vừa lo tìm việc làm thêm để trang trải được phần nào chi phí cho những ngày tiếp theo.

“Hiện em đã xin được làm nhân viên chạy bàn cho một quán cà phê ở Vinh nhưng em xin chị chủ thư thả cho em thời gian để sắp xếp lịch học cho phù hợp. Khó khăn mấy em cũng có thể vượt qua để sự học của mình không phải đứt gánh giữa đường”, Công Anh quả quyết.

Với sự giúp đỡ của nhiều người, hiện Nguyễn Công Anh đã hoàn thành khoản đóng góp khi nhập trường nhưng chặng đường phía trước của em còn rất chông gai…

Hoàng Lam

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn