Dựng lều học chữ

(Dân trí) - Nhiều nơi, giáo viên “cắm bản” phải đến từng nhà vận động trẻ em vùng cao đến trường. Nhưng ở Hướng Hóa (Quảng Trị), hàng chục học sinh nghèo người Vân Kiều, Pa Kô đã khăn gói xa nhà dựng lều tranh ngay cạnh trường để học.

Những “căn lều học”

Xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) cách thành phố Đông Hà 100 km, là một xã nghèo miền ngược. Ở đó, có những cô cậu học trò nghèo dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đang dựng lều để tìm cái chữ.

Đến Hướng Phùng vào buổi trưa, những căn lều nhỏ của các em đang bị gió nam đánh tung rần rật. Mái lều phủ bạt vẫn đủ để cái nắng xuyên qua, nóng nực. Những căn lều trọ học rộng chưa đầy chừng 10m2, và trong đó thường thì có từ 3 đến 5 em ở chung, chủ yếu là anh em, họ hàng với nhau.
 
Dựng lều học chữ - 1

Một "căn lều học" gần trường THPT Hướng Phùng.

Căn lều đầu tiên chúng tôi đến được thưng bằng bạt, mái lợp sơ sài bằng vài tấm tôn mỏng như lá lúa. Trong đó có 3 em học sinh đang ngồi túm tụm ăn cơm trưa với độc nhất một món ốc luộc. Em Hồ Văn Đinh, ở bản Xa Đưng, xã Hướng Việt, học sinh lớp 12B2 cho biết: “Nhà em cách trường gần cả ngày đường đi bộ nên tụi em phải làm lán để ở lại trọ học. Nhà chúng em ai cũng nghèo nên sống khổ lắm chị à”.

Nhà có 7 anh em nên bố mẹ không trợ giúp gì nhiều được cho em ngoài một ít gạo. Do vậy ngoài giờ học Đinh cùng các bạn lại đi bắt ốc, bẻ măng về để cải thiện bữa ăn. Ngoài ra các em còn đi làm thêm như đào hố cà phê, hoặc tới thời vụ thì đi hái cà phê thuê cho dân.
 
Dựng lều học chữ - 2

Bữa ăn của các em chỉ có cơm trắng và ốc luộc.

Ở đây có rất nhiều căn lều được dựng lên như vậy, cũng có một số em may mắn hơn là được người dân cho ở tạm ngay bên hiên nhà. Em Hồ Thị Phể ở xã Hướng Việt, học lớp 12B2 cho biết, những năm trước em cũng làm lều ở tạm như các bạn, nhưng năm nay em được người dân cho ở bên hông nhà, như vậy là may mắn lắm rồi.

“Nhà em ở tận bản Cù Bai, xã Hướng Lập nên đi lại rất khó khăn, thường thì từ 1 đến 2 tháng chúng em mới về nhà được 1 lần. Mỗi khi về nhà em được bố mẹ cho 100 ngàn đồng và vài chục lon gạo rồi lại quay về trường. Như thế là sướng lắm rồi chị ạ, có một số bạn còn khổ hơn tụi em nhiều”. Em Hồ Văn Đan, học lớp 11B1 tâm sự.

Ngay trước trường THPT Hướng Phùng có 5 phòng trọ của người dân xây dựng lên cho các em thuê, nhưng với giá phòng 600 ngàn đồng/3 em quá lớn so với thu nhập của bố mẹ nên các em chỉ biết mượn tạm đất của người dân hay dựng quanh rẫy, suối những căn lều tạm bợ để làm chốn ăn học.

Sống khổ vì tương lai

Thầy Hồ Văn An, Chủ tịch công đoàn Phòng giáo dục huyện Hướng Hóa cho biết: "Hiện tại trên địa bàn huyện Hướng Hóa, không chỉ riêng đối với học sinh mà giáo viên đứng lớp cũng thiếu rất nhiều nhà ở. Hàng năm tỉ lệ bỏ học của các em học sinh THPT chiếm hơn 20%, do trường xa, điều kiện kinh tế, ăn ở quá khó khăn".

Theo chân các em đến những căn lều tạm bợ như thế chúng tôi mới hiểu được phần nào những ước mơ và khát vọng của các em. Trong những căn lều tạm bợ ấy là vài ba bộ áo quần cũ kỹ, 2 cái nồi nhỏ để phục vụ ăn uống, và một ít sách vở của các em. Mùa mưa đến, em nào may mắn thì còn có cái chăn mà đắp, còn không thì phải đốt lửa cả đêm để sưởi ấm.

Dù vất vả và đói rét nhưng các em không vì thế mà bỏ học, quyết tâm bám trụ để học cái chữ. “Nghèo thì nghèo nhưng tụi em thương nhau lắm, cùng bảo ban nhau học hành và quyết tâm theo học cái chữ chị ạ”, em Xa Lộ học lớp 12B2 khẳng định.

Hầu như đối với tất cả các em ở đây, được đến lớp như thế này đã là cả một may mắn, các em đều có một nguyện vọng duy nhất là sau này có thể về bản mình ở để dạy lại cho các em trong bản biết cái chữ mà không phải đi dựng lều ở tạm nữa.
 
Dựng lều học chữ - 3

Mơ ước của các em là được trở thành giáo viên về bản dạy cho các cháu nhỏ.

“Cuộc sống ở bản mình nhiều nhà vẫn còn thiếu cái ăn, vì thế lũ trẻ phải theo cha mẹ lên nương để trồng lúa, chặt cây rồi. Mình muốn trở thành cô giáo bày cho chúng học chữ, để biết cái mới, chuyện hay như mình, và bọn em chỉ muốn có những căn phòng bán trú cho học sinh để có thể yên tâm học hành tốt hơn”, đôi mắt Phể ánh lên niềm vui khi nói về những ước mơ của mình.

Và trong khi chờ những căn phòng bán trú cho học sinh, thì những cô cậu học sinh nghèo người Vân Kiều, Pa Kô vẫn ngày ngày sống trong những căn lều tạm bợ để tìm về với cái chữ.

Chiều xuống, cái lạnh ở vùng núi càng lan tỏa đậm hơn, nhưng ở đâu đó, trên lưng núi, dưới khe suối, hay ở các góc vườn, các cô cậu học trò người dân tộc vẫn đang miệt mài bên trang vở để nuôi những ước mơ tìm chữ cho tương lai.

Nguyễn Hương