Đừng lấy điểm số ra làm phần thưởng

Đến với các kỳ thi chọn HS giỏi là biện pháp giúp thầy cô giáo rèn luyện tay nghề, đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng HS đến một sân chơi bổ ích. Vì thế, nhà trường đừng quá nặng về thành tích

Đừng lấy điểm số ra làm phần thưởng - 1

Năm 1973, khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, thầy giáo của chúng tôi (bây giờ là một nhà thơ có tên tuổi cả nước) say sưa thuyết giảng về thắng lợi đó.

Kết thúc bài nói chuyện, thầy quyết định cộng cho bài luận của cả lớp, mỗi HS thêm 2 điểm (thang điểm 20) để... mừng chiến thắng. Cả lớp ai cũng thấy vui, mãi là kỷ niệm khó quên.

Nay báo chí đăng tin: Tại một trường THPT ở TPHCM cho các em trong đội tuyển HS của trường dự kỳ thi chọn HS giỏi cấp thành phố được hưởng toàn bộ điểm 10 tất cả các môn trong các bài kiểm tra 15 phút và 1 tiết.

Biết là sai, nhưng thầy hiệu trưởng trường ấy “vòng vo” cho quyết định của mình, giải thích của thầy xem ra chẳng thuyết phục được ai.

HS trong đội tuyển bồi dưỡng HS giỏi, các em phải dành nhiều thời gian cho việc học và ôn luyện. Vì thế, thời gian dành cho các môn học còn lại có bị giảm đi. Ở đây, đòi hỏi sự nỗ lực của HS, thi chọn HS giỏi – sân chơi của thử thách về trí tuệ, sáng tạo, kiên trì, vượt khó. Được công nhận HS giỏi có thể là mục tiêu, là động lực nhưng tuyệt nhiên đó không phải là cứu cánh. Không trang bị cho HS điều này dễ dẫn đến tình trạng các em HS trong đội tuyển sinh ra “chảnh chọe”, đòi hỏi, học lệch, tư tưởng ganh đua theo kiểu ăn thua...

Nhà trường, thầy cô quan tâm bằng nhiều cách thức. Động viên tinh thần các em, ôn tập riêng, có đánh giá – kiểm tra phù hợp, không tạo áp lực cho các em. Cùng với đó là những lời khen, những món quà “tuổi teen”... Quan tâm đến các em trong giờ lên lớp, hướng dẫn tự học ở nhà, sự giúp đỡ của bạn bè (học nhóm, chép bài giúp bạn, chia sẻ thông tin...).

Nếu được như thế, HS trong đội tuyển sẽ rất vui. Cảm xúc ấy mới là tích cực, sư phạm là thế! Không làm hoặc xem nhẹ những việc trên, chọn cách cho các em trong đội tuyển dự thi HS giỏi cấp thành phố điểm 10 là vô hình trung thầy cô chọn việc nhẹ nhàng, về lâu dài sẽ là thảm họa. Điểm 10 Lịch sử, điểm 10 Địa lý, điểm 10 Giáo dục công dân mà các em rỗng tuếch kiến thức - kỹ năng - thái độ thì sao? Những hành vi lệch chuẩn của HS hiện nay phải chăng có nguyên nhân từ việc nhẹ về dạy người cùng những biện pháp theo kiểu “mì ăn liền”, nặng nề về điểm số?

Đến với các kỳ thi chọn HS giỏi là biện pháp giúp thầy cô giáo rèn luyện tay nghề, đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng HS đến một sân chơi bổ ích. Vì thế, nhà trường đừng quá nặng về thành tích. Tất nhiên, một nhà trường có nhiều HS giỏi là hạnh phúc, nhưng phải là thực chất, kết quả của những nỗ lực theo mục tiêu dạy người, dạy chữ, tiếp cận nghề nghiệp. Hướng đến thành tích nhưng không vị thành tích.

Ngành GD–ĐT đã có những quy định chặt chẽ về điểm số. Là nhà giáo, ai cũng biết điểm số phản ánh quá trình dạy – học của thầy và trò, có tính sư phạm sâu sắc. Vì thế, nếu hiệu trưởng... “phóng tay” cho điểm 10 nhưng phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đâu rồi? Không lẽ tất cả cùng không thấy, hay do e ngại hiệu trưởng? Câu chuyện điểm 10 ở trường THPT nọ nếu nhìn xa hơn sẽ thấy nổi lên vấn đề môi trường làm việc trong nhà trường. Một nhà trường kỷ cương, thân thiện, nhân văn không thể xảy ra những chuyện như thế được.

Hãy thưởng HS bằng sự quan tâm, yêu thương thật lòng của người thầy và cùng với đó là hình thức khen thưởng theo đúng quy định của ngành. Thế mới là dạy học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Theo Nguyễn Hoàng Chương (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng)/ GD&TĐ