Bạn đọc viết:

Đừng là tấm gương mờ!

(Dân trí) - Đọc bài viết “Con trẻ rầu lòng về ý thức của người lớn” đăng trên báo Dân trí, tôi bỗng giật mình vì “nghịch lý” trong câu chữ. Lướt kỹ qua từng dòng tin, tôi dần ngộ ra nhiều điều. Và đọc đến đề xuất của cô bé Nguyễn Thanh Thúy Vy từ hồi năm 2014, tôi đã bật cười: Hãy mở các lớp học “dạy” ý thức cho người lớn.

Không phải là tất cả, nhưng có lẽ nên có các lớp học dành riêng cho các bậc phụ huynh luôn cho mình là người lớn nhưng đôi khi hành xử lại thua cả con trẻ. Và thay vì làm tấm gương sáng cho trẻ soi, một số người lại biến thành tấm gương mờ đáng tiếc.

Làm sai không biết nhận lỗi, khan hiếm cảnh người lớn nói lời xin lỗi và thậm chí là tìm cách đổ lỗi, chối tội. Đó là tình trạng thường gặp ở nhiều người trong vai cha chú, anh chị của trẻ. Việc em Trần Chí Kiên (lớp 2, Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội) bị ngã gãy chân trong sân trường từ tháng 12/2016 vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Lời tường trình của cậu bé cho biết bị một chiếc xe taxi chở cô hiệu trưởng đụng phải trong sân trường.

Với cương vị là một người hiệu trưởng, lẽ ra cô nên dũng cảm nhận trách nhiệm. Những lời xin lỗi thật lòng, sự đồng cảm, quan tâm, chăm sóc sẽ xoa dịu nỗi đau và hàn gắn mọi vết nứt của mâu thuẫn.

Điều đáng buồn là dư luận lại chứng kiến sự đùn đẩy trách nhiệm: khẳng định cháu bé bị ngã do nô đùa, phát phiếu khảo sát chứng minh nhà trường vô can, thay đổi ý kiến vì chợt nhớ ra có taxi đi vào trường… Những mâu thuẫn trong lời kể của cậu bé và lời khẳng định của cô hiệu trưởng dần hé mở...

Bỏ rác đúng nơi quy định là một việc làm tưởng dễ dàng lại hóa ra khó khăn với vô số người. Bởi thói quen vứt rác bừa bãi đã ăn sâu hay ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ngày càng kém? Thêm nhiều quy định về mức xử phạt hành vi xả rác bừa bãi được đưa ra một lần nữa phản ánh bản chất của vấn nạn.

Đáng ngạc nhiên là trẻ càng học lớp thấp càng nghe lời cô giáo dặn bỏ rác đúng nơi đúng chỗ. Nhưng càng lớn, các con càng xem nhẹ việc đó. Phải chăng môi trường sống lớn hơn, cái nhìn rộng hơn nên các con dễ dàng bắt gặp và học đòi theo hành vi xấu xí của người xung quanh? Và như một vòng tròn luẩn quẩn, thói quen xả rác bừa bãi lại diễn ra nhan nhản.

“Tiên học lễ” luôn là chân lý. Nhưng nhìn xem người lớn đã dạy những lễ nghĩa gì cho trẻ trong một mảng tối của bức tranh xã hội hiện đại. Một số người chẳng biết thưa gửi người lớn tuổi, ăn nói cộc lốc, trả lời nhát gừng và thêm vô số tiếng đệm, tiếng lóng phản cảm.

Cứ rượu vào lời ra là hùng hổ xông vào đánh nhau, bỏ mặc tình thân, bỏ qua tình làng nghĩa xóm và trẻ học được gì từ những vị cha chú ấy? Mới đây là hình ảnh một nhóm thanh niên côn đồ xông vào đánh đá dã man người thương binh hạng 2/4, mất sức khỏe 61%, một chân giả và đã 62 tuổi. Không còn lời nào để diễn tả hành động mất nhân tính và sự manh động của nhóm người hành hung ấy.

Tạm thời gác lại những cống hiến suốt một thời tuổi trẻ của người cựu chiến binh ấy cho Tổ quốc, chỉ cần hình ảnh một ông lão ốm yếu, thương tật, chạy xe ba gác hết lời van xin trong trận đòn cũng đủ làm ta phải nhói lòng và căm phẫn.

Sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là hình ảnh xấu xí của một bộ phận người Việt. Dư luận liên tục phẫn nộ với hàng loạt vụ đánh đấm mà người ra tay lại thuộc tầng lớp trí thức.

Giữa lúc cả xã hội vẫn đang đau đầu tìm phương thuốc hữu hiệu chữa trị căn bệnh bạo lực học đường thì những “tấm gương” mờ vô tình xuất hiện như càng trêu ngươi, thách thức. Trẻ học được gì từ những người cha, người chú thích đánh đấm để thể hiện sức mạnh, quyền uy? Lời răn dạy từ thầy cô, bố mẹ có đủ sức gieo mầm nhân ái trong tâm hồn con trẻ khi ngoài kia nhan nhản bạo lực, côn đồ?…

Mầm nhân cách cho thế hệ trẻ cần được vun xới, tưới tắm bằng những tấm gương sáng trong cách hành xử của người lớn. Đừng là tấm gương mờ dạy trẻ những bài học xấu xí, hỡi người lớn!

Ngọc Hùng