Đừng để Việt Nam mang tiếng "quốc gia nhiều tiến sĩ"

Đừng để Việt Nam “mang tiếng” dài lâu là một quốc gia nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại quá hiếm những công trình, sáng kiến tầm cỡ, chỉ giỏi “kiếm quyền, kiếm tiền”.

Thực tế, số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bản xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới đã được PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thừa nhận. 

Những rào cản không đáng có

Số 24.300 tiến sỹ mà báo chí vừa nêu có thể làm quan, làm chủ doanh nghiệp hoặc đang giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học nhưng hình như, công việc nghiên cứu khoa học đối với họ vẫn bị “xem nhẹ”, không phải là mục tiêu  đáng được quan tâm, đáng được ưu tiên nhất. Vì thế, các công trình khoa học, các bằng sáng chế tầm cỡ khu vực và thế giới thật khan hiếm, hầu như không có.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Nói đến nguyên nhân vì sao như vậy thì rất nhiều, chủ quan có, khách quan có. Nhưng cái nguyên nhân chủ yếu vẫn chính là cái cơ chế “sính” học vị, “nặng” bằng cấp khiến cho cả guồng máy xã hội, nhà nhà, người người mệt mỏi điên cuồng chạy theo cái “danh ảo”… bằng mọi giá, bằng mọi cách có thể. Để rồi từ đó, lại tiếp tục lao vào công cuộc “kiếm quyền, kiếm tiền” mà bỏ quên mất điều cốt lõi cần có của khoa học là niềm đam mê được duy trì liên tục trong công việc tìm tòi nghiên cứu chuyên môn.

Và những học vị “vinh quang” kia cùng thói quen “kiếm tiền, kiếm quyền” lâu ngày thành quán tính, từ đó mà đánh mất đi sự nhạy cảm vốn có của mình đối với các “hiện tượng” khoa học, con người khoa học cụ thể. Người làm khoa học, làm quản lý khoa học, song song với trách nhiệm chuyên môn cần phải có thái độ quan tâm, phát hiện, hướng dẫn, tạo điều kiện cho những “mầm đam mê” sáng chế, khoa học phát triển, ra hoa kết quả.

Hoặc vì những lý do nào đấy không thể giúp ích, tạo điều kiện cho “người ta” thì cũng không nên ngăn cấm, cản trở “người ta” làm khoa học với niềm đam mê nhiệt huyết thật sự của mình. Cho dù “người ta” chỉ là thợ cơ khí, thợ thủ công, hay là những nông dân chân lấm tay bùn…

Đất nước ta không thiếu những “hiện tượng” khoa học, không thiếu những con người đam mê sáng chế, đam mê khoa học thật thụ. Báo chí hàng ngày vẫn cần mẫn phát hiện ra những “hạt nhân” đầy khát khao ấy, nào là người sáng chế ra máy tuốt lúa, máy gặt, máy xay xát, sáng chế ra tàu ngầm, ra máy bay, ô tô, mô tô… Họ âm thầm hăng say làm điều mình yêu thích, vui buồn cùng với những lần thất bại hay thành công của chính bản thân mình.

Nhưng, sự lao động trong sáng đầy ý nghĩa ấy lại gặp những “rào cản” không đáng có từ những người, đáng lẽ ra chỉ phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà sáng chế ấy. Mới đây, câu chuyện anh thợ máy Nguyễn Văn Thắng, người đang tự nghiên cứu chế tạo máy bay trực thăng, đã có một cuộc làm việc với… công an.

Kết quả là anh Thắng phải ký vào một biên bản buộc anh phải dừng toàn bộ việc nghiên cứu, chế tạo máy bay trực thăng. Những cán bộ này còn yêu cầu anh Thắng dỡ bỏ động cơ khỏi máy bay, như vậy, ước mong sản xuất ra trực thăng “made in Việt Nam” của anh Thắng có thể đã tan tành mây khói?!

Ở Việt Nam không thể có thiên tài?

Cũng câu chuyện mới đây tương tự như vậy, tại nước Anh xa xôi, họ “ứng xử” hoàn toàn khác. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cậu bé Jamie Edwards luôn thử làm những bài tập về nhà của anh trai mình. Một ngày, khi đang tìm kiếm trên internet về bức xạ và năng lượng hạt nhân, cậu bé đã nhìn thấy lò phản ứng hạt nhân của nhà khoa học Taylor Wilson tạo ra khi mới 14 tuổi, và từ đó cậu bé nuôi mơ ước chế tạo một sản phẩm tương tự.

Báo chí kể lại rằng, ban đầu, Jamie tìm đến sự giúp đỡ từ nhiều phòng thí nghiệm hạt nhân và các khoa ở trường đại học nhưng thấy họ không nhiệt tình lắm, Jamie quyết định thuyết phục Hiệu trưởng Jim Hourigan của Học viện Penwortham. Và trường đã đồng ý cấp cho Jamie ngân sách 3.350 USD để cậu bé thực hiện dự án.

Từ tháng 10/2013, cậu bé Jamie đã bắt tay xây dựng các lò phản ứng hạt nhân trong một môi trường đã kiểm soát, và đến ngày 5/3/2014, em đã thành công khi khiến 02 nguyên tử hidro kết hợp với nhau để tạo thành Helium. Jamie Edwards trở thành người trẻ nhất trên thế giới chế tạo thành công lò phản ứng hạt nhận khi mới 13 tuổi. Nhà khoa học nhí cho biết: “Đây thực sự là một kỳ tích. Chính em cũng không thể tin được, thậm chí bạn bè nghĩ rằng em bị điên”.

Từ hai sự kiện trên, các nhà quản lý nước ta nói chung và những nhà quản lý khoa học nói riêng cũng cần phản xem xét thật nghiêm túc thái độ của mình trước những “hạt mầm” đam mê khoa học cụ thể và có những phương pháp ứng xử thích hợp tiến bộ hơn, thuận cả tình lẫn lý. Đừng để Việt Nam “mang tiếng” dài lâu là một quốc gia nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại quá hiếm những công trình, sáng kiến tầm cỡ, chỉ giỏi “kiếm quyền, kiếm tiền”.

Có ai đó từng nhận định “ở Việt Nam không thể có thiên tài”, hơi cực đoan nhưng không hẳn là không có lý. Hàng năm, sinh viên học sinh Việt Nam mang về không biết bao nhiêu là các loại huy chương quốc tế. Thế nhưng càng lớn thì những “ngôi sao sáng”đó càng “tối” hoặc “tắt hẳn” hoặc “rơi rụng” ở chân trời xa xôi nào đó.

Lịch sử khoa học cho thấy rằng các vĩ nhân, các nhà sáng chế thiên tài chưa hẳn đã là phải là giáo sư, tiến sĩ, nhưng 100% những người xuất chúng ấy đều có một niềm đam mê thật thụ và liên tục với lĩnh vực mà họ quan tâm.

Hãy khoan nói đến những điều to tát, điều cần làm ngay bây giờ đối với những nhà quản lý khoa học nước nhà là biết quan tâm đúng mực và có trách nhiệm đối với những “hiện tượng” cụ thể, những đối tượng đam mê sáng tạo cụ thể ở trong nước. Thậm chí, cần thiết cũng phải tạo điều kiện, lên tiếng bênh vực bảo vệ những suy tư trong sáng và đáng quý của những người được “đám đông” cho là “điên rồ” đó.

Nhà nước ta coi việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, khoa học và công nghệ đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN. Nhưng, nếu như những nhà quản lý không thay đổi nhận thức, vẫn cái kiểu “cấm cản” quen thuộc thường thấy và tư duy “mộc mạc, đơn sơ” về quan niệm bằng cấp thì rồi cái mục tiêu vĩ đại ấy cũng sẽ tiếp tục trở thành những “lời nói suông” không hơn không kém.

Theo Phước Minh
TuanVietNam