Đức: Nền giáo dục đi lên từ thất bại

(Dân trí) - Vào năm 2000, nền giáo dục Đức đã bị đánh giá là một trong những nền giáo dục kém ấn tượng nhất trong số những nước phát triển trong một chương trình kiểm tra quốc tế. Chính từ sự thất bại này đã giúp Đức không ngừng cải thiện hệ thống giáo dục cả về chất và lượng để tương xứng với vị thế trên trường quốc tế.

Đức: Nền giáo dục đi lên từ thất bại - 1

Theo tờ The Guardian của Anh, vào năm 2000, một chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) tiến hành đã chỉ ra các học sinh của Đức chỉ đạt điểm dưới trung bình trong các bộ môn toán học, đọc hiểu và khoa học. Bên cạnh đó, Đức cũng bị đánh giá là có nền giáo dục thiếu tương xứng nhất so với tiềm lực kinh tế trong tổng số 43 quốc gia tham gia chương trình.

Đây được cho là một đòn giáng mạnh vào chính phủ Đức nói chung và quan chức ngành giáo dục của nước này nói riêng. Chính từ những đánh giá tiêu cực này mà chỉ trong hơn một thập kỷ trở lại đây, Đức đã tiến hành những cải cách toàn diện và triệt để của nền giáo dục của mình.

Kết quả của những thay đổi trên đã được ghi nhận trong cuộc kiểm tra PISA tương tự vào năm 2012 khi Đức đã cải thiện đáng kể thứ hạng của mình trên bảng xếp hạng với vị trí thứ 16 trong toán học (trước đó là 20); 12 trong khoa học (trước đó là 20) và 19 trong đọc hiểu (trước đó là 21).

Bài phân tích trên tờ The Guardian đã chỉ ra những thay đổi chính khiến nền giáo dục Đức đạt được kết quả tích cực trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Thay đổi cấu trúc

Các quan chức của OECD đã chỉ ra rằng lý do đầu tiên giải mã cho thành công của Đức trong giáo dục chính là sự thay đổi về cấu trúc trong hệ thống trường cấp 2. Theo đó, hệ thống trường học cũ được chia ra làm 3 loại chính là Gymnasium (hay còn lại là trường khoa học: dành cho học sinh chuẩn bị tham gia giáo dục đại học và tiêu chí tuyển sinh dựa trên điểm số hoặc kết quả thi sát hạch); Hauptschule (trường cơ bản: loại trường ít hàn lâm nhất và thiên về chuẩn bị cho dạy nghề) Realschule (trường thực hành: có phạm vi học thuật rộng hơn và bắt đầu từ lớp 5 hoặc 6 đến hết lớp 10 hoặc 11 tùy từng bang).

Tuy nhiên, hệ thống này bị đánh giá là sẽ khiến các yếu tố kinh tế-xã hội ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh. Để cải thiện vấn đề này, chính phủ Đức đã tiến hảnh cải cách thông qua việc kéo dài độ tuổi bậc tiểu học để thuận tiện cho việc chọn trường trung học phù hợp cũng như kết hợp 2 loại trường cơ bản và trường thực hành và giới thiệu những trường kết hợp toàn diện hơn.

Chính phủ cũng cho đóng cửa các trường cơ bản, thường được cho là nơi dành cho những học sinh có triển vọng kém, nhằm tạo ra một môi trường học tập tốt và cân bằng hơn.

Tăng cường hỗ trợ cho người nhập cư

Ông Miyako Ikeda, nhà phân tích cấp cao của chương trình PISA đánh giá chính nhờ những kế hoạch hỗ trợ của chính phủ Đức đối với người di cư đã khiến kết quả về môn đọc hiểu và toán học của nước này được cải thiện đáng kể.

Theo ông Ikeda, trong chương trình kiểm tra vào năm 2000, chính những học sinh là con em của các gia đình nhập cư là một trong những nguyên nhân chính khiến thứ hạng của Đức bị đánh giá thấp. Những học sinh này thường được đưa tới cac trường cơ bản do vốn tiếng Đức nghèo nàn. Tuy nhiên nhờ sự thay đổi trong cấu trúc trường cũng như các chính sách của chính phủ khuyến khích các gia đình nhập cư đưa con em đi học từ cấp độ mầm non đã giúp phần lớn những học sinh nhập cư hòa nhập và phát triển về ngôn ngữ tốt hơn.

Đồng bộ hệ thống giáo dục

Theo đó, chính phủ Đức đã thực hiện việc đồng bộ giáo án chuẩn được giảng dạy trong nhà trường đồng thời tiến hành các kỳ thi quốc gia nhằm giúp các bài học và việc giảng dạy tập trung hơn. Nhờ thay đổi này mà nền giáo dục Đức trở nên đồng bộ hơn trong đó tập trung vào việc giao tiếp và làm việc theo nhóm.

Thay đổi triết lý giáo dục

Mặc dù các kỳ thi quốc gia đã được đưa vào chương trình giáo dục từ năm 2000 song kết quả của kỳ thi này lại không được công bố bên cạnh đó cũng không có bất cứ bảng xếp hạng nào dành cho các trường và học sinh. Chính vì thế mà mặc dù được đánh giá thông qua các kỳ thi song lại không quá đặt nặng vấn đề thành tích qua đó giúp giáo viên và học sinh tập trung vào quá trình học thay vì kết quả.

Ngoài ra, tại Đức, học sinh cũng được khuyến khích là chính mình trong quá trình học thay vì dập khuôn tư tưởng theo một mẫu có sẵn.

Trên đây là những lý do khiến nền giáo dục của Đức đạt được những bước tiến đáng ghi nhận trong suốt gần 1 thập kỷ qua. Mặc dù vẫn còn nhiều bất cập song hiện tại, chính phủ Đức vẫn đang nghiên cứu để tạo ra một hệ thống giáo dục hoàn thiện hơn nữa, nơi mà sẽ khuyến khích mỗi học sinh học tập hết mình để đi tới thành công.

Ninh Nhật (theo The Guardian)