Dự thảo chương trình phổ thông: Quá tham vọng!

(Dân trí) - Góp ý cho Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được công bố, một số chuyên gia giáo dục cho biết dự thảo quá tham vọng.

Không cẩn thận sẽ xáo trộn

Trao đổi với PV Dân trí vào sáng 14/4, GS.TSKH Ngô Việt Trung, Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Toán cho biết, nói về lý thuyết, mục tiêu của chương trình đưa ra rất tốt, chẳng hạn như dạy về năng lực, sáng tạo... Tuy nhiên, cần có sự phân bổ thời lượng sao cho khoa học. Nếu không làm cẩn thận, sẽ gây xáo trộn trong toàn xã hội bởi nó quyết định toàn bộ cấp học phổ thông, cấp học nền tảng của cả một đời người.

Về điều này, ông sẽ tập hợp các tài liệu để so sánh với một số nước cụ thể ở trên thế giới. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và nhận xét ban đầu, ông thấy dự thảo quá tham vọng, mang tính chất khẩu hiệu là chính.

“Nhiều người cho rằng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn còn nặng. Tuy nhiên, tôi thấy khối lượng chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện nay so với tiêu chuẩn của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Unesco vẫn còn ít.

Có điều vấn đề quan trọng là việc phân bổ khối lượng chưa hợp lý. Theo đó, thời lượng để đào tạo kiến thức ít đi. Cụ thể, có những môn tự học phải được lồng vào các môn chính khóa. Nếu muốn dạy cho học sinh kĩ năng tự học cần trải qua đào tạo kiến thức chứ không thể “đẻ” ra môn học riêng, gọi là “đào tạo năng lực” sáng tạo. Như thế này làm sao cụ thể hóa được, chưa nói đến việc giáo viên có đáp ứng được việc dạy trải nghiệm sáng tạo hay không?”, GS Trung khẳng định.

Những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh trong Chương trình phổ thông mới
Những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh trong Chương trình phổ thông mới

Cũng theo GS. Trung, sáng tạo đầu tiên là phải dạy cho học sinh biết tư duy, những cái đó có thể lồng vào kiến thức cơ sở. Ở chương trình phổ thông cũng thế, tại sao có thể dạy pháp luật kinh tế ở bậc học này trong khi có thể lồng vào các môn khác.

“Tôi nghĩ, chúng ta bị nhầm lẫn nhiều so với mục tiêu phát triển giáo dục. Có những cái phải làm hoạt động ngoại khóa thực sự. Tôi có xem chương trình ngoại khóa của Singapore. Tôi thấy họ có 4 hoạt động ngoại khóa. Trong đó có hoạt động ngoại khóa nghệ thuật, ngoại khóa đoàn thể, ngoại khóa thể chất... Họ yêu cầu học sinh phải tham gia một trong bốn ngoại khóa này. Trong khi chúng ta lại yêu cầu rất nhiều môn thế này. Tôi nghĩ rằng đây là tham vọng quá lớn, phi thực tế” - GS Trung nói.

Không giảm tải

TS Phan Thị Luyến, hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm, Hà Nội băn khoăn, việc cho phép học sinh lựa chọn môn học sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc chuẩn bị nhân sự khi chương trình đi vào thực tế. Mỗi năm học sinh sẽ đăng ký khác nhau. Năm nay học sinh sẽ đăng ký nhiều môn Sử - Địa nhưng năm sau đăng ký nhiều Lý - Hóa - Sinh. Vậy năm trước vừa tuyển thêm giáo viên các môn Sử - Địa, đến năm sau học sinh không đăng ký nữa thì làm thế nào?


Xem qua dự thảo thấy giảm tải chương trình nhưng xét kỹ thì không (ảnh minh họa)

"Xem qua dự thảo thấy giảm tải chương trình nhưng xét kỹ thì không" (ảnh minh họa)

Chia sẻ về điều này, ông Đào Tuấn Đạt, người phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cũng nhận định, điểm nổi trội nhất của chương trình là cho phép học sinh lựa chọn một số môn học. Ngoài ra, việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ giao cho cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, về bản chất, ông thấy không thay đổi, bởi những vấn đề "cốt tử" của giáo dục hiện nay chưa được chạm đến. Các khái niệm về môn học như tự chọn, bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa… rất rắc rối và khó hiểu. Không ai nghe một lần và đọc vài lần có thể hiểu được ngay; hiểu rồi cũng khó nhớ. Vấn đề đáng ra rất đơn giản mà thành phức tạp.

“Xem qua dự thảo thấy giảm tải chương trình nhưng xét kỹ thì không. Số tiết học của chương trình cũ và mới đều khoảng 30 tiết một tuần, vậy là như nhau. Học sinh lớp 11, 12 bị bắt buộc học tới 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Quốc phòng và 4 môn tự chọn nữa là 8 môn.

Số môn nhiều như vậy lại như cũ. Học sinh không lấy đâu sức lực và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp cả. Môn học nhiều không còn gọi là định hướng nữa, mà là định theo 8 hướng.

Nếu gọi đây là bản chất của chương trình mới, thực tế không có gì thay đổi cả. Theo tôi, hai năm lớp 11, 12 chỉ học từ 2-3 môn, còn lại là hoạt động giáo dục thực tế khác”, ông Đạt nói.

Mỹ Hà