Du học sinh làm sứ giả văn hóa

Chỉ cần giữ được những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, mỗi du học sinh đã trở thành một đại sứ văn hóa tốt nhất cho đất nước mình.

Có một thực tế đáng buồn đối với đa số du học sinh (DHS): Chỉ khi có sự va chạm với một nền văn hóa khác, các bạn mới ý thức tự hào dân tộc và cảm thấy thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc. 

Giữ đức tính đặc trưng của người Việt

Đúc kết chung của nhiều DHS Việt Nam ở các nước: Để quảng bá tốt nhất cho văn hóa nước mình, các bạn chỉ cần giữ vững được những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Bạn Nguyễn Thị Mai Quỳnh, cựu DHS Trường Queensland University of Technology (Úc), hiện đang làm việc cho một ngân hàng lớn tại TP.HCM, chia sẻ: “Giới thiệu văn hóa của Việt Nam với bạn bè thế giới thì dễ, quan trọng là có để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế về nền văn hóa của Việt Nam qua 4.000 năm mới khó. Chính vì vậy, để trở thành một “đại sứ văn hóa của Việt Nam” đúng nghĩa nhất thì bạn phải sống đúng với những nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam”.

Theo Mai Quỳnh giải thích: “Nói nét văn hóa truyền thống của Việt Nam thì có vẻ khá chung chung. Người Việt Nam hiền lành, chăm chỉ và đoàn kết nhưng không vì thế mà thiếu can đảm và lòng bất khuất. Thế nên chúng ta đã trải qua biết bao khó khăn trong xây dựng và bảo vệ đất nước nhưng vẫn đứng vững và đi lên. Chỉ cần DHS Việt Nam giữ được những đức tính đó trong cuộc sống và học tập nơi xứ người là đã góp phần quảng bá cho Việt Nam rồi”.

Nhiều du học sinh Việt Nam tích cực tham gia giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế
Nhiều du học sinh Việt Nam tích cực tham gia giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế.

“Các bạn hãy cố gắng hòa nhập nhưng không hòa tan” - đó là lời khuyên chung của nhiều DHS. Theo bạn Phạm Anh Tuấn, cựu DHS theo học chương trình Công nghệ vật liệu tại Nhật Bản: “Khi sang học ở Nhật Bản, tôi càng có cơ hội chứng kiến và cảm phục nghị lực sống mạnh mẽ của người Nhật. Vươn lên từ chiến tranh, sóng thần… nhưng họ luôn lạc quan và yêu đời. Tôi cũng mê kiếm đạo của Nhật nên cũng học say mê”.

Tuy nhiên, một lần thấy được niềm tự hào của một người bạn Nhật về đất nước của họ, Tuấn đã thay đổi hẳn quan niệm sống của mình. Tuấn kể: “Đất nước mình có những giá trị văn hóa còn hơn Nhật Bản rất nhiều. Mình là đất nước đã đánh thắng quân Mông Cổ ba lần - đội quân mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Rồi đến lượt mình thắng quân đội Mỹ. Đó là niềm tự hào mà không phải quốc gia nào cũng làm được”.

Với Nguyễn Quốc Huy - cựu SV Trường ĐH Quản trị Singapore (MDS) chia sẻ: “Có lần một người bạn Malaysia hỏi mình là người nước nào, trong suy nghĩ của mình lúc bấy giờ, mình trả lời mình là người Nhật Bản. Nhưng sau đó khi xem một chương trình truyền hình thực tế trên đài truyền hình Singapore, mình đã khóc rất nhiều vì mình đã không đủ can đảm, kể cả lòng tự tin dân tộc để nhận mình là người Việt Nam. Sau đó mình đã gọi điện thoại về ba mẹ và xin lỗi mình đã phủ nhận mình là người Việt Nam”.

Tự hào từ trang phục, món ăn…

Theo nhiều DHS, có nhiều cách để bản thân các bạn trở thành đại sứ văn hóa của Việt Nam nhưng quan trọng nhất, mình hãy tự hào mình là người Việt Nam. Bạn Phan Thị Thùy Hương - cựu SV Trường Le Cordon Bleu (Pháp) chia sẻ: “Mỗi dân tộc đều có một nét văn hóa ẩm thực khác nhau và người ta có quyền tự hào về nét văn hóa ẩm thực đó. Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản: Người Pháp tự hào về rượu champagne, người Hàn Quốc tự hào về món kim chi, còn người Việt Nam thì món phở là niềm tự hào. Tuy nhiên, nhiều DHS lại không dám quảng bá về món ăn này dù nhiều người bạn bản xứ lại rất thích”.

Cũng theo Thùy Hương: “Ngoài ẩm thực, chính cách ăn mặc của chúng ta cũng là một cách tốt nhất để quảng bá về nền văn hóa của dân tộc”. Hương cho biết: “Ngày qua đây học, tôi đã mang theo tà áo dài Việt Nam và mặc trong ngày đầu tiên nhập học. Các bạn SV người Pháp đã trầm trồ khen ngợi. Và cũng chính trong lần đầu tiên này, tôi đã gặp được một nửa của mình”.

Với Trịnh Thị Hồng Nhung - cựu SV Trường ĐH Ngoại ngữ Hankook (HUFS - Hàn Quốc) thì: “Mình rất thích món kim chi nhưng khi qua Hàn Quốc, thấy người ta giới thiệu về món này quá nên tự nhiên tôi lại muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế món dưa muối của Việt Nam. Thật sự, ở Việt Nam thì món này nhà nhà đều ăn, đều biết chế biến nhưng ở Hàn Quốc, tôi trở thành một “đầu bếp” thực thụ trong mắt bạn bè. Cũng thật tự nhiên, tôi cảm thấy rất tự hào trước họ rằng mình là người Việt Nam”.

Theo Pháp luật TPHCM