Đốt chứng chỉ du học: Dũng cảm hay gây... sốc?

(Dân trí) - “Tôi cho rằng, suy nghĩ của bạn trẻ ấy tốt và cũng là một cách để cảnh báo về việc: hãy học cho mình, không phải học vì bằng cấp. Tuy nhiên, phương thức thể hiện, về một mặt nào đó, chưa được chín chắn và có thể ... gây sốc”, một số chuyên gia giáo dục nhận xét về hành động đốt chứng chỉ du học của thanh niên đang gây sốt cộng đồng mạng.

GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng: “Suy nghĩ tốt nhưng cách làm chưa chín chắn”.

Tôi nghĩ công cuộc cải cách giáo dục phải có quá trình nhìn nhận, nắm bắt để thấy được và quyết định hành động. Còn với những việc làm trên đây, đó cũng là cách để thế hệ trẻ chứng minh: Mình sẽ làm được, không nhất thiết phải đi theo lối mòn cũ kĩ.

Theo tôi, nếu bạn trẻ đó đốt tấm chứng chỉ do mình học tập trong nước, thông điệp bạn ấy muốn đưa ra: Tấm bằng không tương xứng với cái mình đang hướng tới.

GS.TS Trần Hữu Nghị
GS.TS Trần Hữu Nghị

Còn nếu đốt tấm chứng chỉ đã có được ở nước ngoài, có thể thông điệp bạn muốn đưa ra: Ở cả những nước như thế, cũng không nhất thiết phải cần bằng mà cái cốt lõi là khả năng mình làm được gì trong cuộc sống, đóng góp được gì cho xã hội, đó mới là nền tảng cho thế hệ trẻ, rằng tôi có thể học khắp nơi, học mọi chỗ, mọi lúc để có được tiềm năng làm ra của cải vật chất, đóng góp xây dựng xã hội. Đấy là một trong những mục tiêu mà em ấy muốn hướng đến và cũng là mục tiêu mà các trường ở Việt Nam muốn vươn đến trong tương lai.

Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng suy nghĩ của bạn trẻ ấy tốt và cũng là một cách để cảnh báo về việc: hãy học cho mình, không phải học vì bằng cấp. Tuy nhiên, phương thức thể hiện, về một mặt nào đó, chưa được chín chắn lắm và có thể nhận xét là nó… gây sốc.

Thay vào đó, bạn trẻ ấy có nhiều cách để thể hiện thông điệp của mình. Hiện nay, cũng không ít người đang thể hiện điều này để ngành giáo dục chúng ta thấy được giữa bằng cấp và giữa thực tế ra sao. Mặt khác, cũng để xã hội và nhân dân thấy rằng, không phải chạy theo bằng cấp ấy có lợi cho nhà nước chúng ta mà quan trọng là khả năng thực tế của mỗi em khi học ở cấp nào, làm được điều gì.

Thực ra, bằng cấp là một trong những thước đo để đo mức độ hiểu biết của một người. Chúng ta rất tôn sư trọng đạo, tôn trọng những tiến sĩ khoa bảng ngày xưa khi thi hương, thi hội… để chọn được những người có tài. Hiện nay, chúng ta vẫn đi theo con đường này nếu thực sự người đó có tài. Tuy nhiên, tôi nghĩ làm thế nào để tấm bằng đó có ích trong cuộc sống mới quan trọng.

Việc đưa thứ mình đã có được từ một nền giáo dục tiên tiến để đốt và bày tỏ thông điệp thì theo cá nhân tôi, chưa thực sự ổn lắm, bạn trẻ ấy chỉ mới nhìn nhận ở một góc độ nào đó về giáo dục chứ chưa có cái nhìn toàn diện.

Th.S Lê Minh Công, Phó trưởng khoa, Khoa Tâm lý học,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: “Đó là hành động dũng cảm để nhận ra giá trị chân thật của bản thân”.

Tôi cho rằng, một chàng trai đã du học ở một nơi tiên tiến bằng chính năng lực của mình, chàng trai ấy ắt hẳn biết rất rõ mình làm gì. Hành vi xã hội của bạn ấy phải dựa trên một quá trình nhận thức xã hội lâu dài và sâu sắc, không còn bồng bột và trẻ con như khi cậu ấy mới chập chững vào đời là 15, 16 tuổi nữa. Do vậy, cá nhân tôi hoàn toàn chia sẻ và không có đánh giá gì về hành động của chàng cử nhân đốt chứng chỉ du học trên đây.

Xét trên khía cạnh nào đó, hành động của bạn trẻ này như một cuộc cách mạng trong bản thân mình. Đó là quá trình bạn ấy nhận ra, học hành, phấn đấu hay phát triển không thể chỉ dựa vào bằng cấp.

Do đó, hành động đó của bạn ấy,tôi cho rằng không phải là sai, là một hành động dũng cảm để nhận ra chân giá trị thật của bản thân mình. Xét ở góc cạnh xa hơn, hành động của bạn ấy cho nhiều sinh viên thấy rằng, việc chạy theo giá trị ảo là cái bằng cấp sẽ không còn phù hợp nữa. Giá trị thật chính là năng lực, kinh nghiệm và hiểu biết cũng như kỹ năng hành động của các bạn.

Th.S Lê Minh Công
Th.S Lê Minh Công

Với tư cách là nhà tuyển dụng, bản thân tôi cũng chỉ nhìn nhận bằng cấp như một điều kiện cần chứ chưa đủ để tuyển dụng một nhân sự. Xa hơn, chúng ta thấy nhiều người thành đạt và tạo dựng ra giá trị cho xã hội cũng bỏ dở đại học để đi theo niềm đam mê, ước mơ của cuộc đời mình.

Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng, trong một bối cảnh xa hội đa dạng và có nhiều bạn trẻ đang có nhận thức không tích cực về nhiều vấn đề của cuộc sống. Việc bạn đốt chứng chỉ du học và đưa lên mạng xã hội như một thông điệp, sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến một số bạn trẻ, dẫn tới một số hành vi không phù hợp. Vì thế, việc bạn có ít lời chia sẻ và giải thích rõ về hành động của mình trước khi thực hiện hành động này, ít nhiều đỡ gây hiểu lầm và tránh những tiêu cực không đáng có.

Ông Đặng Ngọc Toàn, Đại học Western- Úc: “Tấm bằng là kết quả cố gắng, thậm chí là hy sinh của nhiều người”

Nếu muốn đóng góp vào quá trình phát triển, điều đầu tiên là chúng ta cần có khả năng tham gia và thích nghi tốt với quá trình ấy. Việc học đại học được chứng minh, đó là cách tiếp cận tốt, giúp người học làm được điều đó. Trên thực tế, nhất là khi sự vận hành của quá trình phát triển đang chuyển mạnh từ nền kinh tế thủ công “old economy” sang nền kinh tế dựa vào công nghệ hay gọi là “new economy”, việc được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt giúp gia tăng khả năng cạnh tranh của mỗi cá nhân. Đặc biệt, nó sẽ tạo lập cơ hội tốt hơn cho người học để tự khám phá và phát triển xa hơn, nhất là trong lĩnh vực chuyên môn mình học.

Bill Gate trong lần quay lại trường Đại học mà trước đó ông đã bỏ ngang cũng khuyên sinh viên, đừng bắt chước ông bỏ học giữa chừng. Tôi nghĩ rằng, ông ấy hẳn đã nhận ra rằng con đường đại học vẫn giúp tạo lập cơ hội và nền tảng học thuật tốt hơn cho người học, điều mà nếu không đi qua cánh cửa đại học sẽ khó hơn rất nhiều cho người học để có được.

Ông Đặng Ngọc Toàn
Ông Đặng Ngọc Toàn

Xét ở khía cạnh khác, dù ở Việt Nam hay ở đâu, phần lớn người đi học đại học đều nhận được sự trợ giúp đáng kể dưới nhiều hình thức từ những người xung quanh như gia đình... Xét ở khía cạnh này, tấm bằng đại học mà chúng ta có được không phải là chỉ công sức và sở hữu của riêng chúng ta. Vì trên thực tế, nó là kết quả của sự cố gắng và thậm chí là hy sinh của nhiều người.

Do đó, việc đốt chỉ là một chứng chỉ đi chăng nữa, cũng là sự xúc phạm đến chính những người đã giúp chúng ta có được tấm bằng ấy, là thông điệp mạnh mẽ nhất chúng ta muốn gửi đến những người đã giúp mình rằng: quý vị đã làm một việc hết sức ngớ ngẩn và chính vì sự ngớ ngẩn ấy đã giết chết tương lai của tôi. Đáng ra tôi đã tốt hơn rất nhiều, nếu quý vị đã không làm điều đó với tôi. Vì thế, tôi phải đốt nó đi. Nó đang ngáng đường tôi.

Đọc lướt qua các bình luận của các cư dân mạng, tôi nhận thấy, phần lớn “ủng hộ” việc đốt chứng chỉ của “tác giả” với lý do chung rằng: tấm bằng đại học, nhất là ở Việt Nam, chỉ là tờ giấy loại và vì thế nó vô dụng. Tôi cho rằng chúng ta cần phân tích kỹ nguyên nhân hay động cơ đốt bằng là gì trước khi đi đến kết luận là có nên làm như vậy không. Nhiều cư dân dường như chỉ dựa trên các giả thuyết đơn lẻ và nhanh chóng đi đến các kết luận. Về logic, các giả thuyết không thể là kết luận. Hơn nữa, sự vội vàng trong kết luận như vậy không những sẽ tạo ra những tác động tiêu cực trong xã hội mà còn có thể huỷ hoại ước mơ của người khác, những người đang ấp ủ ước mơ bước vào cảnh cửa đại học.

Mỹ Hà (ghi)

(Email:myha@dantri.com.vn)