“Đối thủ lớn nhất trên mạng xã hội chính là bản thân chúng ta”

(Dân trí) - Đối thủ lớn nhất của mỗi người khi tham gia mạng xã hội không ai khác - mà chính là bản thân chúng ta. Vậy nên, đừng để mình trở thành nạn nhân của chính những thông tin mà mình viết, chia sẻ, bày tỏ trên mạng xã hội.

Đó là những ý kiến chia sẻ của các chuyên gia tại tọa đàm Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội do trường ĐH Mở TP.HCM phối hợp với báo Tiền phong tổ chức sáng ngày 29/10.

“Đối thủ lớn nhất trên mạng xã hội chính là bản thân chúng ta” - 1

PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM phát biểu tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM cho rằng việc tăng trưởng mạnh mẽ của xã hội đã thay đổi thói quen sống và hoạt động của nhiều đối tượng. Trong đó mạnh mẽ nhất vẫn là học sinh (HS) và sinh viên (SV), nhóm đối tượng có lượng người dùng cao nhất. Tuy nhiên, với một hình thái xã hội mới và rộng mở, mạng xã hội và cộng đồng người dùng trên “xã hội ảo” vẫn tồn tại những mặt trái khó lường khi cho phép họ thể hiện một số tính cách ẩn mà họ chưa thể bộc lộ ở cuộc sống thật.

“Đối thủ lớn nhất trên mạng xã hội chính là bản thân chúng ta” - 2

Đông đảo sinh viên quan tâm đến tọa đàm về văn hoá ứng xử trên mạng xã hội.

Những trường hợp tiêu cực khác đối với nhóm HS, SV là họ có thể có những hoạt động hay ngôn ngữ chưa phù hợp với độ tuổi, môi trường và đặc biệt đáng ngại khi đây là điều dưới chuẩn mực của đời sống thực. “Những hệ lụy của cuộc sống “ảo” lại có tác động rất thực đến cuộc sống, mỗi quan hệ và cảm xúc của nhóm HS, SV. Trên thực tế, những câu chuyện hay tình huống thương tâm đã xảy đến với mạng sống con người có thể được tìm thấy trên mặt báo hàng tháng, hàng tuần thậm chí hàng ngày; mà nguyên nhân sâu xa lại là những mâu thuẫn rất nhỏ trên mạng xã hội hoặc là những hiểu lầm”, ông Hà nói.

TS tâm lý Đào Lê Hòa An thì chỉ ra một thực tế rằng, có nhiều bạn trẻ đặt mục tiêu khi sử dụng mạng xã hội là “câu like, câu view”, từ đó dẫn đến những trào lưu trên mạng xã hội như: nói là làm, đủ like là cởi, đủ like là đốt... Nhiều trường hợp đã xảy ra như: đủ số lượng like sẽ tự đốt mình, đủ like sẽ đốt trường học...

“Đối thủ lớn nhất trên mạng xã hội chính là bản thân chúng ta” - 3

TS tâm lý Đào Lê Hoà An chỉ ra thực tế sử dụng mạng xã hội của giới trẻ

Lý giải về điều này, ông Hòa An cho rằng: “Nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ là rất lớn. Tuy nhiên, khả năng, năng lực lại không đáp ứng theo nhu cầu đó, nên các bạn phải chọn một hình thức thể hiện độc đáo theo hướng tiêu cực để mà thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng”.

“Đối thủ lớn nhất trên mạng xã hội chính là bản thân chúng ta” - 4

TS Lê Hoàng Việt Lâm nhấn mạnh đối thủ của chúng ta trên mạng xã hội không ai khác chính là chính bản thân mỗi chúng ta

Trong khi đó, TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên trường ĐH An ninh nhân dân cho rằng, đối thủ của chúng ta trên mạng xã hội không ai khác chính là chính chúng ta. Do đó, vấn đề mấu chốt là chúng ta xác định sử dụng mạng xã hội với mục đích, mục tiêu gì. “Chúng ta phải xác định rằng rào cản lớn nhất để chúng ta tham gia mạng xã hội có văn minh hay không phải là chính chúng ta. Đối thủ lớn nhất của ta khi tham gia mạng xã hội là ai - là chính chúng ta. Bức tường lửa để ta xây dựng nên và lọc những thông tin đó hiệu quả cũng chính là chúng ta. Do đó, cần xác định tham gia mạng xã hội an toàn, văn minh, có mục đích, có mục tiêu là vì vậy”, ông Việt Lâm nhấn mạnh.

“Đối thủ lớn nhất trên mạng xã hội chính là bản thân chúng ta” - 5

Hầu hết mỗi sinh viên đều sử dụng mạng xã hội

Trong khi đó nhìn nhận ở góc độ vai trò của giáo dục, PGS.TS Nguyễn Minh Hà cho rằng, ngoài đào tạo kiến thức thì nhà trường còn phải dạy kỹ năng cho SV. Trước những tác động tích cực lẫn tiêu cực của “xã hội ảo” thì chính nhà trường sẽ định hướng SV sử dụng hiệu quả và nâng các kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội. Một số nhà tuyển dụng ngoài đề cao kiến thức thì họ cũng đánh giá qua kỹ năng và ứng xử với cộng đồng xã hội của SV, vì vậy bản thân các trường chủ động truyền thông tích cực, để tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn.

Lê Phương