Đổi mới giáo dục phổ thông: Sách chưa, thầy chưa, sao thực hiện được?

Đổi mới giáo dục phổ thông, theo Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại, cần giải quyết những vướng mắc về sách giáo khoa, giáo viên, cơ sở vật chất.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (trong chương trình giáo dục phổ thông mới), do Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để lấy ý kiến của toàn xã hội, Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều khẳng định, đây là con đường đi đúng đắn.

Tuy nhiên, cần rõ ràng hơn và có lộ trình để khẳng định chương trình thực hiện được, nếu không sẽ không có hiệu quả, thậm chí đổ bể, “đầu voi đuôi chuột” như bài học từ mô hình dạy phân ban trước đây.

Tránh “đầu voi đuôi chuột”

PV: Thưa Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại, ông đánh giá như thế nào về chương trình này?

Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại: Theo tôi, việc thay đổi này là cần thiết. Nếu chương trình này được thực hiện đúng, sẽ có tác dụng rất tốt; vừa giảm tải cho học sinh, vừa mang tính định hướng cho học sinh khối THPT. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và sẽ giúp cho các em định hướng cho mình một cách hiệu quả, cơ bản.

doi moi giao duc pho thong: sach chua, thay chua, sao thuc hien duoc? hinh 0

Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại (Ảnh: GDVN)

Cách dạy và học này tồn tại ở các nước khác trong một thời gian rất lâu và đã đem lại hiệu quả thiết thực, thích hợp với điều kiện môi trường của các nước đó. Ở Việt Nam, đây có lẽ là lần thay đổi chương trình một cách toàn diện, triệt để nhất. Tất cả những lần trước, chỉ là đổi mới về mặt nội dung chương trình, phương pháp… nhưng cái cốt lõi không thay đổi. Lần này là thay đổi hẳn về cách học, cách dạy. Điều này nằm trong lộ trình cần thiết để giáo dục Việt Nam hòa nhập với giáo dục thế giới.

Về chương trình này, theo tôi, phải có sự thay đổi rất lớn về nhận thức đến hành động của các thành viên từ trong nhà trường và ngoài xã hội thì mới có thể thực hiện tốt được. Việc đề ra chương trình này là hướng đúng đắn, nhưng không thể nói chung chung mà phải đi vào rất cụ thể, chi tiết, rành mạch cho từng khoản mục.

Chưa có sách, thầy chưa sẵn sàng, sao thực hiện được?

PV: Chúng ta đã đủ nền tảng để thực hiện chương trình này trước năm 2018 chưa, thưa thầy?

Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại: Bộ GD-ĐT mới đưa ra dự thảo. Từ dự thảo ra chính thức còn cả một chặng đường. Dự thảo này chắc chắn sẽ nhận được ý kiến của rất nhiều người. Tôi nghĩ, nếu thời điểm thực hiện trước năm 2018, e rằng sẽ rất gấp gáp. Tôi xin nêu một số vướng mắc khi thực hiện chương trình này mà chúng ta gặp phải như sau:

Thứ nhất: Có chương trình đồng nghĩa phải có tài liệu kèm theo, tạm gọi là sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho chương trình này là theo kiểu tích hợp và lần đầu tiên có tại Việt Nam. Cũng có ý kiến đưa ra là với các bộ môn khoa học tự nhiên, có thể dùng luôn một số sách của các nền giáo dục tiên tiến. Chúng ta chỉ việc mua hoặc xin bản quyền rồi dịch sang tiếng Việt như cách Hàn Quốc làm trước đây.

doi moi giao duc pho thong: sach chua, thay chua, sao thuc hien duoc? hinh 1

Với sĩ số lớp học đông như hiện nay, việc đổi mới là rất khó khăn

Rõ ràng phải có sách giáo khoa, nhưng khi có rồi thì chưa hẳn đã có tất cả. Mặc dù mọi người nói đổi mới tức là có nhiều bộ sách giáo khoa để giáo viên và học sinh được quyền lựa chọn. Thực ra quyền đó không hẳn tới được học sinh, mà vẫn phải theo trường, khu vực. Cái khó về sách giáo khoa, tôi nghĩ đó là đội ngũ người viết, biên tập. Ở ta chưa ai làm sách giáo khoa kiểu này cả, cho nên sẽ có khó khăn. Chắc là từ nay đến năm 2017 có sách giáo khoa là khó, bởi từ năm 2018 thực hiện rồi.

Thứ hai đó là về đội ngũ giáo viên. Giáo viên của ta được đào tạo và thể nghiệm theo cách học, cách dạy cũ, bây giờ chuyển sang cái mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Có ý kiến cho rằng không ngại vì các thầy cô đã tốt nghiệp THPT, đã từng học qua thì không khó. Nhưng theo tôi, giữa việc hiểu “mang máng” với việc đi làm thầy hướng dẫn học sinh là hoàn toàn khác nhau.

Nên nhớ thầy ở đây không phải theo kiểu cũ là đọc cho học sinh chép; mà là thầy với cách tổ chức, hướng dẫn học sinh tự mình tìm đến những kiến thức đó để các em đứng vững được trong cuộc sống. Đấy mới là định hướng của cách học mới.

Cho nên vấn đề người thầy là rất khó khăn. Khó khăn về đào tạo lại như thế nào? Ở đây không phải theo kiểu Bộ tập hợp các thầy cô từ các tỉnh thành đến tập huấn dịp hè, xong về tập huấn lại cho các đơn vị quận huyện, thì hiệu quả rất thấp, không đạt như mong muốn.

Theo tôi, các trường ĐH, CĐ sư phạm phải chuyển động ngay từ bây giờ để thay đổi cách đào tạo. Còn nếu cứ đào tạo như thế này vì sẽ vẫn ra lứa giáo viên theo kiểu cũ, như thế sẽ không đáp ứng được yêu cầu theo cải cách kiểu mới.

Chương trình này đụng chạm tới hàng triệu giáo viên phổ thông, từ tiểu học tới trung học phổ thông, cả giảng viên đại học. Do đó các trường sư phạm phải thay đổi, phải đi trước một bước. Ví dụ năm 2018 có thay đổi ở các trường phổ thông, như vậy từ 2015 – 2016 phải thay đổi cho thế hệ sinh viên mới tuyển vào. Sau 4 năm đại học và đến năm 2019 mới tốt nghiệp sẽ có thế hệ giáo viên “theo kiểu mới”.

Thứ ba, về cơ sở vật chất. Như ngày trước, chúng ta có thể tận dụng được trường lớp. Ví dụ trước đây ở trường THPT Nguyễn Gia Thiều, có 32 lớp thì chỉ cần 16 phòng học để học 2 ca, vẫn đạt kết quả cao. Nhưng bây giờ học theo kiểu mới thì không thể như kiểu cũ được. Với 32 lớp thì phải có cơ số phòng học lớn hơn. Bởi để đảm bảo kết quả học theo kiểu mới, không thể học một ngày một buổi như bây giờ được, vì sẽ không đảm bảo được chất lượng.

Giả sử mỗi lớp học một buổi thì số lượng lớp học cũng phải nhiều hơn. Ngoài những phòng chức năng ra, còn phải có những phòng chuyên biệt. Ví dụ trong giờ học toán, các em có thể tỏa ra các lớp toán khác nhau. Có em đi chuyên ngành giải tích, có em đi về đại số. Vì các em được quyền lựa chọn cơ mà.

Nhìn chung, cơ sở vật chất ngày nay tốt hơn trước rất nhiều. Nhưng có lẽ để đạt được yêu cầu đó vẫn chưa được. Ở đây không đơn giản là phòng học, mà gắn với đó là những trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thí nghiệm… cho học sinh chủ động, sáng tạo. Vì với chương trình mới, đòi hỏi học sinh tính năng động và thực hành rất cao.

Đổi mới có nghĩa phải bỏ hẳn “học chay”, thầy đọc trò ghi để chuyển sang cách học chủ động, tích cực. Chưa kể, hầu hết các trường đều kêu về đồ dụng dạy học chất lượng quá kém.

Thứ tư, là sĩ số học sinh trong lớp hiện nay là quá đông. Ở trường Nguyễn Gia Thiều trước kia là 65 học sinh một lớp, rồi giảm xuống còn 45. Tuy nhiên, để học theo kiểu này, số học sinh phải giảm xuống nữa. Bên cạnh đó phải tăng số phòng học; thêm những sân vận động thể thao, nhà thể chất…

Thứ năm, là từ phía học sinh. Các em đang quen với cách dạy và học cũ, giờ “đùng một cái” chuyển sang phương pháp mới là không hề đơn giản. Bởi thầy cô cũng bỡ ngỡ, bố mẹ các em cũng bỡ ngỡ.

Học sinh ngó lơ cả môn bắt buộc

PV: Theo thầy, giải pháp nào cho vấn đề này để chúng ta triển khai hiệu quả chương trình đổi mới giáo dục?

Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại: Khó khăn là chuyện đương nhiên, quan trọng nhất là nhìn vào đó để đề ra giải pháp thích hợp và lộ trình cần thiết. Không nên nóng vội để việc thực hiện mang lại hiệu quả cao.

Ở Việt Nam, suốt gần một thế kỷ qua, các em học là để đi thi, mà thi gì học nấy. Bây giờ Bộ GD-ĐT quy định môn bắt buộc, nhưng là một nhà giáo, tôi thấy ngay có những môn học sinh cũng sẽ “ngó lơ” môn này, trừ khi bắt buộc theo kiểu vào đại học phải thi môn đó.

Lẽ ra, khi công bố chương trình này, cũng phải công bố việc tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ như thế nào? Bởi với kiểu thi tuyển như hiện nay thì việc học theo hình thức mới là khó khăn. Đặt ra đổi mới như thế này thì phải có đầu ra như thế nào, theo mô hình nào?

Học sinh của ta là học để đi thi, cái gì thi thì học; cái gì không thi thì học ít, không học hoặc bỏ hẳn, thậm chí đối phó bằng cách nào đó coi như là có học. Tôi ví dụ ở giáo dục kiểu mới, một em học Địa lý Việt Nam, mà hẹp hơn là địa lý vùng biển, nhưng thi tuyển sinh thì đề vẫn rộng thì sẽ rất khó.

Do đó phải có mục đích ở đầu ra để các em có động cơ học, chứ không thể nói suông là “học để đào tạo những con người có ích cho xã hội”. Cái đó chỉ nói cho vui. Còn học chỉ để xét tốt nghiệp thì theo tôi là dễ, điều quan trọng là các em mong chờ học gì để vào đời.

PV: Theo dự thảo, những phẩm chất và năng lực của các em được thể hiện đầy đủ nhưng có vẻ trừu tượng. Giáo viên sẽ “chấm điểm” các tiêu chí này như thế nào, thưa thầy?

Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại: Cái này phải có đánh giá từ trong nhà trường, phải đánh giá được năng lực thực chất của học sinh, phải có tiêu chí, số đo cụ thể. Nếu không các em lại chỉ cắm đầu vào học mà thiếu sự năng động, như thế lại phản tác dụng.

Có thực tế là các em học sinh Việt Nam ra nước ngoài học, các thầy, các bạn bên đó hỏi: “Bạn sang đây học bằng tiền của bố mẹ hay tiền tự đi làm để trang trải?”; “Bạn có chơi tốt môn thể thao nào không?”; “Bạn có tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện không?”…

Chúng ta quen đánh giá học sinh theo bảng điểm, mà học chỉ là lý thuyết, cho nên học sinh giỏi quốc tế phần lý thuyết thì tốt mà phần thực hành thì chưa tốt. Bởi vì các em không có điều kiện, nhà trường không có.

PV: Trân trọng cảm ơn Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại./.

Theo VOV

Đổi mới giáo dục phổ thông: Sách chưa, thầy chưa, sao thực hiện được? - 3