Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

Đổi mới giáo dục cần có sự đồng thuận và ủng hộ của dư luận

(Dân trí) - Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 8 khoá XI vừa quyết định ban hành một Nghị quyết riêng về Đổi mới giáo dục và đào tạo. Vậy ngành giáo dục sẽ triển khai như thế nào để thực hiện Nghị quyết, nhất là khâu đổi mới thi và đánh giá?

Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi riêng với PV Dân trí.

Thưa Thứ trưởng, Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 8 khoá XI vừa quyết định ban hành một Nghị quyết riêng về Đổi mới giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng có cảm xúc như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là sự kiện lớn, tin vui đối với cả nước, đặc biệt là đối với ngành giáo dục và đào tạo. Nghị quyết một lần nữa thể hiện sự quan tâm chăm lo cho giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước ta. Chúng tôi rất vui vì tâm huyết, những nỗ lực, cố gắng của nhiều cơ quan, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia đầu ngành… đã có kết quả.

Cùng với niềm vui ấy là yêu cầu cao về trách nhiệm. Để Trung ương quyết định ban hành Nghị quyết đã khó nhưng làm thế nào để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết lại càng khó hơn; nhiều công việc phức tạp, bộn bề hơn, đòi hỏi sự tâm huyết, cố gắng, hành động cụ thể của nhiều cấp, nhiều ngành, từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội, mỗi gia đình, mỗi chủ thể giáo dục và tham gia vào hoạt động giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Ngay sau đây ngành giáo dục và đào tạo sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết mới này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Ngay từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động triển khai Nghị quyết của Đại hội với nhiều hoạt động, nhất là việc đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục đã tham mưu và được Quốc hội ban hành Luật giáo dục đại học, đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020, nhiều Nghị định, Quyết định liên quan đến việc triển khai Luật giáo dục, Luật giáo dục đại học, Chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới quản lý giáo dục đại học, về chính sách đối với các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, chính sách đối với giáo dục vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, hải đảo, về xây dựng xã hội học tập…

Chỉ một ngày sau khi Trung ương quyết định ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức ngay việc triển khai tinh thần Nghị quyết cho toàn thể cán bộ, công chức của Cơ quan Bộ, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai đến các cấp và đội ngũ trong toàn ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và các Ban chỉ đạo đổi mới theo từng cấp học, lĩnh vực có liên quan để triển khai Nghị quyết. Bên cạnh đó là việc xây dựng Chương trình hành động, tập trung vào một số công tác trọng tâm như: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới thi – công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng; tiếp tục tích cực triển khai Luật giáo dục đại học; đổi mới hệ thống trường sư phạm và công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Sư phạm và phổ thông phải cùng nhau đổi mới

Thưa Thứ trưởng, trong những lần cải cách giáo dục trước đây thì quy trình của chúng ta thường là từ các trường phổ thông trước và các trường sư phạm thực hiện sau. Vậy quy trình thực hiện đổi mới lần này sẽ như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:  Đổi mới lần này sẽ cố gắng khắc phục những hạn chế, nhược điểm của các lần cải cách và đổi mới chương trình giáo dục trước đây. Trước hết phải xây dựng được kế hoạch tổng thể, xác định những quan điểm, phương hướng chính rồi mới tiến hành các công việc, giải pháp cụ thể. Với những việc cụ thể, nếu đã xác định được là đúng theo định hướng chung thì bắt tay vào làm ngay, nơi nào có điều kiện thì làm trước, nơi nào chưa đủ điều kiện thì tích cực chuẩn bị đủ các điều kiện để sớm triển khai. Có những việc cần làm nhưng nếu cứ chờ thật đủ điều kiện mới làm thì sẽ không bao giờ làm được, vì thế, dù biết trước là kết quả sẽ chưa thật mỹ mãn nhưng vẫn triển khai để có nhu cầu, động lực làm tốt dần, hoàn thiện dần. Nói như vậy là đổi mới đang được bắt đầu ở tất cả các lĩnh vực, các địa phương, các cấp bậc học…

Nói riêng về mối quan hệ giữa sư phạm và phổ thông thì đổi mới phổ thông sẽ đặt ra yêu cầu, “bài toán” cho đổi mới sư phạm, nhưng đổi mới sư phạm lại là điều kiện thành công và đưa ra nhiều gợi ý cho đổi mới phổ thông. Vì vậy cả phổ thông và sư phạm đều đã bắt đầu đổi mới. Ví dụ, việc đổi mới quá trình đào tạo sư phạm theo định hướng nâng cao năng lực của giáo sinh, nhất là năng lực giáo dục và nghiệp vụ sư phạm thì không phải chờ đến khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới; hơn nữa, dù chưa có chương trình mới thì phổ thông đã đang đổi mới từng phần, đang đặt ra những yêu cầu cấp bách đổi mới sư phạm. Như vậy, sư phạm và phổ thông phải cùng nhau đổi mới, cùng nhau tạo ra và nhân lên sức mạnh tổng hợp, không ai có thời gian chờ đợi.
Chính sách tiền lương dành cho giáo viên sẽ được quan tâm một cách đặc biệt

Chính sách tiền lương dành cho giáo viên sẽ được quan tâm một cách đặc biệt

Khẩn trương thực hiện chính sách lương mới cho giáo viên

Một trong những khâu quyết định thực hiện đổi mới là yếu tố con người. Lâu nay xã hội đánh giá mức lương của giáo viên còn thấp nên chưa thể toàn tâm, toàn ý trong công tác giảng dạy dẫn đến chất lượng giáo dục chưa cao. Lần này Nghị quyết có định hướng lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Thứ trưởng có thể nói thêm về vấn đề này và lộ trình sẽ thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Lương và các chính sách khác là một trong những yếu tố chính tạo động lực cống hiến và đổi mới giáo dục của đội ngũ nhà giáo. Nghị quyết Trung ương lần này tiếp tục khẳng định: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Lộ trình xây dựng hệ thống thang bảng lương của viên chức ngành giáo dục và đào tạo, theo quy định, nằm trong lộ trình cải cách tiền lương chung của Nhà nước. Thời gian tới, chắc chắn Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ khẩn trương phối hợp cùng các bộ ngành liên quan triển khai công việc này.

Mặt khác, Nghị quyết Trung ương đã yêu cầu “việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác”, “có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học”, “bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ”.

Xin báo một tin vui, ngày 24 tháng 10 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2013/NĐ-CP, trong đó quy định “chức danh phó giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp. Chức danh giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp”.
 
 Đổi mới căn bản thi cử khi có học sinh lớp 12 chương trình giáo dục mới

Trong Nghị quyết có định hướng đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo. Đây có phải là lời khẳng định sẽ xóa bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trong tương lai? Ngành sẽ đưa ra giải pháp nào để đảm bảo kì thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc và thực chất?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là vấn đề rất quan trọng, tác động rất lớn đến việc dạy và học. Ngành giáo dục đã xác định đây là khâu đột phá để đổi mới giáo dục và đào tạo, một trong những công việc để xây dựng một nền giáo dục thực học, thực nghiệp.

Sẽ từng bước giao quyền tuyển sinh (thi hoặc không thi) cho các trường đại học, cao đẳng theo tinh thần trường nào có có nguyện vọng, có đủ điều kiện, có phương án tuyển sinh đảm bảo tính khách quan, công bằng, không làm phát sinh tiêu cực thì sẽ được tự chủ tuyển sinh. Có nghĩa là quá trình giao quyền tự chủ theo qui định của Luật Giáo dục đại học là tất yếu nhưng sẽ được diễn ra “trong trật tự”, cả Bộ và các trường đều phải chịu trách nhiệm trong quá trình này.
 
Chỉ khi có học sinh lớp 12 chương trình giáo dục mới thì đổi mới căn bản về thi cử


Chỉ khi có học sinh lớp 12 chương trình giáo dục mới thì đổi mới căn bản về thi cử

Phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT phải phù hợp với đổi mới chương trình giáo dục, nhất là chủ trương dạy học phải đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, dạy học phân hoá và tiếp cận nghề nghiệp của cấp THPT. Kết quả kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp THPT sẽ tạo nhiều điều kiện cho đổi mới tuyển sinh theo yêu cầu của ngành nghề đào tạo ở đại học, cao đẳng. Sẽ đổi mới căn bản việc này khi chúng ta có học sinh lớp 12 học theo chương trình giáo dục mới, nhưng trước mắt, sẽ tiếp tục có những đổi mới trong giai đoạn quá độ dựa trên thực tiễn chương trình hiện hành và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Bộ đang rất tích cực xúc tiến công việc quan trọng này.

Đổi mới phải cần sự đồng thuận và ủng hộ của dư luận

Đổi mới giáo dục không thể tăng tốc đột ngột mà sẽ cần phải thực hiện có lộ trình và có thời gian. Bên cạnh đó cũng cần sự ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân. Thứ trưởng có mong muốn và chia sẻ như thế nào với dư luận xã hội?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Giáo dục và đào tạo có đặc thù riêng. Đổi mới giáo dục và đào tạo cũng phải tuân theo quy luật, xuất phát từ đòi hỏi, bối cảnh chung cũng như đặc thù của ngành, của từng cấp, bậc học, từng vùng. Nghị quyết Trung ương đã xác định: “Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp”.

Đổi mới giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Ngành giáo dục chỉ có thể thực hiện tốt nhiệm vụ này khi có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của các cơ quan, đoàn thể, cá nhân. Có người nói thế này: “Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong thế giới này”.

Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta cần phải nhìn nhận giáo dục và tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng cái nhìn mới, tránh định kiến hoặc chỉ xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân mình. Phải nhìn nhận giáo dục trong mối liên quan giữa các điều kiện thực hiện, quá trình thực hiện và kết quả giáo dục, không nên thiên lệch riêng về một yếu tố nào. Công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo cũng phải thay đổi để mọi người hiểu đúng, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục. Các cơ sở, các cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo ở Trung ương và địa phương cần chủ động cung cấp thông tin với toàn xã hội.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Hùng
Thực hiện