Đổi mới đề thi: Người thầy đang chiều lòng học sinh hay chiều lòng chính mình?

(Dân trí) - Không rõ thầy cô đổi mới cách ra đề thi để chiều lòng học sinh hay để chiều lòng chính mình: được tiếng là thức thời, nhạy bén với trào lưu của giới trẻ mà lãng quên đi nhiệm vụ soi đường chỉ lối cho các em?

Với việc ra đề Văn lớp 8 lấy chủ đề là bài hát "Vợ người ta" hay bộ phim "Hậu duệ Mặt trời", có thể thầy cô ra đề chỉ nghĩ ở một khía cạnh: đây là những hiện tượng thu hút giới trẻ, đề văn này sẽ khiến các em thích thú vì sự mới mẻ, đánh trúng tâm lý tuổi mới lớn.

Ở các tuổi học trò mộng mơ, các em chưa lĩnh hội được những giá trị cao siêu mà chỉ thuần túy thích bài hát ở giọng điệu ngô nghê, lạ tai, hài hước hoặc thích diễn viên đẹp, bối cảnh phim sống động...

Nếu muốn mang hơi thở cuộc sống vào đề thi, thiết nghĩ không thiếu chủ đề cho thầy cô lựa chọn. Ngay chủ đề được đông đảo người dân quan tâm sát sao là vấn đề thực phẩm bẩn tung hoành khắp nơi khiến bệnh ung thư tăng vọt, thầy cô có thể đưa ra để các em trình bày quan điểm. Đây cũng có thể coi là sự lồng ghép giáo dục cho các em hiểu thế nào là đúng sai khi mọi người chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên lương tâm với cộng đồng.

Ngay trong môi trường học đường, “vấn nạn” học trò nghiện game, nghiện mạng xã hội cũng có thể đưa ngay vào đề văn với nhiều câu hỏi khiến các em hào hứng thể hiện cái nhìn bản thân. Chính các em là “bác sĩ” bắt mạch và kê đơn cho bạn bè, cho chính mình một cách hiệu quả nhất.

Nếu lo các em ngán ngẩm với các đề văn quen thuộc, phân tích hình tượng nhân vật kinh điển thì đâu thiếu đề tài thầy cô đưa ra cho các em. Ví dụ như hiện tượng bạo lực học đường ngày càng gia tăng nhức nhối, học sinh hung hãn hơn, vô cảm hơn khi thấy bạn bè bị đánh đập, làm nhục. Tại sao thầy cô không đưa vấn đề nóng bỏng này vào đề thi cho các em phân tích?

Đổi mới phương pháp dạy học trò không thể cảm tính nhất thời, chạy theo trào lưu tung hô này kia của mạng xã hội, thầy cô chính là người định hướng cách nhìn cuộc sống cho học trò.

Bài hát "Vợ người ta" tôi cũng thuộc làu vì nghe các con rên rỉ hàng ngày, vừa hát vừa nhảy và cười reo khoái chí. Bộ phim "Hậu duệ Mặt trời" tôi chưa xem qua nhưng có thể hình dung kịch bản Hàn Quốc dàn dựng theo mô típ: diễn viên đẹp, lời thoại hay, bối cảnh hấp dẫn, kết thúc phim có hậu. Học sinh phải xem phim, phải nghe bài hát thì mới có cái để nghĩ, để viết, để trình bày. Hoặc ít ra các em phải có chút nghe ngóng, bàn luận cùng bạn bè. Thế thì những em học hành nghiêm túc, ngoan ngoãn chỉ mải chú tâm vào sách vở, hoạt động đoàn đội có khi phải ngậm bút hoặc bịa vài câu lấy lệ. Đề thi này có lẽ chỉ nên đưa vào câu chuyện vui ngoài lề để thầy trò đàm đạo, bình phẩm.

Không rõ thầy cô đổi mới cách ra đề thi để chiều lòng học sinh hay để chiều lòng chính mình: được tiếng là thức thời, nhạy bén với trào lưu của giới trẻ mà lãng quên đi nhiệm vụ soi đường chỉ lối cho các em?

Mỹ Đức

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)