Doanh nghiệp “chê” trường, “chê” sinh viên

(Dân trí) - Phương pháp đào tạo còn quá nặng nề lý thuyết, chưa gắn liền với thực tế công việc cụ thể dẫn đến tình trạng sinh viên có thói quen học một cách thụ động…

Tại hội thảo “Đổi mới đào tạo ngành Quản lý nguồn nhân lực tại Trường đại học Kinh tế quốc dân nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội” diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu trong đào tạo của trường đại học dẫn đến việc sinh viên (SV) ra trường còn thụ động, doanh nghiệp phải đào tạo lại nhiều SV mới sử dụng được.
 
Doanh nghiệp “chê” trường, “chê” sinh viên - 1
Doanh nghiệp đòi hỏi cao ở sinh viên. (Ảnh: ĐH FPT)
 

Doanh nghiệp “chê” trường

Là người 15 năm làm việc trong nghề Nhân sự tại 3 công ty nước ngoài, ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, cho biết: “Nội dung đào tạo chưa sát với thực tế công việc nên SV khi ra trường không có khả năng thực hành những kiến thức, kỹ năng được đào tạo, họ lúng túng không biết áp dụng hay không thể áp dụng những kiến thức kỹ năng đó vào công việc cụ thể.

Ví dụ,  cụ thể về ngành quản lý nguồn nhân lực, ông Quân cho hay: “Nội dung đào tạo còn thiếu kỹ năng đặc thù của ngành Quản lý Nguồn nhân lực cần có như kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng đào tạo, đạo đức nghề nghiệp… và một kỹ năng rất đặc biệt của người làm công tác Nhân sự đó là khả năng nhìn nhận và đánh giá một con người qua diện mạo, giao tiếp và hành vi ứng xử ban đầu. Thêm vào đó, việc trang bị kiến thức Luật Lao động là rất quan trọng trong hành trang của SV mới ra trường. Tuy nhiên, việc SV được học Luật Lao động nhưng không biết áp dụng khoản nào, điều nào trong một tình hướng; chưa biết xây dựng quy trình tuyển dựng hoặc đào tạo chi tiết, cụ thể cho doanh nghiệp; không biết cách phỏng vấn ứng viên hay đào tạo nhân viên mới… đang trở thành câu chuyện phổ biến hiện nay.

Thẳng thắn chỉ ra điểm yếu trong đào tạo, thạc sĩ Quân cho rằng: “Hiện nay phương pháp đào tạo còn quá nặng nề lý thuyết, chưa gắn liền với thực tế công việc cụ thể, dẫn đến tình trạng SV có thói quen học một cách thụ động. Vì vậy, việc giảng dạy lý thuyết cần đi kèm với những dẫn chứng và tình huống cụ thể được áp dụng trên thực tế để SV dễ dàng nắm bắt, hiểu và biết cách áp dụng những kiến thức đã học. Bên cạnh đó, với chương trình đào tạo cần giảm bớt thời lượng dành cho phần kiến thức đại cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp để dành nhiều thời gian hơn cho kiến thức chuyên ngành, hướng tới việc kiến thức chuyên ngành chiếm từ 50% thời gian đào tạo trở lên”.

Đồng quan điểm trên, theo ông Vương Văn Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty D - Giày WT, SV tiếp cận thực tế có thể còn chậm - có lẽ trong chương trình đào tạo của chúng ta còn nặng về lý thuyết, ít được tiếp cận với thực tế.

Ông Thịnh chia sẻ: “Cần đổi mới công tác thực tập để SV khoa Kinh tế và Quản lý Nguồn nhân lực có điều kiện tiếp cận với thực tế nhiều hơn. Giống như SV ngành Y, sáng học lý thuyết chiều thực hành ở bệnh viện. Có thể mời các nhà lãnh đạo, các Trưởng phòng Tổ chức Lao động ở các doanh nghiệp tham gia giảng dạy cho SV, qua đó các SV có thể tiếp cận và nâng cao hiểu biết thực tế. Các nhà trường cần nghiên cứu chương trình học tập, nếu có môn học nào không cần thiết nên giảm tải hoặc bỏ để SV tập trung vào các môn học chính”.

Doanh nghiệp cần gì ở sinh viên

Không chỉ “chê” trường, nhiều doanh nghiệp còn “chê” SV vẫn còn có thói quen học thụ động, nghĩa là chỉ học những gì được dạy mà chưa chủ động học và tìm học những gì mình thấy cần.

Phân tích từ những trải nghiệm trong công việc của mình, ông Phạm Hồng Quân cho biết: “Không ít SV ra trường hiện nay vẫn mơ hồ, không biết công việc cụ thể của mình ra sao, với những kiến thức được đào tạo mình có thể làm gì, mục tiêu nghề nghiệp của mình là gì. Một vấn đề khác nữa, nhiều SV ra trường ít có tính sáng tạo, tự tin nên không bao giờ dám đưa ra ý tưởng mới. Họ chỉ ngồi chờ cấp trên giao đề tài hoặc phải chỉ thị đích danh mới dám nói, mặc dù trong đầu có nhiều ý tưởng hay”.

Để giúp SV mới ra trường tự tin và làm tốt công việc, ông Phạm Hồng Quân, chia sẻ: “SV cần phải xác lập cho mình những mục tiêu cụ thể nhất định tại những thời điểm khác nhau để đạt được mục tiêu đề ra. Không chỉ trang bị cho mình kiến thức chuyên ngành mà kiến thức xã hội, khả năng ứng xử, khả năng tiếp cận và giải quyết một vấn đề là điều cần thiết đối với SV mới ra trường. Doanh nghiệp hiện nay có xu hướng tuyển dụng nhiều hơn những SV mới tốt nghiệp bởi họ đánh giá cao tham vọng, lòng trung thành, sự nhiệt huyết và năng động của những SV này. Tuy nhiên, để làm tốt bất kỳ việc gì và có được sự nhiệt huyết với công việc, SV cần phải hiểu rõ và yêu thích công việc đó.

Các doanh nghiệp cũng hiểu rõ là không thể mong đợi SV mới ra trường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng chuyên môn tương ứng với công việc cụ thể. Do vậy, các doanh nghiệp thường có chính sách đào tạo để nâng cấp nguồn nhân lực của mình. Chính vì vậy, ngoài yêu cầu về những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cơ bản, các doanh nghiệp cũng mong đợi SV ra trường có kỹ năng học.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đều có chung mong muốn, các trường đại học cần thực hiện tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp cho SV ngay trước khi họ lựa chọn chuyên ngành và phải liên tục trong quá trình đào tạo. Các khoa có thể tổ chức nhiều hơn nữa buổi giao lưu giữa SV với những người làm công tác quản lý trong doanh nghiệp, coi đó như một phần trong chương trình đào tọa để họ vừa giải đáp thắc mắc về việc áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế với chương trình đang đào tạo. Với những buổi giao lưu như vậy, các doanh nghiệp vừa thực hiện công tác hướng nghiệp, chỉ cho SV thấy họ sẽ làm những công việc gì, nghề nghiệp gì sau này, tương lai phát triển nghề nghiệp ra sao.

Hồng Hạnh