Điều chưa biết về tác giả bài tập đọc “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng”

(Dân trí) - Thông thường học sinh chỉ thuộc lòng bài thơ còn thuộc lòng bài văn thì rất hiếm. Và bài văn “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 là trường hợp khác thường...

Bài văn hay, chuẩn về câu từ

Nhiều học sinh, giáo viên dạy lớp 5 ngày đó nhận xét: Những câu văn nằm lòng quen thuộc một thời. Hầu hết các câu văn trong bài “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng” đạt đến độ chuẩn chỉnh, tiêu biểu về ngữ pháp, là ngữ liệu để dạy về từ và câu cho học sinh.

Một bài văn tả cảnh rất hay, được tác giả tả theo trình tự thời gian và cách dùng từ hết sức đặc biệt. Cả hai yếu tố làm cho bài văn trở nên sinh động và neo lại mãi trong lòng người đọc.

Thời đi học, tôi yêu lắm bài văn “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng”. Một bài văn miêu tả với cách quan sát tinh tế, với câu từ rất chuẩn đã vẽ lên một bức tranh thung lũng đẹp đến mê hồn. Cứ mong mãi được trải nghiệm “những tiếng cười giòn tan vọng vào vách đá”.

Điều chưa biết về tác giả bài tập đọc “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng” - 1
Điều chưa biết về tác giả bài tập đọc “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng” - 2

Bài văn “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng” trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5.

Bức tranh làng quê miền núi được tái hiện rõ nét dưới con mắt tinh tế của tác giả. Với nét tả chân thực mà sống động, nghệ thuật tài tình về dùng từ tượng hình, tượng thanh đã làm cho bức tranh làng quê miền núi thêm hấp dẫn, bình yên.

Tĩnh mà động, tác giả thổi một luồng khí mát vào tâm hồn người đọc về cảnh bình minh yên ả, êm đềm ở làng quê miền núi. Thời gian trôi qua nhưng âm hưởng của bài văn vẫn như còn đâu đây.

Điều chưa biết về tác giả

Nhiều người yêu thích và thuộc lòng bài tập đọc nhưng ít người biết được về tác giả, về hoàn cảnh ra đời của bài văn. Vào một buổi sáng đầu tháng 5/2020, tôi may mắn được gặp tác giả, được ông kể cho nghe về hoàn cảnh ra đời của bài tập đọc “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng”. Ông là nhà giáo, Tiến sĩ Hoàng Hữu Bội (nguyên giảng viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên).

Điều chưa biết về tác giả bài tập đọc “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng” - 3

Nhà giáo, Tiến sĩ Hoàng Hữu Bội

Sinh quán tại Diễn Châu (Nghệ An), nhưng ông chủ yếu học tập, lập nghiệp và sinh sống ở ngoài Bắc. Học xong Trung cấp Sư phạm Trung ương tại Hà Nội, ông tình nguyện lên Hà Giang dạy học.

Ông nhớ lại: “Chúng tôi hồi đó không mảy may nghĩ đến cái khó cái khổ. Lên Hà Giang, đúng là xa xôi thiếu thốn lắm, nhưng tôi cũng thấy rất thích sự yên bình và vẻ đẹp núi rừng nơi đây”. Thầy giáo trẻ nhiệt tình, tâm huyết ấy đã nhanh chóng khẳng định mình, được tín nhiệm làm Hiệu trưởng một trường cấp 2 ở đây.

Không chỉ say sưa với công việc dạy học, thầy giáo trẻ Hoàng Hữu Bội còn thực sự cảm thấy gắn bó và yêu quý cuộc sống nơi miền cao này. Tình cảm đó đã tạo cảm xúc để ông viết nên những cân văn ấn tượng: “Tảng sáng, vòm trời cao xanh mênh mông. Gió từ trên đỉnh núi tràn xuống thung lũng mát rượi. Khoảng trời sau dãy núi phía đông ửng đỏ. Những tia nắng đầu tiên hắt chéo qua thung lũng, trải trên đỉnh núi phía tây những vệt sáng màu lá mạ tươi tắn… Ven rừng, rải rác những cây lim đã trổ hoa vàng, những cây vải thiều đỏ ối những quả…”.

Niềm vui từ bản nhỏ được chia sẻ, tỏa đến học trò và bạn đọc cả nước khi bút kí “Buổi sáng mùa hè trong thung lũng” của ông được đưa vào chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5.

Ông tâm sự: “Có lần tôi trở lại Hà Giang, gặp lại học trò cũ giờ là giáo viên dạy Văn, cô ấy đem cuốn sách giáo khoa ra rồi hỏi về bài bút kí của thầy, lòng thấy bồi hồi, thấy nhớ những năm tháng gắn bó ngày xưa quá”.

Trong suốt hơn 30 năm công tác tại Thái Nguyên, ông trải qua nhiều công việc khác nhau: giáo viên cấp 2; chuyên viên của Khu Giáo dục Việt Bắc và Ty Giáo dục Bắc Thái; giảng viên của trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên).

Song hành cùng công việc chính là giảng dạy, ông vẫn đều đặn tìm tòi nghiên cứu về vấn đề tiếp cận tác phẩm văn chương, đặc biệt trong góc độ nhà trường.

Những cuốn sách Dạy và học thơ cổ trường cấp 2 - 3 miền núi; Thiết kế bài học tác phẩm văn chương ở nhà trường phổ thông lần lượt được xuất bản và như một mối lương duyên, đã gắn ông với lĩnh vực phương pháp dạy học Văn.

Nghỉ hưu, ông lại bắt tay vào biên soạn bộ sách Thiết kế bài học Ngữ văn theo hướng tích hợp từ lớp 6 đến 12. Liên tục từ năm 2002 đến 2008, trong 7 năm ông đã biên soạn và cho xuất bản 7 cuốn sách. Bộ sách đã đoạt giải thưởng trong cuộc thi biên soạn sách tham khảo do Bộ GD&ĐT và nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Như con ong hút mật, như con tằm nhả tơ, bước sang tuổi 80, ông lại miệt mài viết sách tham khảo môn Văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Phan Duy Nghĩa

(Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)