Điểm trường đặc biệt nơi bản nghèo Cha Khót

(Dân trí) - Cha Khót, bản nghèo thuộc huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), nơi chỉ thấy núi rừng và quanh năm mây mù bao phủ trên những đỉnh núi cao. Nơi đây có một điểm trường đặc biệt chỉ với hai thầy giáo phải đảm nhận 3 lớp học, nhưng có 5 trình độ khác nhau.

Con chữ “nảy mầm” trên đất khó

Bản Cha Khót nằm cách thị trấn Quan Sơn hơn 50 km, từ trung tâm xã Na Mèo để vào bản Cha Khót, phải vượt qua gần 10km đường dốc với bùn đất nhầy nhụa, rất khó đi, có những đoạn một bên là rừng núi, một bên là vực sâu. Nơi đây chủ yếu là địa bàn sinh sống của bà con dân tộc Thái.


Chưa có điện lưới, cuộc sống của bà con dân bản vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Dường như cái đói, cái nghèo khiến cho người dân không "mặn mà" với con chữ. Nhưng bằng lòng nhiệt huyết của mình, những thầy giáo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thiệt thòi… hàng ngày miệt mài gieo từng con chữ trên mảnh đất còn nghèo khó này.

Cả bản có hơn 50 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu và có đến vài chục người đang còn trong diện mù chữ. Hơn 10 năm qua chỉ khoảng hơn 15 học sinh học hết bậc trung học cơ sở còn lại đều bỏ học giữ chừng. Cái chữ chỉ đến với người dân khi có con đường nhỏ được mở cắt ngang rừng, có những chiến sỹ biên phòng vào bản giúp dân biết làm nương, làm rẫy và những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết với nghề lên đây cắm bản dạy học.

Con đường giữa bản Cha Khót.
Con đường giữa bản Cha Khót.

Khó khăn, vất vả của những người giáo viên cắm bản dạy học nơi vùng sâu, vùng xa khó để có thể diễn tả hết bằng lời. Nhưng khi đến với bản nghèo Cha Khót, chúng tôi mới thấu hiểu và thực sự ngỡ ngàng trước sự kiên trì, miệt mài vì sự nghiệp trồng người của những giáo viên nơi đây.

3 lớp học, 5 trình độ

Lúc chúng tôi tìm đến điểm trường Cha Khót đang giờ ra chơi, thấy hai người đàn ông đang đứng nói chuyện bên ngôi nhà tranh cũ nát. Hỏi ra mới biết đó là hai thầy giáo cắm bản ở đây. Hai thầy giáo mời chúng tôi vào nhà uống nước, căn nhà đơn sơ, cũ kỹ nằm cạnh điểm trường, là nơi ăn nghỉ của các thầy.

Điểm trường Cha Khót là khu lẻ của trường tiểu học Na Mèo. Nơi đây nếu tới khu chính để học thì học sinh phải băng rừng, lội suối gần 20 km, nếu không có điểm lẻ thì không thể động viên học sinh đến trường.

Những học sinh đến trường với khuôn mặt lấm lem và bộ quần áo sờn đen.
Những học sinh đến trường với khuôn mặt lấm lem và bộ quần áo sờn đen.

Lớp học đơn sơ chỉ chưa đầy 10 học sinh.
Lớp học đơn sơ chỉ chưa đầy 10 học sinh.

Tiếp chuyện chúng tôi là thầy giáo Hơ Văn Pó, ở bản Ché Lầu, lên đây công tác đã được 10 năm. Nhà thầy Pó cách xa điểm trường nên phải ở lại mỗi tuần về một lần, nhưng hôm nào gặp trời mưa thì... đành chịu. Có những hôm đường trơn, có công việc nên các thầy phải dùng sợi dây thừng cột vào lốp xe để đi.

Điểm lẻ Cha Khót chỉ 3 lớp học nhưng có đến 5 trình độ. Trong đó có hai lớp ghép, một lớp treo. Học sinh là con em dân tộc thiểu số, khi tiếp xúc với tiếng phổ thông rất khó khăn, vừa dạy tiếng phổ thông các thầy vừa phải dịch ra tiếng mẹ đẻ để giúp các em tiếp thu bài tốt hơn.

Khi chúng tôi hỏi về đời sống, sinh hoạt, thầy Pó ngước mắt lên nhìn quanh ngôi nhà vừa cười, vừa nói: “Như nhà báo thấy rồi đó, vất vả về sinh hoạt, đi lại, rồi thông tin hai chiều giữa trường và khu lẻ. Ở đây không sóng điện thoại, không điện lưới, không ti vi, tối phải thắp đèn dầu soạn bài, chúng tôi hay nói vui với nhau là mù văn hóa”.

Điều kiện học của các em học sinh nơi đây khó khăn thì khỏi phải bàn. Nhất là phải học lớp ghép ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài của học sinh. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên cũng không còn cách nào khác.

Khu nhà ở công vụ của giáo viên cắm bản.

Khu nhà ở công vụ của giáo viên cắm bản.
Khu nhà ở công vụ của giáo viên cắm bản.

Nhớ lại những ngày đầu về với điểm trường Cha Khót, các thầy phải lo từng bữa cơm, từng xô nước bởi điểm trường ở lưng chừng núi và xa trung tâm nên phải tự cung, tự cấp hết. Nhưng được cái, dù còn nghèo nhưng người dân trong bản luôn quan tâm và giúp đỡ các thầy, người cho mớ rau, mỗi khi có việc gì nhiều gia đình đều gọi các thầy đến chung vui.

Ngồi bên cạnh là thầy giáo trẻ Hà Văn Ninh, quê ở xã Sơn Hà, cách điểm trường 50km. Năm nay 28 tuổi, thầy Ninh đã công tác ở đây được hai năm. Thầy Ninh cho biết, thầy đến Cha Khót đảm nhận công tác dạy một lớp học với ba trình độ là lớp 3, 4 và lớp 5.

Đang giở câu chuyện, các thầy lại vội vàng lên lớp vì đã hết giờ nghỉ giải lao. Bước chân vào lớp học, những em học sinh mặt còn lấm lem bùn đất, ăn mặc sơ sài giữa mùa đông giá rét cứ ngơ ngác vì với các em ít khi được nhìn thấy người lạ vào. Cùng trong một phòng học, thầy giáo vừa dạy lớp này, vừa phải quản lớp kia. Các em học sinh chia thành hai dãy bàn ngồi ngược lại nhau nhìn về hai tấm bảng ở hai đầu lớp học. Khi thầy giáo dạy lớp này, các em học sinh lớp kia thi thoảng ngoái cổ lại nhìn.

Một phòng học với hai tấm bảng khác nhau.
Một phòng học với hai tấm bảng khác nhau.

“Một người dạy ba trình độ, cả ngày hai buổi làm việc quần quật không có thời gian nghỉ. Mỗi tuần chỉ hai buổi tăng buổi, nhưng nhiều khi thầy giáo thông báo nghỉ, các em không nhớ, nên học sinh cứ đến trường là chúng tôi dạy, ngoài dạy học cũng chẳng biết làm gì thêm”, thầy Ninh cho biết.

Buổi học kết thúc, các em học sinh ùa ra về, hai thầy giáo lại vội vàng lo cho bữa cơm trưa. Rồi hai thầy giáo dẫn chúng tôi tham quan khu bếp nấu ăn. Đây thực sự là một căn chòi nhỏ được làm sơ sài bằng mấy tấm phên, lợp lá rừng đã xập xệ, lạnh tanh, chỉ có vài ba chiếc nồi và mấy cái bát đơn sơ nằm chỏng chơ trên cái giá bám đầy khói bụi.

Như để thanh minh, thầy Ninh cười: “Ở đây, mọi sinh hoạt đều phải tự cung tự cấp, chúng tôi phải tự trồng rau để ăn, đã một tuần nay không có người vào bán đồ ăn rồi nên chỉ có món cá khô và trứng”.

Cuộc sống sinh hoạt nghèo khó, nhưng các thầy lại giàu lòng nhiệt huyết với người dân bản và các em học sinh nơi đây. Họ thực sự là những người khai sáng trên vùng đất còn nghèo khó này.

Một thầy giáo dạy 3 trình độ.
Một thầy giáo dạy 3 trình độ.

Không điện, các thầy giáo thường phải dùng đèn dầu soạn giáo án.
Không điện, các thầy giáo thường phải dùng đèn dầu soạn giáo án.

Cuộc sống chủ yếu là tự cung, tự cấp.
Cuộc sống chủ yếu là tự cung, tự cấp.

Duy Tuyên