Điểm thi THPT quốc gia 2019: Hơn 70% bài thi Lịch sử dưới điểm trung bình

(Dân trí) - Theo tổng hợp từ dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2019 của Bộ GD&ĐT, hơn 70% thí sinh đạt điểm dưới 5 môn Lịch sử. Điểm trung bình của môn này là 4,3.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, có 569.905 thí sinh dự thi môn Lịch sử (thuộc tổ hợp bài Khoa học Xã hội). 

Thống kê của Bộ GD&ĐT qua dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2019 cho thấy, số thí sinh có điểm dưới trung bình là 399.016 (chiếm 70,01%). Số thí sinh có điểm liệt (<=1 điểm) là 395.

Môn Lịch sử có điểm trung bình là 4,3 và có 80 bài thi đạt điểm 10 trong cả nước.

Như vậy, so với năm ngoái, điểm trung bình của môn Lịch sử năm nay là 4,3, cao hơn năm 2018 (năm ngoái điểm trung bình là 3,79).

Tuy nhiên, so với năm 2017, điểm thi năm nay thấp hơn (năm 2017 là 4,6 điểm).

Điểm thi THPT quốc gia 2019: Hơn 70% bài thi Lịch sử dưới điểm trung bình - 1

Phổ điểm thi THPT quốc gia 2019 môn Lịch sử

Đánh giá về điều này, bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, môn Lịch sử trong nhiều năm có phổ điểm thấp nhất là do phương pháp dạy của chúng ta chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, học sinh chưa hứng thú học nên kết quả học tập không cao.

Đánh giá về đề thi này, trước đó cô giáo Đặng Ngọc Tú, giáo viên Lịch sử Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho rằng, từ câu 30 trở đi, đề thi bắt đầu có sự phân hóa, các câu hỏi đòi hỏi sự so sánh, tổng hợp, phân tích các kiến thức lịch sử nên không dễ với học sinh phổ thông, các phương án trả lời, độ nhiễu cao nên học sinh sẽ phải suy nghĩ và cân nhắc khi lựa chọn các phương án đúng.

Nhất từ câu 37- 40, đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức cơ bản, mà phải có khả năng vận dụng, suy luận cao.

Cô cho rằng, đề thi năm nay ít có sự liên hệ thực tiễn, chủ yếu là kiến thức lịch sử trong sách giáo khoa.

Điểm thi THPT quốc gia 2019: Hơn 70% bài thi Lịch sử dưới điểm trung bình - 2

Trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, có rất nhiều sự kiện trong nước và thế giới tác động đến tình hình Việt Nam, nên việc bổ sung thêm những câu hỏi mang tính thực tiễn trong đề thi sẽ giúp học sinh nâng cao khả năng tư duy, vận dụng kiến thức, đồng thời giúp các em thấy được trách nhiệm, vai trò của mình.

Cô Tú cho rằng, đề có một số câu hỏi khó nằm ở 4 phương án lựa chọn và học sinh rất khó để chọn được phương án đúng nhất. Do đó, với đề thi này, học sinh đạt điểm 8 trở lên không dễ.

Mỹ Hà