ĐHQG TPHCM: Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu thua ĐH nước ngoài 250 lần

(Dân trí) - ĐH Quốc gia (ĐHQG) TPHCM đã cố gắng hỗ trợ cho cán bộ nghiên cứu với kinh phí đầu tư trung bình là 16 triệu đồng/năm cho 1 công trình công bố trong và ngoài nước. Nhưng nếu so với trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) thì vẫn thua 250 lần khi mức đầu tư trung bình là 4 tỉ đồng/năm/cán bộ.

Ngày 8/1, đoàn công tác của Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thăm và làm việc với ĐHQG TPHCM. Tại buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Thanh Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM có báo cáo tình hình hoạt động và các kiến nghị của đại học này lên đoàn công tác.


ĐHQG TPHCM: Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu thua ĐH nước ngoài 250 lần - Ảnh 1.

PGS.TS Huỳnh Thanh Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM có báo cáo tình hình hoạt động và các kiến nghị của đại học này

Ông Đạt cho hay, trong các năm 2016, 2017 và 2018, tỷ lệ giữa vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp so với tổng kinh phí của ĐHQG TPHCM có xu hướng giảm dần về mức dưới 30%. So với chi phí đào tạo của một số trường trong nước với cùng nhóm ngành đào tạo, chi phí bình quân cho công tác đào tạo của ĐHQG TPHCM còn thấp so với mặt bằng chung. So với khu vực, năm 2018, chi phí cho công tác đào tạo 1 sinh viên/năm gần 28 triệu đồng, đối chiếu với kinh phí bình quân cho 1 sinh viên đại học tại Singapore khoảng 350 triệu đồng. Như vậy, chi phí này chưa hoàn toàn tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trở thành một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Chính phủ về ĐHQG TPHCM.

Ngoài ra, trong hoạt động nghiên cứu khoa học những năm gần đây, phần NSNN được ĐHQG TPHCM dành cho đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm, các đề tài nhiệm vụ cấp quốc gia, sự nghiệp khoa học công nghệ chiếm từ 20-25% tổng kinh phí NSNN.

Theo ông Đạt, hàng năm số bài báo công bố quốc tế, hội nghị, hội thảo của ĐHQG TPHCM là 3.610 bài/năm, tương ứng mỗi cán bộ nghiên cứu trong 1 năm đều có ít nhất 1 công bố bài báo trong và ngoài nước. Tỷ lệ giảng viên trình độ Tiến sĩ trở lên trên bài báo công bố quốc tế ISI hoặc trong danh mục Scopus là 0.6. Như vậy kinh phí đầu tư trung bình cho 1 cán bộ nghiên cứu trong 1 năm là 16 triệu đồng cho 1 công trình công bố trong và ngoài nước, trong khi tại trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), 1 cán bộ được đầu tư trung bình trong 1 năm là 4 tỉ đồng. Điều này cho thấy ĐHQG TPHCM đã có nhiều cố gắng trong những năm qua.

Dịp này, ông Đạt đã nêu các kiến nghị của ĐHQG TPHCM với đoàn công tác. Theo ông Đạt, cần có chủ trương tập trung nguồn vốn đầu tư cho một số đại học (các ĐHQG, Đại học vùng...) để sớm trở thành các đại học lớn mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đồng thời, Nghiên cứu bổ sung, sửa đổi một số điều của các luật khác liên quan đến Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019) như là: Luật đầu tư công, luật viên chức, luật cán bộ công chức,... Xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng trung ương giai đoạn 2019-2020 để hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án đầu tư xây dựng ĐHQG TPHCM vào năm 2020.

Ngoài ra, ông Đạt kiến nghị triển khai cơ chế đặt hàng theo các nhiệm vụ cấp quốc gia như: đặt hàng đào tạo các ngành khoa học cơ bản, các ngành khoa học xã hội, các ngành đào tạo đặc thù phục vụ cho sự phát triển của TPHCM, các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ. Có chủ trương để hệ thống ngân hàng chính sách xã hội tăng mức cho vay dành cho sinh viên để phù hợp với thực tế, đơn giản hóa thủ tục vay đồng thời có chính sách quản lý theo hướng hiện đại.

Đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư, xem xét giao ĐHQG TPHCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và ký kết hợp đồng các dự án thuộc phạm vi quản lý.

Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp KHCN trong trường đại học công lập. Tiếp tục cho phép triển khai đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các trường đại học, viện nghiên cứu.

ĐHQG TPHCM: Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu thua ĐH nước ngoài 250 lần - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đồng quan điểm là Ngân sách nhà nước tiếp tục cần ưu tiên đầu tư cho ĐHQG, tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư khoa học công nghệ.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, với những thành tích mà ĐHQG TPHCM trong thời gian vừa qua, đã cho thấy cơ hội và tiềm năng phát triển nhưng cũng đầy thách thức trong môi trường cạnh tranh với các đại học trong khu vực. Ông cũng đồng quan điểm với đề nghị của ĐH này là Ngân sách nhà nước tiếp tục cần ưu tiên đầu tư cho ĐHQG, tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư khoa học công nghệ.

“Về cơ chế tự chủ tài chính, tôi đề nghị cần tính đến các phương án cụ thể, vì chính nhờ vấn đề này mà chúng ta xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế. Các đại học khác tồn tại được, mình cũng phải tồn tại được theo cơ chế thị trường, giảm dần sự cấp phát theo Ngân sách nhà nước và theo lộ trình. Tôi đề nghị ĐHQG TPHCM phải xây dựng lộ trình cụ thể, trong khi triển khai vấn đề này theo chỉ đạo của Thủ tướng thì tất cả phải xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2020”, ông Hải nói.

Lê Phương