Đề xuất tách bài thi THPT quốc gia thành 2 phần đề: tốt nghiệp cấp 3 và thi đại học

(Dân trí) - TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), cho rằng, chúng ta nên gọi là kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi “2 trong 1 buổi”. Tức là nên chia thàh 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ; học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì giám sát.

Nội dung đề xuất trên được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến "Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra" do báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng nay 13/9 tại trụ sở Văn phòng Quốc hội. Tọa đàm tập trung vào 2 nội dung: Đổi mới thi cử - kết quả bước đầu, những vấn đề đặt ra và làm thế nào để có một kì thi công bằng, minh bạch, chất lượng?

Tọa đàm có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng; Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Mai Văn Trinh; nguyên Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT) Quách Tuấn Ngọc; Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội Nguyễn Đình Đức; Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) Nguyễn Phương Nga; Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Marie Curie Nguyễn Xuân Khang.

Tại buổi tọa đàm, các khách mời đều ghi nhận những kết quả mà kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được.

PGS.TS Nguyễn Hữu Độ (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) khẳng định, đổi mới thi cử là khâu đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Từ năm 2015, Bộ đã chính thức tiến hành kỳ thi chung mang tên kỳ thi THPT quốc gia với mục đích lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, làm cơ sở căn cứ điều chỉnh công tác dạy và học; đồng thời làm cơ sở cho các trường ĐH-CĐ có thể tham khảo tuyển sinh.

Hình thức tổ chức thi có nhiều đổi mới: phương thức thi có thể theo cụm thi liên tỉnh hoặc 1 tỉnh, cụm thi có thể do Sở GD&ĐT chủ trì, hay ĐH chủ trì. Năm đầu tiên, cụm thi do các trường ĐH chủ trì với 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, còn học sinh thi chỉ với mục đích tốt nghiệp thì thi tại địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì.

PGS.TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
PGS.TS Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Năm 2016 - 2017, việc đổi mới dần theo hướng chỉ còn 1 cụm thi, tại 1 tỉnh, năm học 2017 - 2018, tổ chức cụm thi duy nhất do Sở GD-ĐT và các trường ĐH tham gia, với phương thức và sự phối hợp chặt chẽ sâu 50-50; trong đó, 50% giáo viên các trường ĐH và 50% giáo viên trường phổ thông.

"Với kỳ thi như vậy đã làm tổ chức gọn nhẹ, giảm áp lực tốn kém cho xã hội, tình trạng ùn tắc giao thông khi bố mẹ và học sinh đi thi, giảm đi lại vất vả cho người học và gia đình, giảm dạy thêm học thêm.

Tuy còn những bất cập năm 2018, nhưng có thể khẳng định của thành công đổi mới thi là tìm ra phương án thi THPT quốc gia hiện nay phù hợp, giảm áp lực xã hội nhưng vẫn có độ tin cậy nhất định để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Đó cũng là điểm thành công trong quá trình đổi mới thi", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định.

Cân nhắc mặt kỹ thuật của kỳ thi THPT quốc gia

Sơ hở trong thực thi, những tiêu cực thi cử vừa xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… là điều không mong muốn. Dưới góc nhìn của cơ quan xây dựng chính sách, cơ quan giám sát thực thi luật, TS. Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, chúng ta cũng nên xét yếu tố về mặt kỹ thuật.

Theo ông, đây là kỳ thi chúng ta thường gọi nôm na là kỳ thi “hai trong một” nhưng thực tế hai mục tiêu khá khác nhau. Với góc độ thi tốt nghiệp THPT, trình độ giáo dục phổ thông là trình độ phổ cập. Kỳ thi này mang tính chất sát hạch thì đúng hơn, để xem học sinh trải qua quá trình học ở trường phổ thông đã nắm được kiến thức trang bị chưa, để có đủ kiến thức văn hóa tối thiểu tiếp tục học lên hoặc là bước ra thị trường lao động. Ở đây không có tính chất sàng lọc nghiêm ngặt mà cứ đạt chuẩn là sẽ tốt nghiệp.


TS. Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

TS. Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội).

Bởi vậy, thực tế kết quả kỳ thi này thường rất cao, các trường gần như đạt 99%, hầu như ai thi cũng đỗ, không có mục tiêu sàng lọc ở kỳ thi THPT này. Mục tiêu thứ hai là để xét tuyển ĐH-CĐ là phải chọn được thí sinh có đầy đủ kiến thức, hiểu biết, kỹ năng, đầy đủ tư duy để có thể học ở phần cao hơn ở hệ thống giáo dục quốc dân là ĐH-CĐ. Kỳ thi này là vừa sàng lọc để chọn thí sinh phù hợp với bậc đào tạo này, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như năng lực đào tạo của các trường ĐH-CĐ.

"Mục tiêu của hai kỳ thi rất khác nhau, ghép kỳ thi này về kỹ thuật là rất khó. Nếu đạt mục tiêu thứ nhất một cách trọn vẹn thì mục tiêu thứ hai sẽ không đạt trọn vẹn. Nghĩa là đề thi không phân hóa thì không sàng lọc được, lựa chọn được thí sinh xuất sắc nhất vào ĐH, CĐ. Còn ngược lại, nếu chọn mục tiêu thứ hai thì mục tiêu xét tốt nghiệp giảm đi số lượng tốt nghiệp THPT thì cũng không trọn vẹn. Đó là lý do tôi cho rằng ghép hai khâu này ghép vào khó. Đó là điều cần suy nghĩ, từ việc tổ chức, thi, ra đề…".

Bàn luận về vấn đề này, TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) khẳng định, quá trình cải cách thi cử của chúng ta là phù hợp.

“Chúng ta phải khẳng định chủ trương là đúng nhưng đến lúc thực thi của chúng ta lại vướng phải khâu nhân sự. Chính cán bộ các phòng khảo thí của các Sở là những người tiếp tay tiêu cực và có thể nói chủ trì tiêu cực nhưng cá nhân tôi cũng khẳng định, đó là những sai phạm mang tính chất điểm lẻ chứ không mang tính chất toàn xã hội”, ông Ngọc nhận định".

TS. Ngọc đề xuất, thay vì để ghép phần nội dung thi như hiện tại, nên chăng tách bài thi THPT quốc gia thành 2 phần đề: tốt nghiệp cấp 3 và thi đại học


TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đề xuất tách bài thi THPT quốc gia thành 2 phần đề: thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ.

TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đề xuất tách bài thi THPT quốc gia thành 2 phần đề: thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ.

Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết thêm: "Tại cuộc làm việc của Bộ GD&ĐT với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa qua, chúng tôi có đề xuất: Chúng ta nên gọi là kỳ thi “2 trong 1 buổi”. Tức là chúng ta phải có 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì. Chúng tôi cũng đề xuất với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sửa luật lần này phải đắn đo câu chữ để làm sao thoát ra được việc đó. Chúng ta thấy, chủ trương thi tại địa phương là đúng, giảm áp lực, nhưng vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào cho tốt lại là vấn đề cần bàn kỹ".

Lệ Thu